Trong thời gian qua, vấn đề quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố có sự chuyển biến tích cực, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp đã hình thành các vùng sản xuất an toàn. Tuy nhiên, qua kiểm tra đột xuất, các ngành chức năng vẫn phát hiện vi phạm kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, đòi hỏi công tác quản lý an toàn thực phẩm cần chặt chẽ hơn nữa...
Vẫn còn nhiều vi phạm
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng, để quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản, từ đầu năm 2025 đến nay, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về an toàn thực phẩm trên Đài Truyền thanh huyện và các xã, thị trấn, hướng dẫn người tiêu dùng cụ thể, thiết thực. Ban chỉ đạo an toàn thực phẩm từ huyện tới các xã, thị trấn đã có sự vào cuộc trong quản lý, điều hành, tổ chức triển khai thực hiện... Đoàn kiểm tra liên ngành huyện, xã, thị trấn tiến hành kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn, qua đó, xử lý vi phạm 6 cơ sở với số tiền phạt 19,5 triệu đồng...
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Đình Hoa cho biết, thực hiện công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, nhất là trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, các sở, ngành tiếp tục rà soát, thống kê 14.081 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản (3.271 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp; 10.810 cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản). Trong đó, cấp thành phố quản lý 1.609 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản và 12.472 cơ sở thuộc cấp huyện quản lý.
Nhằm tăng cường công tác kiểm tra, hậu kiểm sản phẩm nông, lâm, thủy sản, xử lý kịp thời vi phạm, trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025, lực lượng ngành Nông nghiệp đã tổ chức thanh tra, kiểm tra 45 tổ chức và 1 cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản, phát hiện 4 tổ chức, cá nhân vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 138 triệu đồng.
Hiện công tác quản lý an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản còn khó khăn do nông sản, thực phẩm chủ yếu tiêu thụ qua các phương thức truyền thống, chợ đầu mối, chợ dân sinh... Thói quen tiêu dùng của người dân vẫn sử dụng thịt tươi, chưa quan tâm nhiều đến nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, nên chưa thúc đẩy sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn...
Việc triển khai mô hình liên kết sản xuất là hướng đi bền vững, nhưng trong quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn. Tư duy sản xuất gắn với tiêu thụ hàng hóa còn hạn chế, tỷ lệ nông sản hàng hóa tiêu thụ thông qua hợp đồng còn thấp; sự liên kết, kết nối thiếu bền vững; lực lượng quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông nghiệp tại tuyến quận, huyện, xã, phường thường xuyên thay đổi, chuyên môn chưa phù hợp, dẫn đến công tác tham mưu chính quyền địa phương chưa hiệu quả.
Xử lý kịp thời thực phẩm không rõ nguồn gốc
Thực hiện Chỉ thị, Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Môi trường về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong tình hình mới, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, ngăn chặn thực phẩm nông sản không rõ nguồn gốc, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận đề nghị các sở, ngành tham mưu thành phố chỉ đạo kiện toàn, bố trí đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác an toàn thực phẩm tại huyện, xã, thị trấn phù hợp khối lượng công việc. Đề nghị Sở Công Thương xem xét điều chỉnh bỏ tiêu chí xây dựng và vận hành trạm xét nghiệm nhanh tại các chợ, do khó bố trí vị trí đặt trạm, kinh phí xây dựng nhà trạm, kinh phí mua sắm thiết bị xét nghiệm, thành phần tổ xét nghiệm nhanh… Đề nghị UBND thành phố, Sở Nông nghiệp và Môi trường hỗ trợ huyện phương tiện, thiết bị phục vụ công tác kiểm tra trang trại, hộ chăn nuôi sử dụng chất cấm; hộ kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản không an toàn; phối hợp tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ phụ trách an toàn thực phẩm tại huyện, xã, thị trấn về công tác hậu kiểm an toàn thực phẩm.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Đình Hoa cho rằng, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đẩy mạnh sản xuất; đồng thời tổ chức tốt công tác dự báo sản xuất, cung ứng đầy đủ hàng hóa cho thị trường để ổn định giá bán, không để xảy ra hiện tượng lợi dụng sự biến động của thị trường, tình hình thiên tai, dịch bệnh để tăng giá bất hợp lý.
Cùng với đó, hỗ trợ, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn, trang trại, gia trại có điều kiện bảo đảm chăn nuôi an toàn sinh học được tái đàn, phát triển đàn lợn tại địa phương; khuyến khích áp dụng giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học kết hợp sử dụng chế phẩm nâng cao sức đề kháng cho đàn lợn; tạo thuận lợi cho lưu thông sản phẩm chăn nuôi, nhất là con giống...
Phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về giết mổ, vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm có mầm bệnh; gia cầm thuộc diện có dịch bệnh cần phải quản lý chặt chẽ.
Các quận, huyện, thị xã tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn, tuyên truyền các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân trên địa bàn tuân thủ quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm; chú trọng công tác vệ sinh, bảo quản, sử dụng thực phẩm an toàn. Đặc biệt, thời điểm này là mùa hè rất thuận lợi cho vi sinh vật phát triển, ảnh hưởng đến chất lượng, an toàn thực phẩm...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.