Kinh tế

Nhiều hạn chế trong triển khai chính sách ưu đãi phát triển công nghiệp hỗ trợ

Đình Hiệp 04/06/2024 18:45

Nhiều đại biểu đặt câu hỏi về việc Bộ Công Thương làm gì để thực hiện chính sách, pháp luật phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí, nhất là trong phục vụ chế biến nông sản, phát triển nông nghiệp, nông thôn.

nguyen-van-an.jpg
Đại biểu Nguyễn Văn An (Đoàn Thái Bình) chất vấn. Ảnh: quochoi.vn

Công nghiệp hỗ trợ khẳng định vai trò đầu tàu

Chiều 4-6, tiếp tục phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, đại biểu Nguyễn Văn An (Đoàn Thái Bình) cho biết, Việt Nam có nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích nhằm đầu tư phát triển công nghiệp, trong đó có công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp cơ khí nhưng kết quả vẫn còn hạn chế.

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong thời gian qua, Bộ đã tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản và đạt được kết quả cụ thể. Trong đó, công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp cơ khí đã khẳng định vai trò đầu tàu cho tăng trưởng sản xuất công nghiệp, tỷ lệ nội địa hóa được nâng cao trong nhiều ngành, như: Dệt may, da giày đạt tới 50% và cơ khí đạt hơn 30%...

Tuy nhiên, các chính sách ưu đãi còn nhiều hạn chế, như: Nguồn lực đầu tư của Nhà nước từ Trung ương đến địa phương vừa ít, vừa khó tiếp cận, chồng chéo nhau, một số điều kiện hưởng ưu đãi còn khá ngặt nghèo, chưa thực sự phù hợp khiến các doanh nghiệp khó tiếp cận. Trong khi đó, chính sách thu hút FDI chưa ràng buộc, chưa khuyến khích để các doanh nghiệp FDI tăng tính lan tỏa cho doanh nghiệp trong nước...

nguyen-hong-dien.jpg
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn. Ảnh: quochoi.vn

Trước khó khăn này, Bộ Công Thương tiếp tục tham mưu hoàn thiện đồng bộ về chính sách, trong đó nghiên cứu xây dựng luật phát triển công nghiệp trọng điểm, gồm ngành công nghiệp cơ khí, chế tạo, chế biến điện tử, hóa chất và năng lượng. Tăng cường phân bổ nguồn lực cả trung ương và địa phương để tập trung phát triển ngành này.

Đồng thời, triển khai hiệu quả chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật; tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền chính sách trên phạm vi rộng và tăng cường chương trình hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam; đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng; hỗ trợ các doanh nghiệp và đặc biệt phát huy hiệu quả của các trường đại học, cao đẳng thuộc ngành Công Thương…

duong-tan-quan.jpg
Đại biểu Dương Tấn Quân (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) chất vấn. Ảnh: quochoi.vn

Trả lời chất vấn của đại biểu Dương Tấn Quân (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) về việc triển khai các chính sách ưu đãi để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, nhất là phục vụ chế biến nông sản, phát triển nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế và giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, cho biết: Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, những chính sách này liên quan đến nhiều ngành; một số cơ chế còn chồng chéo, vướng mắc. Do đó, để cơ chế, chính sách thực sự phát huy được hiệu quả thì trong thời gian tới cần rà soát quy định pháp luật hiện hành, thuộc trách nhiệm của ngành nào thì ngành đó phải rà soát và tham mưu cho cấp có thẩm quyền. Đồng thời cần có cơ chế phối hợp giữa các ngành, các địa phương; quan tâm năng lực tiếp thu cơ chế, chính sách của doanh nghiệp.

ha-hong-hanh.jpg
Đại biểu Hà Hồng Hạnh (Đoàn Khánh Hòa) chất vấn. Ảnh: quochoi.vn

Cơ giới hóa nâng cao giá trị chế biến nông sản

Trả lời câu hỏi của đại biểu Hà Hồng Hạnh (Đoàn Khánh Hòa) quan tâm đến công nghiệp hỗ trợ trong phục vụ chế biến nông sản, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, thời gian qua, Bộ Công Thương đã tích cực tham mưu cấp có thẩm quyền về cơ chế, chính sách cơ khí hóa cho nông nghiệp; đã sản xuất hàng loạt máy gieo trồng và thu hoạch; trên 90% số máy xay xát lúa, đánh bóng gạo đã sản xuất phục vụ nhu cầu trong nước, cũng như xuất khẩu.

Công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm bước đầu phát triển. Các dây chuyền thiết bị nông sản, như: Cà phê, hạt điều do doanh nghiệp trong nước thiết kế, chế tạo cũng được sử dụng trong nước và xuất khẩu, góp phần tăng giá trị xuất khẩu nông sản bình quân mỗi năm 8-10%.

dai-bieu-2.jpg
Đại biểu Quốc hội tham gia phiên chất vấn chiều 4-6. Ảnh: quochoi.vn

Tuy vậy, vẫn còn những hạn chế trong triển khai thực hiện. Do đó thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tham mưu Chính phủ có cơ chế để tiếp tục khuyến khích tích tụ đất trong nông nghiệp theo pháp luật về đất đai và các quy định liên quan để tạo ra những vùng trồng, vùng nuôi quy mô lớn, đủ khối lượng sản phẩm để xuất khẩu. Đồng thời, áp dụng công nghệ mới trong quá trình sản xuất để bảo đảm các tiêu chuẩn sản phẩm hàng hóa đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Cùng với đó, nâng cao hiệu quả chính sách khuyến công, công nghiệp nông thôn để hỗ trợ đầu tư phát triển cụm công nghiệp, khu công nghiệp chuyên biệt phục vụ cho quá trình chuyển dịch trong khu vực nông nghiệp nước ta. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế ưu đãi để hỗ trợ các doanh nghiệp cơ khí chế tạo những sản phẩm máy móc, linh kiện và sản phẩm hỗ trợ nông nghiệp…

Đại biểu Quốc hội tham gia phiên chất vấn chiều 4-6. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội tham gia phiên chất vấn chiều 4-6. Ảnh: quochoi.vn

Trả lời câu hỏi của một số đại biểu quan tâm đến việc đầu tư chế biến nông sản, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, vai trò của cơ giới hóa nâng cao giá trị chế biến nông sản, phát triển nông nghiệp, nông thôn được khẳng định thực tế những năm qua và thu được nhiều kết quả trong lĩnh vực này. Bộ cũng áp dụng nhiều giải pháp như ban hành nghị định về quản lý cụm công nghiệp; triển khai các chương trình ưu đãi, hỗ trợ để phát triển ở các địa phương…

Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế như tích tụ đất đai, sản phẩm đưa vào chế biến chưa đồng nhất, quy mô nhỏ, chất lượng chưa được ổn định. Thời gian tới, Bộ sẽ đổi mới nâng cao hiệu quả chính sách, khuyến khích sản xuất nông nghiệp quy mô lớn; ứng dụng cơ giới hóa nông nghiệp; tạo vùng nguyên liệu; thu hút đầu tư…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhiều hạn chế trong triển khai chính sách ưu đãi phát triển công nghiệp hỗ trợ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.