Không coi công tác phòng cháy, chữa cháy là nhiệm vụ riêng của lực lượng chức năng, phái nữ vốn được ví là “chân yếu, tay mềm” ở xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng đã thay đổi nhận thức, xác định đây là trách nhiệm và nghĩa vụ chung của mỗi người dân, mỗi gia đình để bảo đảm an toàn trong khu dân cư.
Với ý nghĩa đó, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng đã ra mắt mô hình "Phụ nữ Thượng Mỗ chống giặc lửa", góp phần xây dựng quê hương an toàn trong phòng cháy, chữa cháy…
Ngày 16-10, lần đầu tiên, chị Nguyễn Thị Huệ, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Hoa Chử, xã Thượng Mỗ và nhiều phụ nữ ở xã được hướng dẫn cách cầm bình chữa cháy, tới gần điểm cháy, giật chốt hãm, bóp van phun bột, dập tắt đám cháy lớn. Lần đầu thao tác tuy còn lúng túng, nhưng những lần làm tiếp theo, mọi thứ đã trở lên đơn giản hơn rất nhiều. Với sự hướng dẫn của các chiến sỹ công an phòng cháy, chữa cháy, chị còn biết lắc, xóc bình để bột tơi, chọn đầu hướng gió, hướng loa phun vào gốc lửa, việc chữa cháy đạt hiệu quả cao hơn.
Chị Nguyễn Thị Tuyết, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Tiến Bộ cho biết, bên cạnh các thao tác chữa cháy, chị em cũng được tập huấn, hướng dẫn những kiến thức cơ bản nhất phòng cháy trong gia đình, như: Không để vật dụng, thiết bị, hóa chất dễ cháy gần nơi sử dụng ngọn lửa hoặc để gần, phủ lên ổ cắm điện; không tích trữ số lượng lớn xăng, dầu, gas, hóa chất dễ cháy trong nhà; cắm nhiều thiết bị điện cùng một lúc vào một ổ cắm; sạc điện thoại, máy tính, xe đạp điện, xe máy điện qua đêm; sử dụng dây dẫn, thiết bị điện kém chất lượng… Theo chị Tuyết, đây là những thói quen nhiều người, nhiều nhà không để ý tới nhưng lại ẩn chứa nguy cơ cháy nổ rất cao. Được phổ biến, có thêm kiến thức, các chị em sẽ có ý thức hơn trong sinh hoạt để chủ động phòng, chống cháy nổ ngay tại gia đình.
Chị Đỗ Thị Thanh Mai, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Thượng Mỗ, chia sẻ: An toàn phòng cháy, chữa cháy là việc rất quan trọng nhưng thường bị bỏ qua trong cuộc sống hằng ngày. Chỉ cần một giây lơ là, một sự cố nhỏ cũng có thể gây hậu quả khôn lường.
Với mô hình “Phụ nữ Thượng Mỗ chống giặc lửa” ra mắt chiều 16-10 vừa qua, Hội đã tuyên truyền, vận động hơn 120 cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia.
“Ở mô hình, cán bộ, hội viên phụ nữ được tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về phòng cháy, chữa cháy; các kỹ năng phòng cháy, chữa cháy, góp phần làm giảm nguy cơ cháy, nổ và kịp thời xử lý khi có cháy nổ; xây dựng mối đoàn kết gắn bó giữa các hội viên. Chúng tôi cũng gắn việc xây dựng mô hình "Phụ nữ Thượng Mỗ chống giặc lửa" với phong trào toàn dân phòng chống tội phạm, góp phần xây dựng địa phương, bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và không tội phạm”, chị Đỗ Thị Thanh Mai nói.
Từ việc coi công tác phòng cháy, chữa cháy là nhiệm vụ của riêng lực lượng chức năng, đến nay, các hội viên phụ nữ thay đổi nhận thức, xác định đây là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi người, mọi nhà để bảo đảm an toàn trong khu dân cư. Các hội viên tích cực lồng ghép vận động các hộ dân trên địa bàn thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy thực hiện đầy đủ các quy định, điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy trong sinh hoạt và kinh doanh, sản xuất; vận động người dân tích cực tham gia các hoạt động về phòng cháy, sẵn sàng tham gia chữa cháy khi có sự cố xảy ra trên địa bàn. Hội Liên hiệp phụ nữ xã Thượng Mỗ cũng đã vận động hội viên và nhân dân mua được hơn 400 bình chữa cháy, trong đó hỗ trợ tặng 150 bình chữa cháy cho các hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, trang bị là chưa đủ, điều quan trọng hơn là mỗi người trong gia đình phải biết cách sử dụng bình cứu hỏa đúng cách, đúng lúc.
Anh Nguyễn Khắc Điệp, Phó Trưởng Công an xã Thượng Mỗ, cho biết: Mô hình "Phụ nữ Thượng Mỗ chống giặc lửa" không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ cung cấp bình chữa cháy cho các hộ gia đình, mà còn hướng tới việc đào tạo, hướng dẫn mọi người cách sử dụng bình chữa cháy một cách hiệu quả. Thông qua mô hình này, mỗi gia đình sẽ trở thành một "pháo đài" an toàn, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống nguy hiểm có thể xảy ra. Các hội viên của mô hình sẽ tuyên truyền vận động 100% người thân và gia đình về kiến thức phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ cứu nạn, đồng thời phối hợp với Chi ủy, Chi bộ vận động nhân dân và gia đình tham gia ít nhất có một bình phòng cháy, chữa cháy.
Ông Nguyễn Duy Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Mỗ kỳ vọng, mô hình sẽ góp phần củng cố, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của phương châm "bốn tại chỗ" trong phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn. Đồng thời, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ gây ra, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.