Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Quân đội không thể và không nên trung lập”-Lịch sử đã cảnh báo

Đại tá, TS Nguyễn Văn Quang| 01/03/2013 09:03

Bản thân quân đội luôn là một lực lượng chính trị, một bộ phận đặc biệt quan trọng của chính quyền nhà nước. Điều này đã được lịch sử chứng minh.

Ảnh minh hoạ (Nguồn: TTXVN)


1. Nhìn lại lịch sử


Định đề trên là của V.I.Lênin viết cách đây hơn 100 năm, trong cuộc cách mạng dân chủ tư sản Nga 1905. Lúc đầu, binh sĩ đã nghe lệnh Nga hoàng bắn vào đoàn biểu tình của công nhân ở cung điện Mùa Đông, gây ra “Ngày Chủ nhật đẫm máu”. Cách mạng tuy bị thất bại, song được sự giác ngộ của Đảng Bônsêvích và V.I.Lênin, nhiều đơn vị quân đội và hải quân Nga hoàng đã ngả theo cách mạng. Ở Xêvaxtôpôn, lính thủy và binh lính đấu tranh cho tự do đã loại bỏ chỉ huy, “tuyên bố sẽ dùng vũ khí để bảo vệ tự do” nếu đòi hỏi của họ không được thực hiện... Dẫu kết cục ra sao, thì Lênin đã đưa ra nhận định rất xác đáng: “Vô luận thế nào, những sự kiện ở Xêvaxtôpôn chỉ ra rằng chế độ nô lệ cũ trong quân đội - chế độ biến người lính thành những cái máy vũ trang, biến họ thành công cụ trấn áp mọi nguyện vọng tự do, đã hoàn toàn phá sản. Cái thời đại mà quân đội Nga vượt biên giới nước Nga để đàn áp cách mạng đã qua không bao giờ trở lại. Ngày nay quân đội đã kiên quyết ly khai hẳn với chế độ chuyên chế. Chưa phải toàn bộ quân đội đều đã thành cách mạng”; song “quân đội nô lệ đang biến thành quân đội cách mạng”[1] .

Khiếp sợ trước sức mạnh quân đội của mình, để bảo vệ sự mục nát của chế độ, bọn tôi tớ của nền chuyên chế ấy đã tung ra những khẩu hiệu về “tính trung lập của quân đội, về sự cần thiết phải giữ cho quân đội đứng ngoài chính trị”. Những điểm này, ngay lập tức bị V.I.Lênin chỉ rõ là “giả dối”; “Không thể đứng ngoài cuộc đấu tranh của toàn dân giành tự do. Kẻ nào có thái độ thờ ơ đối với cuộc đấu tranh ấy thì kẻ đó ủng hộ sự hoành hành của chính phủ cảnh sát, chính phủ này hứa hẹn tự do chẳng qua là để nhạo báng tự do”. Bằng kinh nghiệm lịch sử, với nhãn quan và tư duy chính trị, Lênin đã nhận định: “Quân đội không thể và không nên trung lập. Không lôi kéo quân đội vào chính trị - đó là khẩu hiệu của bọn tôi tớ giả nhân giả nghĩa của giai cấp tư sản và của chế độ Nga hoàng, bọn này trong thực tế bao giờ cũng đã lôi kéo quân đội vào chính trị phản động”[2] .

Một nghịch cảnh đã diễn ra trong những năm 80 - 90 của thế kỷ XX ở Liên Xô. Quân đội Liên Xô, một thời lẫy lừng đánh bại cả hàng chục triệu quân phát xít - đế quốc; từng là trụ cột vững chắc của Chính quyền Xô-viết, một biểu tượng cho sức mạnh quân sự vô địch của vô sản thế giới. Ấy chỉ mà, bị chính những người lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Liên Xô phản bội, không những tuyên bố giải thể Đảng, từ bỏ sự lãnh đạo của Đảng đối với xã hội mà còn loại bỏ sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội… đã làm tan rã quân đội một cách nhanh chóng, không thể tưởng tượng được ngay chính với những kẻ thù hận ý thức hệ cao nhất của họ… Không dừng ở đó, những kẻ này lại dụng ngay quân đội, nã thẳng những viên đạn tăng vào nhà Quốc hội (Xô-viết tối cao), khai tử và đặt dấu chấm hết cho Chính quyền Xô-viết và lợi ích của công - nông - binh.

Đó là chuyện của nước Nga. Còn Việt Nam? Năm 1955, ở miền Nam, sau khi phế truất Bảo Đại, Ngô Đình Diệm đã tuyên bố thành lập Việt Nam Cộng hòa và Quân đội Việt Nam Cộng hòa. Để bảo vệ chế độ, Diệm đã ra sức củng cố quân đội và lôi kéo quân đội vào các hoạt động chính trị của mình. Quân đội ngày càng lớn mạnh, tham gia sâu rộng vào các hoạt động của chính quyền. Năm 1963, với nhiều nguyên nhân, trong đó có việc Diệm không kiểm soát được quân đội nên đã bị chính quân đội của mình tiến hành đảo chính. Sau khi Diệm đổ, liên tiếp một chính quyền quân sự được thành lập do các tướng lĩnh quân đội nắm quyền chính trị... Nhìn lại, dưới chế độ độc tài gia đình trị và cả chế độ quân sự nắm quyền, suốt 20 năm tồn tại của Việt Nam Cộng hòa, đã có 8 lần xảy ra binh biến, đặc biệt có đến 4 cuộc binh biến trong 2 năm 1963-1965, với lực lượng chủ yếu do quân đội tiến hành. Mặt khác, các đảng phái luôn phô trương thanh thế, tìm mọi cách lôi kéo quân đội tham gia vào chính trị, gây ảnh hưởng của mình đối với chính quyền nhà nước. Lúc Diệm còn đương nhiệm, có Đảng Cần lao do Ngô Đình Nhu là thủ lĩnh, tuy công khai nhưng lại có tổ chức gần như bí mật, luôn đưa các đảng viên của mình nắm hầu hết các chức vụ chủ chốt, đặc biệt là các cơ quan an ninh, quân đội, thao túng các cơ quan chính quyền. Năm 1960, hai đảng đối lập, Việt Quốc, Đại Việt đã từng ủng hộ Đại tá Nguyễn Chánh Thi, Trung tá Vương Văn Đông chỉ huy cuộc đảo chính tại Sài Gòn. Từ 1967 đến 1972, sau khi phục hồi, chính hai đảng này cũng đã ủng hộ cho Đảng Dân Xã (do Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu thành lập) cùng bầu cử Thiệu làm Tổng thống…

Ở miền Bắc, năm 1944, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, một quân đội nhân dân với nhiều tên gọi, song thường gọi là Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập. Từ khi ra đời, Quân đội đã là một lực lượng chính trị đúng như tên gọi: Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Quân đội đó, trước hết là do Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập; là một bộ phận cấu thành của Đảng và trước tiên là để thực hiện các mục tiêu chính trị và quân sự của Đảng: Đấu tranh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Từ 1945 đến nay, khi chính quyền cách mạng, Nhà nước của nhân dân được thành lập, Quân đội không chỉ là một bộ phận hữu cơ của Đảng mà còn là một thành phần đặc biệt quan trọng của hệ thống chính trị, được Hiến pháp hiến định và pháp luật thừa nhận. Suốt các thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, đặc biệt những lúc gay go, ác liệt hay các giai đoạn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đầy khó khăn, gian khổ và hy sinh, Quân đội luôn là biểu tượng chính trị, tinh thần, ý chí và sức mạnh của Đảng, Nhà nước và toàn thể dân tộc. Quân đội luôn là một thành phần cơ bản, trụ cột tạo nên nền tảng và sức mạnh của chính quyền nhà nước và toàn bộ hệ thống chính trị. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, với các chức năng, nhiệm vụ chủ yếu của mình, Quân đội đã tham gia vào hầu hết các hoạt động đối nội, đối ngoại quốc gia. Đối ngoại thì đánh giặc ngoài, đối nội thì dẹp thù trong, tuyên truyền, vận động, giúp dân xây dựng cuộc sống ấm no, hòa bình, bảo vệ chính quyền nhân dân…

2. Lịch sử nhắc nhở và cảnh báo


Trong mọi thời đại, quân đội luôn là yếu tố quan trọng của thượng tầng kiến trúc chính trị thuộc những quan hệ sản xuất, bao gồm cơ sở xã hội khách quan và nền tảng kinh tế xã hội nhất định. Quân đội luôn là một bộ phận cấu thành và là lực lượng đặc biệt quan trọng của nhà nước. Bản thân quân đội là một lực lượng chính trị, luôn tham gia vào mọi hoạt động chính trị của nhà nước; duy trì và bảo vệ các lợi ích của giai cấp và chính đảng cầm quyền.

Quân đội nào cũng thuộc về một giai cấp nhất định. Tùy theo tính chất phản động hay tiến bộ của giai cấp ấy mà quân đội thể hiện bản chất của mình. Quân đội do các giai cấp áp bức, bóc lột, thống trị tổ chức ra đều nhằm mục đích củng cố chế độ bóc lột và đàn áp đông đảo quần chúng nhân dân, áp bức nhân dân lao động về xã hội và về dân tộc, bảo vệ quyền lợi của giai cấp thống trị, và để cướp bóc, nô dịch các dân tộc khác. Trái lại, quân đội của giai cấp công nhân, các tầng lớp nhân dân lao động tổ chức ra là nhằm mục đích đánh đổ chế độ áp bức, bóc lột lao động và sự đô hộ, áp bức và nô dịch các dân tộc của các giai cấp bóc lột, bảo vệ lợi ích của nhân dân lao động và giữ gìn nền độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Bất kỳ quân đội nào cũng chịu sự lãnh đạo của một chính đảng nhất định. Chính đảng đó là hiện thân và biểu tượng tập trung cao nhất, đại diện cho lợi ích của giai cấp cầm quyền. Dưới chế độ tư bản, dù có đảng này hay đảng nọ thay nhau cầm quyền, thì mục tiêu cuối cùng cũng là lãnh đạo quân đội của giai cấp tư sản duy trì sự bóc lột giai cấp những người lao động, nô dịch, tước đoạt, độ hộ các dân tộc khác; đàn áp sự phản kháng của nhân dân lao động, bảo vệ quyền thống trị của giai cấp tư sản. Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, quân đội do Đảng Cộng sản lãnh đạo, nhằm mục tiêu bảo vệ lợi ích của giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân lao động, chống áp bức, đô hộ, xâm lược, bảo vệ nền độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Lịch sử cách mạng và quân đội cho thấy, không có quân đội nào trung lập về chính trị. Kết cục của những kẻ một thời giả nhân, giả nghĩa hô hào và kêu gọi quân đội trung lập luôn: Một là, sau khi giữ hoặc cướp được chính quyền, chúng cũng không muốn để quân đội trung lập về chính trị và lại dụng ngay quân đội đàn áp hoặc thủ tiêu mọi thành quả của nhân dân lao động; Hai là, bị chính quân đội của mình hay điều thường thấy nhất là bị quân đội của nhân dân tiêu diệt.

Nếu vô tình bàn đến mục đích, chức năng và nhiệm vụ của quân đội mà không chú ý tới bản chất chính trị - giai cấp của nó thì là điều vô nghĩa và là sự non kém, thiếu hiểu biết về chính trị và về quân đội. Nếu yêu sách, đòi hiến định: “Các lực lượng vũ trang phải duy trì tính trung lập về chính trị, đặt lợi ích của nhân dân lên trước bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào” là phản lịch sử, phi thực tiễn và khoa học./.

=========

[1] V.I.Lênin (10-1905), Quân đội và cách mạng, V.I.Lênin toàn tập, tập 12, Nxb Tiến Bộ, Mát x-cơ-va, 1979, tr.134-135.

[2] V.I.Lênin toàn tập, tập 12, Quân đội và cách mạng, Nxb Tiến Bộ, Mát x-cơ-va, 1979, tr.136.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Quân đội không thể và không nên trung lập”-Lịch sử đã cảnh báo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.