Thời gian qua, các lực lượng chức năng trên địa bàn thành phố Hà Nội đã kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh thực phẩm, phát hiện nhiều sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, xuất xứ chuẩn bị lưu thông ra thị trường…
Điều này cho thấy, cần có những giải pháp đồng bộ xử lý nghiêm vi phạm vận chuyển, kinh doanh sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, bảo đảm nguồn cung thực phẩm sạch cho người tiêu dùng Thủ đô.
Ngày 20-5 mới đây, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an thành phố Hà Nội) và Công an thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ) phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 25 (Chi cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội) tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh thực phẩm tại tổ dân phố Xuân Hà, thị trấn Xuân Mai; phát hiện 207kg giò và 554kg thịt lợn không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của toàn bộ số hàng. Căn cứ quy định pháp luật hiện hành, đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm, đồng thời thu giữ toàn bộ số thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ này.
Trước đó, vào cuối tháng 4-2025, các lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra đột xuất tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Thương mại thực phẩm Xuân Thắng (xã Lê Lợi, huyện Thường Tín). Tại thời điểm kiểm tra, phát hiện số lượng lớn thực phẩm bẩn chuẩn bị được vận chuyển đi, gồm 14.196 con gà đông lạnh với tổng trọng lượng 18.454kg, 560kg nội tạng gà đông lạnh. Toàn bộ số hàng hóa bị lực lượng chức năng phát hiện có dấu hiệu bị hư hỏng; không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp, không ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ cũng như chứng nhận chất lượng sản phẩm…
Theo Phó Trưởng phòng Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường (Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội) Nguyễn Văn Dũng, hiện mỗi tháng người dân Hà Nội tiêu thụ khoảng 19,89 nghìn tấn thịt lợn hơi; khoảng 6,63 nghìn tấn thịt gà, vịt và khoảng 5,52 nghìn tấn thực phẩm chế biến… Để đáp ứng nhu cầu trên, toàn thành phố có 29 hệ thống trung tâm thương mại, 130 siêu thị, 455 chợ, trong đó có 2 chợ đầu mối nông sản, 5 chợ có tính chất đầu mối; 2.000 cửa hàng tiện ích; hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa; 400 sàn thương mại điện tử…
Tuy nhiên, việc kiểm soát kinh doanh, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn thành phố còn một số bất cập. Tại các chợ truyền thống, nguồn hàng chủ yếu lấy từ các cơ sở kinh doanh, giết mổ ngoại thành; có địa phương chưa quan tâm đến công tác quản lý hoạt động giết mổ động vật. Ở một số nơi tình trạng giết mổ không phép vẫn hoạt động, gây khó khăn cho việc kiểm soát của các ngành chức năng.
“Theo Luật Thú y, không thực hiện kiểm dịch nội tỉnh. Việc này khiến công tác kiểm soát, truy xuất nguồn gốc động vật gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, chăn nuôi nhỏ lẻ phổ biến, quy định này ảnh hưởng đến việc kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, tiềm ẩn mối nguy mất an toàn thực phẩm và gia tăng nguy cơ phát sinh, lây lan dịch bệnh”, ông Nguyễn Văn Dũng cho hay.
Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Hồ Việt Hùng, toàn huyện có 31 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm thủ công và hàng trăm cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm động vật. Hiện tại, việc kiểm soát kinh doanh, vận chuyển buôn bán động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn huyện gặp không ít khó khăn, do số lượng cơ sở kinh doanh động vật, sản phẩm động vật lớn, lại nằm xen kẽ trong khu dân cư, thậm chí kinh doanh theo thời vụ. Nhận thức và ý thức chấp hành quy định pháp luật đối với các hộ kinh doanh, buôn bán, vận chuyển động vật và sản phẩm động vật còn nhiều hạn chế.
Để ngăn chặn, phát hiện và xử lý các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thường Tín Dương Xuân Tĩnh cho biết, các lực lượng chức năng trên địa bàn huyện thường xuyên phối hợp với chốt kiểm dịch động vật liên ngành thành phố tại chợ gia cầm Hà Vĩ (xã Lê Lợi) đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người kinh doanh về điều kiện vận chuyển, buôn bán, giết mổ động vật và sản phẩm động vật bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Cùng với đó, các chốt kiểm dịch động vật liên ngành thành phố thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật ra vào chợ; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật nhập lậu…
Còn theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Tạ Văn Tường, trong thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp với các quận, huyện, thị xã tổ chức kiểm tra, giám sát, kiểm soát tại các chợ đầu mối; tăng cường kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm trên các tuyến đường từ các tỉnh biên giới về Hà Nội. Đồng thời, kiểm tra đột xuất việc kinh doanh, buôn bán động vật, sản phẩm động vật tại các cơ sở kinh doanh thực phẩm, kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm quy định về kinh doanh, vận chuyển động vật.
“Các địa phương thực hiện việc thống kê các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo cấp quản lý, yêu cầu các chủ cơ sở giết mổ, buôn bán động vật và sản phẩm động vật ký cam kết không vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, không giết mổ, tiêu thụ động vật ốm, chết, không rõ nguồn gốc ra thị trường. Người tiêu dùng nên mua những thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có dấu kiểm dịch của các cơ quan chức năng để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình…”, ông Tạ Văn Tường nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.