Góc nhìn

Để sử dụng hiệu quả các trụ sở dôi dư

Minh Nguyệt 22/05/2025 - 06:33

Sau sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, một lượng lớn trụ sở, cơ sở vật chất sẽ dôi dư.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu có phương án xử lý theo hướng ưu tiên bố trí cho lĩnh vực y tế, giáo dục và văn hóa cộng đồng. Đây là chủ trương hợp lòng dân, đồng thời mở ra cơ hội nâng cao chất lượng hạ tầng xã hội.

Chỉ đạo nêu trên của người đứng đầu Chính phủ là sự cụ thể hóa định hướng của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Tổng Bí thư Tô Lâm. Quan điểm này cho thấy, sự thấu hiểu sâu sắc về nhu cầu bức thiết của người dân; một lần nữa khẳng định, việc tinh gọn bộ máy, sắp xếp lại đơn vị hành chính đều nhằm mục đích vì dân, để phục vụ nhân dân tốt hơn.

Trong nhiều năm qua, mặc dù đã có những nỗ lực đáng kể, hệ thống cơ sở vật chất của các ngành Y tế, Giáo dục và Văn hóa ở nhiều địa phương vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng kịp tốc độ phát triển và nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Chính vì vậy, việc ưu tiên bố trí các trụ sở dôi dư phục vụ cho các lĩnh vực y tế, giáo dục và văn hóa cộng đồng là hướng đi đúng đắn, thể hiện tính nhân văn sâu sắc.

Đối với lĩnh vực y tế, các trụ sở dôi dư có thể được chuyển đổi thành các phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế hiện đại hoặc thậm chí là các cơ sở phục hồi chức năng, trung tâm chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Điều này sẽ giúp tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ y tế cho người dân, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ban đầu.

Trong lĩnh vực giáo dục, việc có thêm không gian để xây dựng mới trường học, lớp học, thư viện, phòng thí nghiệm hoặc các trung tâm giáo dục thường xuyên sẽ góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, tạo môi trường phát triển toàn diện cho học sinh, sinh viên. Còn về lĩnh vực văn hóa cộng đồng, các trụ sở dôi dư là cơ hội tốt để hình thành các trung tâm văn hóa, nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng...

Với số lượng trụ sở dôi dư khá lớn, đơn cử như tại quận Long Biên, số lượng trụ sở quận, phường sau sắp xếp giảm một nửa từ 14 xuống còn 7. Thành phố Hà Nội giảm tới 400 phường, xã, cùng với việc bỏ cấp huyện, nên số trụ sở dôi dư lên tới hàng trăm. Trên cả nước, con số này chắc chắn là hàng nghìn cơ sở nhà, đất.

Điều này đòi hỏi các cấp, ngành và địa phương phải cụ thể hóa chỉ đạo của Trung ương thành phương án quản lý và sử dụng hợp lý, bố trí sắp xếp đúng đắn, khai thác hiệu quả các trụ sở dôi dư này. Các địa phương cần nhanh chóng rà soát, thống kê chính xác số lượng, diện tích, hiện trạng của từng trụ sở dôi dư. Từ đó, xây dựng các phương án sử dụng cụ thể, có tính khả thi cao, phù hợp với quy hoạch tổng thể và nhu cầu thực tế của từng địa bàn. Quá trình này cần có sự tham vấn rộng rãi từ các sở, ban, ngành liên quan, các chuyên gia và đặc biệt là lắng nghe ý kiến của người dân.

Việc bố trí cần ưu tiên những nơi có vị trí thuận lợi, dễ tiếp cận, đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn, vệ sinh môi trường. Đồng thời, cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành để bảo đảm việc chuyển giao và sử dụng được thông suốt, hiệu quả. Tránh tình trạng chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm hoặc để các trụ sở bị xuống cấp, hư hỏng do không được quan tâm, bảo trì kịp thời.

Thành công của chủ trương này phụ thuộc rất lớn vào sự quyết tâm, minh bạch và hiệu quả trong công tác quản lý, sử dụng của các địa phương. Nếu được triển khai đồng bộ, hiệu quả, các trụ sở dôi dư sẽ trở thành những "điểm sáng" phục vụ trực tiếp cho rèn luyện sức khỏe, nâng cao tri thức và đời sống tinh thần của nhân dân, góp phần kiến tạo một xã hội ngày càng văn minh, hiện đại, nhân ái và hạnh phúc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để sử dụng hiệu quả các trụ sở dôi dư

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.