Văn hóa

Khai thác thiết chế văn hóa cơ sở: Chưa như kỳ vọng

Nguyễn Thanh 05/08/2023 - 06:43

Thực tế cho thấy, việc khai thác hiệu quả thiết chế văn hóa giúp nâng cao đời sống văn hóa cơ sở; đặc biệt, tận dụng hết công năng của công trình sẽ có nguồn kinh phí tái đầu tư cho các hoạt động tại đây thêm đa dạng, hấp dẫn. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, công tác này còn nhiều khó khăn, vướng mắc, dẫn đến các hoạt động tại thiết chế văn hóa chưa được như kỳ vọng.

cong-chieng.jpg
Biểu diễn cồng chiêng tại Nhà văn hóa thôn Bưởi, xã Khánh Thượng (huyện Ba Vì). Ảnh: Ngọc Hân

Thiếu cơ chế khai thác

Nhà văn hóa tổ dân phố số 1, phường Phú Đô (quận Nam Từ Liêm) là nơi tổ chức các sự kiện hội họp, sinh hoạt văn hóa, thể thao cũng như hoạt động vui chơi giải trí khác cho nhân dân địa phương. Sau thời gian sử dụng, công trình đã có dấu hiệu xuống cấp, các thiết bị không được duy tu, sửa chữa; các chi phí điện, nước, vệ sinh môi trường, chế độ cho người quản lý… cũng rất khó khăn. Ông Nguyễn Hữu Thái, Tổ trưởng tổ dân phố số 1 cho biết: “Hiện nay, chưa có cơ chế cho việc khai thác thiết chế văn hóa tạo nguồn thu nên dù công trình nhà văn hóa còn nhiều thời gian trống, người dân có nhu cầu thuê, mượn để làm một số dịch vụ cũng không thể thực hiện, rất lãng phí”.

Trong khi đó, nhà văn hóa tổ dân phố số 2, phường Trung Văn là một trong nhiều công trình văn hóa ở quận Nam Từ Liêm có không gian rộng rãi, bảo đảm cho hoạt động hội họp, sinh hoạt và vui chơi của nhân dân địa phương. Tuy nhiên, ngoài thời gian này, công trình không thể khai thác do vướng quy định. Theo ông Nguyễn Thanh Vân (phường Trung Văn), tổ dân phố số 2 khá đông dân cư, nhiều gia đình có xe ô tô riêng nhưng cả phường chỉ có một điểm trông giữ xe nên nhiều phương tiện giao thông phải để ở lòng lề đường, cản trở người dân đi lại. “Nếu như địa phương được khai thác sân nhà văn hóa vào những khung giờ người dân không sử dụng công trình, thì nhà văn hóa có thêm kinh phí cho việc bảo vệ, vệ sinh cũng như bảo trì; đồng thời giúp giải quyết phần nào nhu cầu gửi xe của nhân dân trên địa bàn”, ông Nguyễn Thanh Vân bày tỏ.

Những vấn đề nêu trên tại quận Nam Từ Liêm cũng là thực trạng chung của nhiều quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thủ đô. Thống kê từ Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho thấy, toàn thành phố hiện có 4.656 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng, trong đó chỉ có khoảng 40% công trình đáp ứng tiêu chí cơ bản về quy mô, diện tích, trang thiết bị... Đáng nói, trong số công trình chưa đáp ứng các tiêu chí cơ bản (khoảng 60%), thì có tới hơn 1,3 nghìn nhà văn hóa thiếu cả 3 tiêu chí về quy mô, diện tích, trang thiết bị; 315 công trình xuống cấp nghiêm trọng; 73 công trình là mượn địa điểm để sử dụng. Công tác tổ chức hoạt động tại các thiết chế văn hóa còn nhiều hạn chế, từ thiếu kinh phí duy tu, duy trì, khai thác không hiệu quả… đến thiếu sáng tạo trong tổ chức chương trình, sự kiện hấp dẫn, phong phú, thu hút người dân.

Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thanh Oai Trần Văn Lợi cho biết, thiết chế văn hóa ở địa phương hiện nay phục vụ chủ yếu cho hội họp từ 5 đến 10 sự kiện/tháng. Các hoạt động văn hóa, thể thao phụ thuộc vào lực lượng nòng cốt cũng như sự quan tâm đầu tư của địa phương khiến việc khai thác các công trình chưa được ổn định, chưa phát huy hết giá trị, công năng sử dụng.

Để thiết chế văn hóa phát huy hiệu quả

Tạo chuyển biến tích cực trong việc khai thác hiệu quả công năng thiết chế văn hóa cơ sở, nhiều năm qua, ngành Văn hóa Thủ đô đã chủ động phối hợp, hướng dẫn các địa phương xây dựng, phát triển nhiều mô hình, câu lạc bộ đa dạng về loại hình, hấp dẫn, chất lượng về nội dung hoạt động, như: Câu lạc bộ Làm hoa giấy; Câu lạc bộ Di sản và ký ức; Câu lạc bộ Nghệ thuật trình diễn và tổ chức giao lưu văn nghệ… Cùng với đó, thành phố định kỳ tổ chức các liên hoan, hội thi, hội diễn, sự kiện giao lưu văn hóa nghệ thuật, thể thao góp phần lan tỏa phong trào, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần từ thành phố tới cơ sở.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng, để thiết chế văn hóa phát huy hiệu quả cần có hướng dẫn về việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn cũng như nâng cao hiệu quả sử dụng và khai thác thông qua các mô hình hoạt động thống nhất, đồng bộ, chú trọng đổi mới nội dung cho hấp dẫn, thu hút mọi tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, cần tập trung nguồn lực đầu tư từ ngân sách đến huy động xã hội hóa cho việc quản lý, khai thác, sử dụng, phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng cần nghiên cứu, ban hành văn bản quy định về khai thác, sử dụng, tổ chức và hoạt động của nhà văn hóa tổ dân phố ở khu vực đô thị; hướng dẫn cụ thể cơ chế quản lý, khai thác và sử dụng đối với các thiết chế văn hóa, thể thao thống nhất với việc quản lý tài sản công theo quy định của Luật Quản lý và sử dụng tài sản công.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai thác thiết chế văn hóa cơ sở: Chưa như kỳ vọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.