(HNM) - 29/79 chung cư cao tầng vi phạm quy định an toàn phòng cháy, chữa cháy cũng như những bất cập trong công tác phòng chống “giặc lửa” đã làm “nóng” cuộc họp kiểm điểm tình hình công tác phòng cháy, chữa cháy do UBND TP Hà Nội tổ chức ngày 3-4.
Hầu hết chung cư đều có nguy cơ cháy, nổ
Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội cho biết, năm 2017 và quý I-2018 thành phố đã xảy ra 1.100 vụ cháy, nổ (năm 2017: 820 vụ, quý I-2018: 280 vụ), trong đó có 31 vụ cháy thiệt hại nghiêm trọng, 87 vụ cháy nhà cao tầng. Những vụ cháy trên đã khiến 24 người chết, 18 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính 617 tỷ đồng và 6,3ha rừng.
Chung cư CT5 A, B Văn Khê (Khu đô thị Văn Khê) do Công ty cổ phần Hà Châu OSC là chủ đầu tư đã vi phạm về phòng cháy, chữa cháy. Ảnh: Bá Hoạt |
Vấn đề “nóng” nhất được UBND thành phố đề cập trong cuộc họp là công tác xử lý các công trình nhà chung cư cao tầng vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trong lĩnh vực đầu tư xây dựng. Theo Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó Giám đốc Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội, tính đến ngày 2-4 đã có 50/79 công trình được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy. Như vậy, thành phố còn tồn tại 29 công trình vi phạm về phòng cháy, chữa cháy, trong đó có 15 công trình khó có khả năng khắc phục.
Ngoài những chủ đầu tư chung cư cố tình chây ỳ, một số nơi lại không nhận được sự đồng thuận của cư dân trong công tác khắc phục vi phạm. Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trần Việt Hà cho biết, trên địa bàn quận còn chung cư cảnh sát 113 (phường Yên Hòa) đang tồn tại vi phạm. Cái khó ở chỗ, mặc dù UBND quận và Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đã có phương án khắc phục, được thẩm định đầy đủ, nhưng người dân lại chưa chấp nhận phương án này.
Theo Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội Nguyễn Hoài Nam, hầu hết các chung cư cao tầng, kể cả thương mại và cao cấp đều tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ khi vấn đề duy tu bảo dưỡng còn bất cập. Đồng thời, nhiều ban quản trị các chung cư nhận thức về việc vận hành hệ thống kỹ thuật còn hạn chế, trong khi cư dân thậm chí không biết sử dụng bình chữa cháy, không có kỹ năng thoát nạn… Ngoài ra, thành phố có khoảng 1.200/1.600 cơ sở kinh doanh karaoke chưa đủ điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy; khoảng 900/1.200 cơ sở sản xuất, kinh doanh khí hóa lỏng không an toàn và hầu hết các chợ không bảo đảm về phòng cháy, chữa cháy.
Trong khi tình hình phòng cháy, chữa cháy đang rất “nóng” thì công tác bảo đảm nguồn nước chữa cháy chưa thực sự được quan tâm. Hiện thành phố còn thiếu 3.477 trụ và cần ngay 577 trụ nước chữa cháy, nhưng theo Sở Xây dựng Hà Nội, 6 tháng cuối năm 2017 và quý I-2018 Sở không đầu tư, lắp đặt mới được trụ nước phục vụ chữa cháy nào.
Kiểm tra toàn diện công tác phòng cháy, chữa cháy
Về biện pháp trong thời gian tới, ông Nguyễn Hoài Nam cho biết, đối với các chung cư cao tầng khó khắc phục tồn tại và chung cư, cơ sở nguy hiểm về cháy, nổ hoạt động trước khi Luật Phòng cháy và chữa cháy có hiệu lực, thành phố đang tìm giải pháp thay thế bằng biện pháp khác, nhưng vẫn bảo đảm theo quy định chứ không tìm cách hạ các tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy hiện hành. Cùng với đó, các địa phương và ngành chức năng cần tạo sức ép với doanh nghiệp, chủ đầu tư vi phạm, xử phạt và cưỡng chế đơn vị vi phạm kéo dài.
Trong khi đó, Thượng tá Bùi Quang Việt, Phó Cục trưởng Cục Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) cho biết, Cục đang nghiên cứu các luận chứng về giải pháp thay thế, bổ sung khắc phục tồn tại của các chung cư mà UBND thành phố và các cơ quan chức năng TP Hà Nội đề xuất lên Bộ Công an. Những giải pháp này chủ yếu liên quan đến kiến trúc của công trình.
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu chỉ đạo, đối với 29/79 chung cư chưa hoàn thành khắc phục phòng cháy, chữa cháy phải tiếp tục xử lý xong trước ngày 30-4 đối với 14 công trình có thể khắc phục được. Sau thời gian này, Công an thành phố và Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố chuyển hồ sơ một số chủ đầu tư chây ỳ khắc phục vi phạm để đề nghị khởi tố điều tra, xử lý đúng quy trình, quy định của pháp luật.
Thời gian tới, các lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra xử lý các công trình chung cư cao tầng trên địa bàn có vi phạm về an toàn cháy nổ, đích thân Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố sẽ trực tiếp đi kiểm tra đột xuất và xử lý tại chỗ. Đồng chí Nguyễn Văn Sửu cũng chỉ đạo Công an thành phố và Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố phối hợp xây dựng văn bản gửi Bộ Công an, Bộ Xây dựng và Văn phòng Chính phủ về vấn đề ngoài các tiêu chuẩn quy chuẩn, tất cả công trình cao tầng tại thành phố phải làm cầu thang sắt ngoài trời để bảo đảm cho người dân thoát nạn. Đối với các chung cư tái định cư, phải có phương án giữa Sở Xây dựng và chủ đầu tư trong việc cải tạo lại hệ thống phòng cháy, chữa cháy, bảo đảm xong trước ngày 30-9.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố cũng chỉ đạo 30 quận, huyện, thị xã tiếp tục kiểm tra, rà soát công tác phòng cháy và chữa cháy đối với nhà ở hộ gia đình; nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cơ sở sản xuất, kho hàng hóa xen kẽ trong khu dân cư trên địa bàn, xong trước ngày 10-4; báo cáo UBND thành phố trước ngày 25-6. Đồng thời, các đơn vị, địa phương cần thực hiện nghiêm túc công tác tập huấn, hướng dẫn sử dụng trang thiết bị thoát nạn cho người dân, nâng cấp cải tạo chung cư cũ…
Theo Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 43.286 cơ sở thuộc diện quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy. Hiện lực lượng chức năng đã lập hồ sơ quản lý 18.246 cơ sở, trong đó có 8.207 cơ sở nguy hiểm về cháy, nổ. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.