Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quan hệ Nga - NATO: Khó hóa giải bất đồng

Hoàng Linh| 24/11/2016 06:19

(HNM) - Phát biểu tại một cuộc họp ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) mới đây, Tư lệnh Bộ chỉ huy hàng hải Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Clive Johnstone tuyên bố, liên minh quân sự này không xem Nga là kẻ thù, mà thay vào đó đang cố gắng tìm hiểu động cơ của Mátxcơva cũng như bảo vệ lợi ích của mình.


Các lực lượng NATO gia tăng sự hiện diện gần biên giới Nga.


Nga và NATO đang rơi vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát. Ngay sau khi 11 nước thành viên NATO triển khai 4.000 binh sĩ đến Litva tham gia cuộc tập trận đa phương mang tên "Iron Sword 2016" hôm 21-11, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Thượng viện Nga Viktor Ozerov đã ra tuyên bố về việc điều hệ thống tên lửa phòng không S-400 tới Kaliningrad. Động thái là câu trả lời cho việc Mỹ triển khai lá chắn tên lửa ở Đông Âu. Bộ Ngoại giao Mỹ cáo buộc việc điều động S-400 của Nga tạo ra mối đe dọa, gây bất ổn định đến an ninh của Châu Âu.

Tuy nhiên, Mátxcơva vẫn tỏ ra kiên định với những bước đi của mình. Trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình, Tổng thống Vladimir Putin khẳng định sẽ đáp trả thích đáng những động thái mở rộng biên giới của NATO đến các nước giáp với Nga. Điện Kremlin cũng cho biết, Mátxcơva có quyền áp dụng mọi biện pháp cần thiết trên lãnh thổ của mình để bảo đảm an ninh trong bối cảnh NATO ngày càng đẩy mạnh các kế hoạch Đông tiến. Trước đó, khối quân sự hùng mạnh nhất thế giới đã tuyên bố triển khai luân phiên 4 tiểu đoàn đa quốc gia tới Ba Lan và vùng Baltic để ngăn chặn bất cứ sự xâm nhập nào từ Nga. Mỹ cũng lên kế hoạch điều 300 lính thủy đánh bộ tới Na Uy và đồn trú tại một căn cứ ngay gần biên giới với Nga. Trong khi Anh dự kiến đưa 800 binh sĩ cùng xe tăng, xe bọc thép, máy bay không người lái tới Estonia vào đầu năm sau.

Nga cho rằng, việc NATO liên tục điều động quân đội tiến sát đến biên giới nước này là đi ngược lại những cam kết mà liên minh đưa ra trong Dự luật Nga - NATO. Văn bản này quy định khối quân sự phương Tây không được phép triển khai một số lượng binh lính đáng kể đến lãnh thổ của các nước thành viên mới nằm sát Nga.

Lý giải những hành động có phần gấp gáp của NATO gần đây, giới quan sát cho rằng tổ chức này đang thể hiện sự bối rối đối với việc ứng phó trước những động thái ngày càng mới mẻ của Nga. Mặt khác, việc Mỹ đang trong quá trình chuyển giao quyền lực cũng tiềm ẩn nhiều bất định. Tổng thống đắc cử Donald Trump không chỉ nhiều lần bày tỏ thiện cảm với Tổng thống Nga V.Putin mà còn tuyên bố muốn xây dựng quan hệ gần gũi hơn với Điện Kremlin. Tỷ phú New York cũng không hài lòng trước những khoản chi tốn kém để bảo vệ các đồng minh NATO. Điều này trái ngược với những cam kết của Tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama trong chuyến công du Châu Âu hồi tuần trước. Ông chủ Nhà Trắng đương nhiệm từng khẳng định Liên minh Châu Âu (EU) và NATO sẽ luôn là nền tảng trong chính sách đối ngoại của Mỹ, nhấn mạnh việc các thành viên của liên minh phải chung vai sát cánh và cần thể hiện quan điểm cứng rắn hơn nữa với Nga, đặc biệt là trong vấn đề Syria và đàm phán hòa bình ở Ukraine. Mặt khác, EU tới lúc này vẫn chưa hết “sốc” khi thủ lĩnh các chính đảng thân Nga lên lãnh đạo ở Moldova và Bulgaria. Trong khi Bulgaria là thành viên EU và NATO thì Moldova đang được cả EU lẫn NATO lôi kéo.

Dường như sức ép của NATO đến từ mọi phía đã buộc Nga phải có những hành động của riêng mình, đặc biệt trong vấn đề lá chắn tên lửa. Hàng loạt động thái mang tính trả đũa lẫn nhau như vậy cho thấy mối quan hệ chồng chất bất đồng giữa Nga và NATO sẽ rất khó hóa giải trong tương lai gần. Tuy nhiên, với những phát ngôn có phần mềm mỏng gần đây của các quan chức NATO, trong đó nhấn quan điểm không muốn châm ngòi một cuộc Chiến tranh Lạnh kiểu mới thì ít nhất thế giới cũng có thể hy vọng cách tiếp cận “nước đôi” mà NATO đang theo đuổi là tín hiệu tích cực, bước đệm hướng tới cải thiện quan hệ hai bên trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quan hệ Nga - NATO: Khó hóa giải bất đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.