Du lịch

Ngành Du lịch trước ngưỡng cửa sáp nhập tỉnh, thành phố:Thách thức và thời cơ vươn mình

Hoàng Lân 28/05/2025 06:20

Theo chủ trương tinh gọn bộ máy, việc hợp nhất, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh sẽ được hoàn tất trước ngày 15-8-2025. Như nhiều lĩnh vực khác, ngành Du lịch đang đứng trước không ít thách thức, đồng thời cũng đón nhận những thời cơ lớn để thay đổi, phát triển mạnh mẽ hơn trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước.

ninh-binh.jpg
Đoàn khảo sát của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam khảo sát tại vườn chim Thung Nham (tỉnh Ninh Bình).

Thời cơ song hành thách thức

Hệ thống tổ chức bộ máy hành chính sẽ được cơ cấu lại theo mô hình ba cấp, gồm: Trung ương; tỉnh, thành phố và xã, phường. Cả nước sẽ còn 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (thay vì 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh như hiện nay). Việc thay đổi địa giới hành chính được dự đoán sẽ đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt đối với hoạt động du lịch. Do vậy, các địa phương cần nhanh chóng điều chỉnh phương thức quản lý, quảng bá điểm đến.

Trước băn khoăn về việc sau khi thực hiện sắp xếp, nhiều tỉnh, thành phố sẽ không còn tên gọi như trước, điều này có thể làm mất đi thương hiệu của những điểm đến nổi tiếng, gây khó khăn cho du khách trong việc nhận diện các địa danh du lịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Quốc Trí cho rằng, bất kỳ sự thay đổi nào cũng sẽ tạo ra thách thức nhất định. Tuy nhiên, việc thay đổi địa giới hành chính không gây ảnh hưởng quá lớn đến hoạt động du lịch. “Với du lịch, tên điểm đến đôi khi được định vị theo cách khác. Tên địa phương thay đổi không có nghĩa là mất đi điểm đến. Thực tế, điểm đến đó vẫn tồn tại trên bản đồ du lịch, dù thuộc tỉnh này hay tỉnh khác”, ông Vũ Quốc Trí phân tích.

Còn Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội Trương Quốc Hùng nhận định, việc hợp nhất, sáp nhập đồng nghĩa với việc các địa phương được mở rộng quỹ đất, tài nguyên, nhân lực và làm phong phú thêm nguồn di sản văn hóa. Vì vậy, đây là cơ hội lớn để các địa phương phát huy nguồn lực về đất đai, tài nguyên thiên nhiên, văn hóa… để xây dựng sản phẩm du lịch liên tuyến rộng lớn. “Các địa phương sẽ có cơ chế quản lý thông suốt để đạt hiệu quả cao trong xây dựng sản phẩm du lịch, không còn bị rào cản về mặt địa lý như trước. Đây chính là cơ hội lớn để du lịch chuyển mình và vươn lên mạnh mẽ”, ông Trương Quốc Hùng nhận định.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Nguyễn Tiến Đạt cũng cho rằng việc hợp nhất, sáp nhập tỉnh, thành phố sẽ mở ra cơ hội lớn để phát triển các tour du lịch liên vùng và đổi mới sản phẩm. Nhiều địa phương sẽ có điều kiện phát triển đồng thời du lịch miền núi và du lịch biển một cách hài hòa. “Các tỉnh, thành phố sau hợp nhất, sáp nhập cần tận dụng cơ hội này để xây dựng chiến lược truyền thông, quảng bá, mở rộng sản phẩm du lịch hấp dẫn”, ông Nguyễn Tiến Đạt gợi ý.

Để du lịch cất cánh và phát triển mạnh mẽ hơn sau khi thực hiện sắp xếp địa giới hành chính, các chuyên gia cho rằng, đây là cơ hội để các địa phương thực hiện quy hoạch phát triển, cơ cấu sản phẩm du lịch, thu hút đầu tư một cách bài bản.

Thay đổi, thích ứng linh hoạt

Hiện nay, để đáp ứng yêu cầu phát triển mới, nhiều địa phương đã hợp lực tổ chức các đoàn khảo sát, đánh giá lại điểm đến, tổ chức hội thảo với sự tham gia của các chuyên gia để tìm giải pháp cho phát triển du lịch. Chẳng hạn, ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đã nhiều lần tổ chức hội nghị xúc tiến du lịch liên kết theo chuyên đề “Một hành trình - ba điểm đến”, nhằm xây dựng hành trình trải nghiệm mới cho du khách. Trong đó, hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh cũng đã có phương án đổi mới hoạt động du lịch để đẩy mạnh tuyến du lịch miền Trung.

Các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định tổ chức nhiều đoàn famtrip khảo sát các tuyến, điểm du lịch mới, đồng thời tổ chức hội nghị xúc tiến du lịch để tìm giải pháp cho phát triển du lịch trong tình hình mới. Tới đây, vào ngày 30-5, các tỉnh khu vực duyên hải miền Trung - Tây Nguyên cũng sẽ tổ chức hội thảo liên kết phát triển du lịch nhằm tìm hướng xây dựng sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu đổi mới của đất nước.

Việc sắp xếp đơn vị hành chính tạo cơ hội lớn để các địa phương mở rộng không gian, nguồn lực và tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có du lịch. Tuy vậy, các chuyên gia cũng nhận định, thời gian đầu, các địa phương có thể gặp không ít khó khăn và thách thức. Thách thức lớn nhất là làm thế nào để công tác quản lý được thông suốt, phát huy được tiềm năng điểm đến, xây dựng sản phẩm du lịch mới có tính kết nối nhưng vẫn giữ được bản sắc, đặc trưng nổi bật vốn có.

Trước những thay đổi sắp tới, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cũng đã có định hướng rõ ràng với các địa phương. Theo Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu, việc hợp nhất, sáp nhập là cơ hội để các địa phương thay đổi cách làm, thích ứng linh hoạt để tạo ra bước phát triển mới. “Đây là cơ hội lớn để các địa phương chuyển mình, đổi mới phương thức, từ đó tạo sức bật mới cho ngành Du lịch. Các địa phương cần rà soát lại tiềm năng, lợi thế mới, xây dựng sản phẩm liên tuyến phù hợp, từ đó phát huy thế mạnh của từng vùng, miền”, ông Hà Văn Siêu nói.

Viện trưởng Viện Phát triển Du lịch châu Á Phạm Hải Quỳnh:

Cần có chính sách bảo tồn di sản văn hóa, lịch sử

1ykien.jpg

Việc sáp nhập địa giới hành chính sẽ đặt các địa phương trước cả thách thức lẫn cơ hội. Lợi thế rõ ràng nhất là việc giảm thiểu sự chồng chéo trong quản lý hành chính, giúp tận dụng nguồn lực hiệu quả hơn và tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư phát triển hạ tầng.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là nỗi lo về việc các địa danh bị sáp nhập sẽ làm lu mờ thương hiệu du lịch vốn có của từng địa phương. Để biến thách thức thành cơ hội phát triển, theo tôi, các địa phương cần có chính sách bảo tồn di sản văn hóa, lịch sử để không làm mất đi bản sắc riêng. Đồng thời, các địa phương cần xây dựng chiến lược quảng bá du lịch mới, nhấn mạnh đến sự phong phú, đa dạng của điểm đến và tạo ra các tour du lịch liên kết vùng.

Bên cạnh đó, các địa phương cần đầu tư vào hạ tầng giao thông, dịch vụ lưu trú chất lượng cao; nâng cao kỹ năng chuyên môn cho nhân lực ngành Du lịch; đẩy mạnh du lịch cộng đồng bền vững với sự tham gia của người dân...

Phó Chủ tịch Chi hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty VietFoot Phạm Duy Nghĩa:

Xây dựng chính sách cụ thể cho phát triển du lịch

2ykien.jpg

Việc sáp nhập địa giới hành chính là cơ hội lớn để mở rộng không gian phát triển du lịch, không chỉ về địa giới mà cả về cảnh quan thiên nhiên, văn hóa và con người. Đồng thời, việc sáp nhập cũng góp phần tạo sự thống nhất trong quản lý, đặc biệt tại các địa phương có đặc điểm du lịch tương đồng. Đây là thời cơ tốt để các địa phương xây dựng các tuyến du lịch mới, làm phong phú thêm sản phẩm du lịch và nâng cao giá trị điểm đến. Tuy nhiên, để phát triển du lịch hiệu quả, điều quan trọng nhất vẫn là cơ chế, chính sách điều hành.

Các địa phương cần nhanh chóng ổn định bộ máy quản lý, xây dựng chính sách cụ thể cho hoạt động du lịch trong bối cảnh mở rộng địa giới, tài nguyên. Đồng thời, cần tổ chức các đoàn khảo sát để đánh giá lại tiềm năng điểm đến; liên kết với các doanh nghiệp lữ hành thiết kế các tuyến, điểm du lịch phù hợp với nhu cầu thị trường; triển khai các hoạt động xúc tiến, truyền thông du lịch bài bản trên nền tảng số...

Tổng Giám đốc Oxalis Adventure và Oxalis Holiday Nguyễn Châu Á:

Xây dựng kế hoạch truyền thông quảng bá chuyên nghiệp

3-ykien.jpg

Việc sáp nhập các tỉnh, thành phố là chủ trương đã được tính toán kỹ lưỡng và là xu thế tất yếu nhằm đưa đất nước bước vào một kỷ nguyên phát triển mới. Là doanh nghiệp hoạt động du lịch tại tỉnh Quảng Bình, nơi nổi bật với các sản phẩm du lịch khám phá hang động như Sơn Đoòng, cá nhân tôi cho rằng, việc sáp nhập tỉnh, thành sẽ mang đến nhiều cơ hội lớn song cũng không thiếu những thách thức.

Tới đây, tỉnh Quảng Bình sẽ được sáp nhập vào Quảng Trị, chắc chắn sẽ có những thay đổi về tên gọi. Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng nhiều tới hoạt động du lịch hiện nay tại Quảng Bình. Những điểm đến như hang Sơn Đoòng, Tú Làn, bãi biển Nhật Lệ… vẫn còn nguyên vẹn và tiếp tục được quảng bá mạnh mẽ đến du khách trong và ngoài nước.Vì vậy, đây là thời điểm thuận lợi để các doanh nghiệp du lịch xây dựng kế hoạch đầu tư bài bản hơn, phát triển thêm các sản phẩm du lịch mới, đồng thời thiết lập kế hoạch truyền thông, quảng bá chuyên nghiệp để gia tăng sức hút với khách du lịch.

Lệ Quyên ghi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành Du lịch trước ngưỡng cửa sáp nhập tỉnh, thành phố: Thách thức và thời cơ vươn mình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.