An toàn thực phẩm

Xử lý vi phạm an toàn thực phẩm: Tránh tình trạng “bắt cóc, bỏ đĩa”

Thu Trang 04/06/2024 19:30

Trong Tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm 2024, cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội đã xử phạt 1.679 cơ sở vi phạm với số tiền hơn 8,8 tỷ đồng. Trước tình hình vi phạm an toàn thực phẩm còn diễn biến phức tạp, công tác thanh tra, kiểm tra cần tiếp tục được triển khai thường xuyên, liên tục không chỉ trong một đợt cao điểm và đặc biệt tránh tình trạng “bắt cóc, bỏ đĩa”.

quang-canh-cuoc-hop-4-6.jpg
Quang cảnh hội nghị chiều 4-6. Ảnh: Thu Trang

Chiều 4-6, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Trưởng ban Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm thành phố Trần Sỹ Thanh chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến và trực tiếp với các quận, huyện, thị xã về kết quả triển khai Tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm 2024, triển khai các nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.

Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm thành phố Vũ Thu Hà và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của thành phố.

Xúc xích phơi nắng 7 ngày không ôi thiu

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm thành phố Hà Nội, trong Tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm 2024 (diễn ra từ ngày 15-4 đến 15-5), toàn thành phố đã thành lập 706 đoàn kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm.

Kết quả đã kiểm tra, giám sát được 12.509 cơ sở, trong đó có 10.522 cơ sở đạt yêu cầu (chiếm tỷ lệ 84,1%) và 1.814 cơ sở vi phạm. Cơ quan chức năng của thành phố đã xử phạt 1.679 cơ sở vi phạm, với số tiền hơn 8,8 tỷ đồng; đồng thời buộc tiêu hủy số lượng hàng hóa trị giá hơn 2,7 tỷ đồng của 280 cơ sở, đình chỉ 7 cơ sở…

Đề cập đến tình hình vi phạm an toàn thực phẩm còn diễn biến phức tạp, đại diện Công an thành phố Hà Nội đã dẫn chứng về một đường dây buôn bán hơn 10 tấn xúc xích “bẩn” vừa bị bắt giữ. Đường dây này bắt đầu từ một hàng quán ở cổng trường học. Sau đó, lực lượng công an đã lần theo dấu vết, tìm được 5-6 đầu mối và phát hiện kho hàng có chứa hơn 10 tấn xúc xích “bẩn”.

“Chúng tôi đã thử thí nghiệm để xúc xích thu giữ được ngoài nắng 7 ngày. Kết quả, xúc xích không bị ôi thiu, bốc mùi. Chúng tôi nghi ngờ sản phẩm này có sử dụng Formol (chất độc hại cấm dùng trong thực phẩm-PV) để bảo quản xúc xích. Nếu số lượng xúc xích này được tiêu thụ hết tại các cửa hàng, tạp hóa ở cổng trường thì số lượng trẻ bị ảnh hưởng đến sức khỏe rất lớn”, đại diện Công an thành phố Hà Nội lo lắng.

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội Chu Xuân Kiên cũng thông tin, ngay chiều 4-6, lực lượng quản lý thị trường đã bắt được hơn 1 tấn thực phẩm “bẩn” tại quận Tây Hồ. Hiện, số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm ngày càng lớn nhưng số lượng người làm về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm lại rất mỏng. Do đó, nếu chỉ làm theo kiểu “nay đến cửa hàng nọ, mai đến cửa hàng kia” thì chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa” không thể xử lý hết được.

dai-bieu-tham-du-chieu-4-6.jpg
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Thu Trang

“Chúng tôi rất mong người dân, chính quyền địa phương cùng vào cuộc với cơ quan chức năng. Nếu người dân thấy quán hàng bán xúc xích nướng, gà rán… không bảo đảm an toàn thực phẩm trước cổng trường hãy chụp ảnh rồi đề nghị lực lượng chức năng các quận, huyện vào cuộc giải quyết dứt điểm. Hay khi người dân phát hiện cơ sở có dấu hiệu vi phạm an toàn thực phẩm hãy gửi thông tin cho chúng tôi”, ông Chu Xuân Kiên nói.

Còn theo bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, 60% nguồn thực phẩm ở chợ cung cấp cho người dân. Thế nhưng, việc kiểm soát chất lượng rau, thịt bày bán ở các chợ cóc, chợ tạm còn hạn chế. Đến nay, trong số hơn 500 chợ trên địa bàn mới chỉ có 22 trạm xét nghiệm nhanh chất lượng thực phẩm, tỷ lệ này rất thấp.

Tập trung vào ba nhóm giải pháp

Để công tác quản lý an toàn thực phẩm đạt hiệu quả, tại hội nghị, Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm thành phố Hà Nội đã đưa ra ba nhóm giải pháp cần tập trung triển khai trong 6 tháng cuối năm, đó là tổ chức chiến dịch truyền thông sâu rộng đến các nhóm đối tượng; tăng cường quản lý an toàn thực phẩm trong trường học và bảo đảm an toàn thực phẩm thức ăn đường phố, dịch vụ ăn uống.

khen-thuong-tap-the.jpg
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh tặng Bằng khen của UBND thành phố cho 10 tập thể. Ảnh: Thu Trang

Riêng về công tác truyền thông, bà Nguyễn Thị Mai Hương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông Hà Nội cho rằng, để tăng tính hiệu quả, thay vì tuyên truyền một cách chung chung thì cần cá thể hóa, cụ thể đối tượng vi phạm. Chẳng hạn khi cơ quan chức năng xử lý, đóng cửa một cơ sở vi phạm thì cần thông tin rõ tên, địa chỉ của cơ sở đó lên mạng xã hội hoặc các phương tiện truyền thông.

Đồng tình với ý kiến trên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà nhấn mạnh, cần triển khai chiến dịch truyền thông sâu rộng, trực diện các nhóm vấn đề, từng nhóm đối tượng. Với chuyên đề trường học sẽ tập trung tuyên truyền đến đối tượng là phụ huynh và học sinh. Nội dung thông tin phải bảo đảm truyền tải đầy đủ về tình hình an toàn thực phẩm và nâng cao nhận thức để mỗi cá nhân biết tự bảo vệ sức khỏe của bản thân.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, qua các hoạt động của Tháng hành động vì An toàn thực phẩm, thành phố thẳng thắn công bố những quận, huyện, những đơn vị làm tốt cũng như chưa tốt để rút kinh nghiệm. Không chỉ riêng trong Tháng hành động mà công tác bảo đảm an toàn thực phẩm cần được coi là nhiệm vụ chính trị quan trọng, phải được thực hiện thường xuyên, liên tục. Bởi các hoạt động vi phạm an toàn thực phẩm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, giống nòi, do đó cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị.

khen-thuong-ca-nhan.jpg
Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà tặng Bằng khen của UBND thành phố cho 7 cá nhân. Ảnh: Thu Trang

Để công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đạt được kết quả như mong muốn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đồng chí Trần Sỹ Thanh cho rằng, quan trọng nhất là phải thay đổi nhận thức, ý thức từ cán bộ đến người dân; thay đổi thói quen và tư duy tiêu dùng.

Để làm được điều đó, theo đồng chí Trần Sỹ Thanh, cần tăng cường các hoạt động truyền thông và đẩy mạnh bổ sung kinh phí truyền thông trên báo, đài, mạng xã hội; tổ chức các cuộc thi viết về an toàn thực phẩm...

Đặc biệt, các hoạt động tuyên truyền an toàn thực phẩm cần được đẩy mạnh trong các nhà trường để giáo dục thế hệ tương lai. Còn người dân không nên vì chạy theo lợi nhuận mà nuôi trồng, sản xuất theo kiểu “lợn một chuồng, rau một luống”. Bên cạnh đó, thành phố cũng cần tăng cường các giải pháp quản lý chợ truyền thống; đầu tư kinh phí xây dựng hệ thống giết mổ tập trung...

Trong Tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm 2024, các quận có số lượt kiểm tra, xử lý vi phạm ở mức cao là: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Tây Hồ, Ba Đình, Nam Từ Liêm. Các quận, huyện kiểm tra, xử lý vi phạm ở mức trung bình là: Long Biên, Hà Đông, Thanh Xuân, Thanh Trì, Mê Linh, Đông Anh, Phúc Thọ, Gia Lâm, Chương Mỹ, Sóc Sơn. Các huyện, thị xã có số lượt kiểm tra và xử lý vi phạm ở mức thấp là Ba Vì, Hoài Đức, Thạch Thất, Phú Xuyên, Thường Tín, Ứng Hòa, Sơn Tây, Thanh Oai, Đan Phượng, Quốc Oai, Mỹ Đức.

Cũng tại hội nghị, 10 tập thể và 7 cá nhân được nhận Bằng khen của UBND thành phố Hà Nội vì có nhiều thành tích trong Tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm 2024.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý vi phạm an toàn thực phẩm: Tránh tình trạng “bắt cóc, bỏ đĩa”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.