Góc nhìn

Tạo động lực, khí thế và sức mạnh mới

Hà Trang 21/05/2025 06:32

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là nhiệm vụ tiên quyết, tạo nền tảng, thời cơ tốt để xây dựng đất nước phát triển giàu mạnh trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Thời gian qua, bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, chuyển đổi số ở Việt Nam vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Thị trường khoa học, công nghệ phát triển chậm, sự gắn kết giữa nghiên cứu và ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh còn hạn chế. Chính sách thu hút, sử dụng, trọng dụng nhân tài chưa đủ sức cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu. Công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa có bước đột phá. Thể chế pháp luật, cơ chế, chính sách chưa đáp ứng yêu cầu. Nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu. Hạ tầng chưa đồng bộ, đặc biệt, hạ tầng số còn nhiều hạn chế.

Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, ngày 24-4-2025, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước; Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tuyên bố phát động phong trào "Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số". Thủ tướng nêu rõ, đây là một sự kiện quan trọng nhằm cụ thể hóa và đưa các chủ trương, đường lối của Đảng tại Nghị quyết số 57-NQ/TƯ về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia vào thực tiễn cuộc sống. Mới đây, ngày 14-5-2025, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình ký Quyết định số 923/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai phong trào thi đua “Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”.

Để phong trào thi đua lan tỏa và thực sự tạo ra động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ trước mắt đối với các bộ, ngành và các cơ quan chức năng là phải khẩn trương hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, cởi trói tối đa tiềm năng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Bộ Khoa học và Công nghệ cần tập trung rà soát, đề xuất sửa đổi toàn diện Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 và các văn bản hướng dẫn theo hướng đột phá, vượt trội, nhất là về cơ chế quản lý tổ chức, tài chính, nhân lực. Bộ cũng cần mạnh dạn đề xuất các cơ chế thử nghiệm có kiểm soát cho công nghệ và mô hình kinh doanh mới. Thể chế phải thực sự trở thành “cầu nối”, “đòn bẩy” để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đi sâu, lan tỏa vào mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần có chính sách thu hút, đào tạo, sử dụng và trọng dụng nhân tài khoa học, công nghệ. Cần có cơ chế đãi ngộ xứng đáng, môi trường làm việc thuận lợi, trao quyền tự chủ và trách nhiệm cho các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ, các nhà khoa học làm việc ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Đồng thời, phát huy vai trò của đội ngũ trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, thu hút chuyên gia quốc tế tham gia vào các hoạt động khoa học, công nghệ trong nước.

Việc xây dựng kế hoạch triển khai phong trào "Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số" tại các đơn vị, địa phương phải có nội dung, tiêu chí cụ thể, hình thức phù hợp, thiết thực. Ngoài ra, cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, quyết tâm cao hơn nữa trong hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân.

Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là con đường ngắn nhất để Việt Nam có thu nhập cao vào năm 2045. Chúng ta tin tưởng, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, địa phương và mỗi người dân phong trào "Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số" sẽ lan tỏa sâu rộng, truyền cảm hứng, tạo động lực, tạo khí thế, xu thế mới, sức mạnh mới để đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo động lực, khí thế và sức mạnh mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.