Công an tỉnh Thanh Hóa vừa triệt phá cơ sở sản xuất, buôn bán mỹ phẩm giả số lượng lớn do Nguyễn Thị Dung làm chủ. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ số lượng lớn hóa chất, dung dịch các loại không rõ nguồn gốc xuất xứ, vỏ mỹ phẩm rỗng và các dụng cụ dùng để sản xuất mỹ phẩm giả.
Nạn buôn lậu, hàng giả tiếp tục làm nóng nghị trường Quốc hội tuần qua khi đại biểu Thái Thu Xương (Đoàn Hậu Giang) phản ánh tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái tại chợ Ninh Hiệp (Hà Nội) - một trong những chợ đầu mối lớn nhất miền Bắc trong lĩnh vực thời trang và dệt may.
Thực trạng hàng giả lộng hành tại một chợ lớn không chỉ làm tổn thất cho người tiêu dùng, mà còn đẩy doanh nghiệp dệt may trong nước - những đơn vị hoạt động hợp pháp, đóng thuế đầy đủ vào thế khó, phải cạnh tranh không công bằng với hàng hóa vi phạm. Điều đáng nói, khi báo chí phản ánh, các lực lượng chức năng xuất hiện thì ngay lập tức cả chợ đồng loạt đóng cửa.
Hai ví dụ trên cho thấy, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn biến phức tạp, phạm vi rộng, đối tượng nhiều. Rõ ràng, tình trạng này đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, lòng tin của người dân, gây hoang mang, lo lắng trong dư luận; xâm phạm quyền lợi của các hộ sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp làm ăn chân chính...
Trước yêu cầu bức thiết trên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 72/CĐ-TTg ngày 24-5-2025 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Công điện trên được đưa ra chỉ một tuần sau khi người đứng đầu Chính phủ ký ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 17-5-2025 về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương tập trung mở đợt cao điểm tấn công, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, hàng giả trên toàn quốc từ ngày 15-5 đến 15-6-2025.
Để đẩy lùi nạn buôn lậu, hàng giả, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đặc biệt người đứng đầu cấp ủy các cấp, chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và ý thức trách nhiệm của mỗi người dân.
Trước hết, cần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước ở các cấp, các ngành, các địa phương trong công tác đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Công tác này phải được tiến hành thường xuyên, toàn diện, liên tục, với phương châm “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.
Bên cạnh xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh thực phẩm giả, độc hại, không rõ nguồn gốc, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật phù hợp tình hình mới. Trong đó, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thường xuyên để thực hiện được mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Giải pháp quan trọng nữa là đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các thủ đoạn, phương thức gian lận, lừa đảo của các đối tượng để nhân dân nhận biết, nâng cao cảnh giác và thông tin cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Để đẩy lùi nạn buôn lậu, hàng giả không chỉ cần những chế tài mạnh, người thực thi nghiêm, mà phải có sự đồng lòng của toàn xã hội. Mỗi người dân không tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái tồn tại, mà kiên quyết loại trừ, không khoan nhượng, không để hàng giả, hàng nhái có “đất sống”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.