(HNM) - Cuộc chiến chống phiến quân Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng của các lực lượng vũ trang Iraq đã ghi nhận những bước tiến quan trọng.
Sau hơn chục ngày mở chiến dịch quy mô lớn tái chiếm thành phố Tikrit, quân chính phủ cùng các lực lượng dân quân người Sunni và Shi'ite đã tiến được 80km và chỉ còn cách trung tâm thành phố khoảng 1,6km. Cuộc tấn công này là một phần trong chiến dịch quy mô lớn của Thủ tướng Iraq Haider Al-Abadi nhằm tái chiếm Tikrit, tỉnh Salahuddin và nhiều thị trấn, làng mạc đang bị IS chiếm đóng.
Quân đội Iraq đang đẩy mạnh chiến dịch tái chiếm thành phố Tikrit. |
Được phát động từ đầu tháng 3 vừa qua, chiến dịch tái chiếm Tikrit được Chính phủ Iraq lên kế hoạch như một màn tổng dượt trước khi thực hiện chiến dịch tái chiếm thành phố chiến lược Mosul. Tikrit được phương Tây biết đến là thành phố quê hương của cố Tổng thống Saddam Hussein, bị rơi vào tay IS tự xưng từ tháng 6 năm ngoái. Trước đó, các lực lượng quân sự Iraq đã nỗ lực nhưng bất thành trong các cuộc giao tranh để chiếm lại thành phố này. Theo tin mới nhất, chỉ trong tuần tới Tikrit sẽ được giải phóng khỏi IS.
Nếu Iraq giành được quyền kiểm soát Tikrit cũng có nghĩa việc hy vọng chiếm lại Mosul, thành phố lớn hơn gấp 10 lần Tikrit có thể sẽ đến gần hơn. Vì thế, mục tiêu trước mắt của chiến dịch là ngăn chặn IS áp sát thành phố Samarra, thánh địa của người Shi'ite ở phía nam Tikrit. Khoảng 30.000 quân đã được Chính phủ Iraq tung vào chiến dịch này. Trong đó chủ yếu là lực lượng quân đội Chính phủ Iraq và các nhóm vũ trang Shi'ite chiếm đa số và Sunni thiểu số.
Chiến dịch tái chiếm thành phố Tikrit nổ ra trong bối cảnh IS vừa sát hại dã man 20 người dân Iraq muốn chiến đấu chống lại chúng ở tỉnh miền Bắc Kirkuk. Các chuyên gia phân tích cho rằng, với việc sát hại người dân vô tội Iraq thời gian qua, IS đang nuôi tham vọng khẳng định "vị thế" của một tổ chức khét tiếng tầm cỡ quốc tế. Không chỉ gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ trong các sắc tộc, tôn giáo ở quốc gia Vùng Vịnh, IS còn gieo rắc sự hoang mang về những nguy cơ mất an ninh có thể xảy ra bất cứ lúc nào và với quốc gia nào có ý định chống lại chúng.
Thời gian qua, IS đã thực hiện hàng loạt vụ sát hại man rợ, sau các cuộc càn quét và chúng đã tiến thêm một bước nữa khi "khủng bố" cả những giá trị tinh thần của người dân Iraq. Sự kiện IS hủy hoại các di tích và chế tác có niên đại hàng nghìn năm tuổi tại Iraq - những di sản văn hóa thế giới được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO) công nhận đã gây chấn động trên toàn thế giới. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã lên án mạnh mẽ hành động này và khẳng định hành động tàn phá có chủ ý các di sản văn hóa cấu thành tội ác chiến tranh cũng như tấn công vào nhân loại nói chung.
Với sự hỗ trợ của liên minh quốc tế chống IS do Mỹ đứng đầu, cuộc chiến chống IS của Chính phủ Iraq đã có nhiều tiến triển. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa chính phủ của Thủ tướng Haider Al-Abadi không phải đối mặt với những thách thức trong cuộc chiến chưa có hồi kết này. Phát biểu tại cuộc họp báo tuần qua ở thủ đô Manama của Bahrain sau chuyến thăm chớp nhoáng Iraq, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Martin Dempsey thừa nhận chiến dịch truy quét IS phải chịu áp lực ở "hầu hết mọi nơi tại Iraq". Cho rằng mục tiêu quan trọng nhất của liên quân chống IS do Mỹ đứng đầu là bảo đảm sự thống nhất ở Iraq, nhưng tướng M.Dempsey cũng bày tỏ quan ngại rằng liên minh quốc tế chống IS sẽ chịu tác động tiêu cực nếu tình trạng phe phái ở Iraq không được giải quyết. Ông M.Dempsey cũng đã chỉ ra nhu cầu cấp thiết thành lập một lực lượng đa nhiệm chung của người Arab với khả năng ứng phó nhanh trong cuộc chiến chống khủng bố. Đây cũng sẽ là một trong những nội dung chính được Liên đoàn Arab bàn thảo trong khuôn khổ hội nghị cấp cao thường niên diễn ra vào ngày 28 và 29-3 tới tại Ai Cập.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.