Góc nhìn

Phục vụ nhu cầu thụ hưởng văn hóa

Hà Trang 18/01/2024 - 06:15

Các thiết chế văn hóa ở cơ sở là một phần không thể thiếu của xã hội, đóng vai trò quan trọng đối với đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa... của đất nước, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân và là cầu nối quan trọng để chuyển tải các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Mặc dù có tầm quan trọng như vậy, nhưng thời gian qua, việc xây dựng và sử dụng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở ở nhiều địa phương vẫn còn hạn chế. Khảo sát cho thấy, thực trạng các thiết chế văn hóa ở nước ta đang vừa thừa, vừa thiếu; kinh phí hoạt động ít, cơ sở vật chất, trang thiết bị xuống cấp; nhân lực quản lý, khai thác, vận hành còn thiếu và yếu về chuyên môn. Nhiều nhà văn hóa được xây dựng bề thế nhưng tần suất sử dụng ít, hoặc sử dụng sai mục đích, không ít nhà văn hóa còn bị bỏ hoang, xuống cấp.

Đáng nói, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương do chạy theo thành tích nên đã huy động người dân đóng góp những khoản kinh phí lớn để xây dựng nhà văn hóa; nhiều nhà văn hóa không bảo đảm chất lượng, thiếu thẩm mỹ bởi không được đầu tư đúng mức, do thất thoát, khiến thiết chế văn hóa đó vô tình trở thành vật cản của sự phát triển…

Nhằm khắc phục những hạn chế trong xây dựng, quản lý hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở, Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 10/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Trưởng ban Chỉ đạo trung ương phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại phiên họp tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024. Tinh thần chỉ đạo chung là cần tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa.

Theo đó, thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục tập trung rà soát các cơ chế, chính sách liên quan trên tinh thần xác định rõ những khó khăn, vướng mắc và có đề xuất hướng xử lý cụ thể, nhất là liên quan đến tổ chức bộ máy, nhân lực, mô hình quản lý, hoạt động và tài chính. Cùng với đó, chú trọng việc tiếp tục xây dựng, củng cố hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở.

Bên cạnh việc bảo đảm thực hiện quy hoạch tổng thể, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, chúng ta cũng cần chú trọng xây dựng thiết chế văn hóa tại các khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất. Khuyến khích xã hội hóa đầu tư xây dựng những công trình văn hóa có quy mô, giá trị nghệ thuật cao làm điểm nhấn ở các thành phố lớn, các trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch lớn, gắn với việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng và sáng tạo văn hóa của nhân dân cũng như yêu cầu hội nhập quốc tế về văn hóa ngày càng sâu rộng hiện nay.

Các công trình thiết chế văn hóa phải là những công trình kiên cố, mang tính cộng đồng, chứa đựng những giá trị thẩm mỹ, tránh đơn điệu theo một số mô hình có sẵn. Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới cũng cần đặc biệt chú trọng đến xây dựng, kiện toàn mô hình làng văn hóa, nhà văn hóa thôn, bản, tạo không gian, môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh, nhân văn… Qua đó, góp phần giúp các thiết chế văn hóa ngày càng được kiện toàn theo hướng thiết thực, hiệu quả, phục vụ tốt nhất nhu cầu của nhân dân, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phục vụ nhu cầu thụ hưởng văn hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.