Góc nhìn

Tiếp tục đổi mới hoạt động chất vấn

Đình Hiệp 04/06/2024 - 06:15

Tiếp nối thành công của kỳ họp thứ sáu, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV dự kiến diễn ra từ hôm nay (4-6) đến 6-6, tập trung vào 4 nhóm vấn đề, gồm: Tài nguyên và Môi trường; Công Thương; Kiểm toán; Văn hóa - Thể thao và Du lịch.

Như khẳng định của Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường tại họp báo trước kỳ họp, các vấn đề được lựa chọn chất vấn bám sát thực tiễn, trúng những vấn đề “nóng”, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước. Các phiên chất vấn được truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri, nhân dân theo dõi, qua đó giám sát lời hứa của các “tư lệnh ngành” đối với lĩnh vực phụ trách.

Chất vấn là một trong những hình thức giám sát quan trọng và trực tiếp của Quốc hội. Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, hoạt động này có nhiều đổi mới, cải tiến, đem lại hiệu quả thiết thực, được cử tri và nhân dân cả nước đánh giá cao. Với mục tiêu không ngừng đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, các phiên chất vấn kế thừa và phát huy cách thức “hỏi nhanh - đáp gọn”, đi thẳng vào vấn đề cử tri và người dân quan tâm.

Theo đó mỗi lần chất vấn, đại biểu Quốc hội nêu chất vấn không quá 1 phút, người trả lời chất vấn không quá 3 phút. Từ những vấn đề “nóng” được lựa chọn, không khí tranh luận trong mỗi phiên chất vấn cũng làm “nóng” nghị trường, thể hiện quyết tâm của đại biểu trong việc làm rõ, sáng tỏ tới cùng vấn đề chất vấn và làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu.

Cả 4 nhóm vấn đề được Quốc hội chất vấn lần này đều là những vấn đề nổi bật trong đời sống kinh tế - xã hội thời gian qua. Nhóm vấn đề thứ nhất xoay quanh việc quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên biển quốc gia; giải pháp phòng, chống tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu, suy giảm, ô nhiễm nguồn nước…

Nhóm vấn đề thứ hai tập trung vào công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử… Còn nhóm vấn đề thứ ba tập trung vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán nhà nước… Trong khi đó, trọng tâm nhóm vấn đề thứ tư là giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch; giải quyết việc làm cho vận động viên, nghệ sĩ sau thời kỳ thi đấu, biểu diễn đỉnh cao…

Để hoạt động chất vấn hiệu quả, công tác chuẩn bị, tổ chức, tiến hành chất vấn được chú trọng và thực hiện kỹ lưỡng. Trong đó, việc lựa chọn nhóm vấn đề được thông báo đến đại biểu Quốc hội và các cơ quan được thực hiện từ sớm, từ xa. Qua đó, các bộ trưởng, trưởng ngành sớm gửi báo cáo về nhóm vấn đề chất vấn, các đại biểu Quốc hội có điều kiện nghiên cứu kỹ các báo cáo này, trên cơ sở đó tập trung chất vấn để làm rõ các nội dung, trách nhiệm và giải pháp nhằm tạo chuyển biến thực sự trong các lĩnh vực.

Từ kết quả các phiên chất vấn thời gian qua cho thấy, việc đại biểu Quốc hội tích cực tham gia tranh luận đã tạo bầu không khí sôi nổi, cởi mở, dân chủ; mang lại hiệu quả tích cực. Ngoài ra, sau mỗi phiên chất vấn, Nghị quyết về hoạt động chất vấn cũng được ban hành với các yêu cầu, giải pháp cụ thể và thời hạn hoàn thành nhằm tạo điều kiện để các cơ quan thực hiện, các cơ quan Quốc hội theo dõi, giám sát.

Trong thực thi chính sách, nhiều vấn đề đòi hỏi sự tham gia giải quyết của liên ngành. Vì thế, việc Quốc hội chất vấn theo nhóm lĩnh vực vừa là áp lực nhưng cũng là động lực để các “tư lệnh ngành” tăng trách nhiệm, đẩy mạnh phối hợp liên bộ, ngành để giải quyết vấn đề. Thông qua chất vấn, tranh luận giúp làm rõ trách nhiệm cá nhân, thúc đẩy việc ban hành chính sách, giải pháp phù hợp để giải quyết thỏa đáng những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp tục đổi mới hoạt động chất vấn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.