Góc nhìn

Chung sức, đồng lòng ngăn “giặc lửa”

Chí Kiên 17/09/2023 - 06:41

Vụ cháy chung cư mini ở phố Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân) gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khiến chúng ta bàng hoàng, đau xót. Vụ việc đau lòng này cùng nhiều vụ cháy gây hậu quả nặng nề đã từng xảy ra tiếp tục cho thấy nhiều “lỗ hổng” trong công tác quản lý, để lại những bài học sâu sắc…

Trước tiên phải khẳng định, các quy định pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy trong quy hoạch, thiết kế công trình đã được ban hành khá đầy đủ, chi tiết. Tuy nhiên, thực tế hạ tầng kỹ thuật, giao thông phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy còn bất cập, các quy chuẩn chưa được tuân thủ nghiêm ngặt. Thực trạng này khá phổ biến ở những đô thị lớn, khi có nhiều tuyến phố nhỏ, ngõ sâu, xe cứu hỏa không vào được. Mật độ dân cư đông đúc, thường xuyên xảy ra ùn tắc vào giờ cao điểm cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn. Dẫn chứng cho thực trạng này có thể thấy ngay từ vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ. Ngôi nhà này nằm sâu trong con ngõ nhỏ, nơi dân cư đông đúc, đã gây ra không ít khó khăn cho lực lượng chức năng khi tiếp cận hiện trường để khống chế đám cháy.

Vấn đề đáng quan tâm hơn là công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy ở một số địa phương còn có sự buông lỏng, thiếu trách nhiệm kiểm tra, giám sát. Trong khi đó, một bộ phận người dân chưa nhận thức rõ tầm quan trọng của việc phòng ngừa cháy, nổ nên ý thức chấp hành các quy định trong lĩnh vực này chưa cao, còn chủ quan, lơ là, thiếu cảnh giác trong sử dụng nguồn điện, nguồn nhiệt… Điển hình là ở một số chung cư hoặc nhà tập thể tại những khu đô thị lớn, có những hộ gia đình rào chắn ban công kiên cố, không có lối thoát hiểm, rất khó khăn cho việc cứu nạn khi tình huống cháy, nổ xảy ra. Đặc biệt, một tình trạng nổi lên thời gian qua là công tác phòng cháy, chữa cháy ở các quán karaoke. Nhiều quán karaoke vốn là nhà ở, sau đó chuyển đổi, cải tạo công năng, nằm xen kẽ trong dân cư, tiềm ẩn nguy cơ cháy lớn. Hoặc có không ít chung cư cao tầng đưa dân vào ở nhưng cơ sở hạ tầng, phương án phòng cháy, chữa cháy chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt…

Liên quan đến những vấn đề nêu trên, có một chi tiết đáng chú ý trong vụ cháy ở phố Khương Hạ là chủ ngôi nhà này chỉ được cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ theo thiết kế cao 6 tầng, 1 tầng lửng và tum thang, nhưng thực tế đã trở thành… chung cư mini với 10 tầng (1 tầng hầm, 8 tầng nổi và 1 tum). Chưa nói đến ý thức của chủ đầu tư, vì lợi nhuận họ đã bất chấp pháp luật để vi phạm, thì trách nhiệm của cơ quan chức năng, những cán bộ có liên quan như thế nào khi để một chung cư sừng sững mọc lên không đúng với giấy phép xây dựng và hoạt động chừng ấy năm? Làm rõ vấn đề này vừa là bài học, vừa là “lời giải” cho không chỉ riêng hệ thống chung cư mini, mà với toàn bộ các công trình khác, cũng như công tác phòng cháy, chữa cháy nói chung.

Với quan điểm thẳng thắn, nghiêm túc và nhất quán, tại hội nghị trực tuyến triển khai Công điện số 796/CĐ-TTg ngày 13-9-2023 của Thủ tướng Chính phủ, diễn ra chiều 15-9 vừa qua, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh: “Chúng ta đừng để sự mất mát của 56 gia đình nạn nhân vụ cháy chung cư mini trở thành vô nghĩa mà phải trở thành điều làm thay đổi nhận thức cấp ủy, chính quyền các cấp, kể cả thành phố đến quận, huyện, phường, xã về phòng cháy, chữa cháy. Cần phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là của người dân. Nếu người dân không ủng hộ chỉ thành công một nửa”.

Như vậy, người đứng đầu chính quyền Thủ đô đã chỉ rõ hai vấn đề trọng tâm là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp cũng như sự chủ động tham gia của người dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy. Nói cụ thể hơn, trong thực thi nhiệm vụ quan trọng này, lực lượng chức năng và người dân phải chung sức, đồng lòng, đúng như Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nói: “Tổng kiểm tra lần này là để có giải pháp “ứng chiến” và người dân ủng hộ thì mới giảm được nguy cơ cháy, nổ. Để người dân ủng hộ thì lực lượng chức năng phải vận động, hướng dẫn cụ thể”.

Ông cha ta đã đúc kết: “Nhất thủy, nhì hỏa”, để nói đến mối đe dọa thiệt hại to lớn do lũ lụt và hỏa hoạn gây ra. Nhấn mạnh hơn, hỏa hoạn còn được coi là “giặc lửa”. Vì vậy, để loại trừ thứ “giặc” này không có cách nào khác là phải chủ động làm tốt từ khâu phòng ngừa. Làm sao để mỗi người dân, mỗi chiến sĩ công an, mỗi cán bộ cơ sở luôn chấp hành và thực hiện nghiêm các quy định về phòng cháy, chữa cháy; nắm vững kỹ năng phòng, chống “giặc lửa”, cứu hộ cứu nạn; phát huy hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” là: Lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ.

Mỗi chúng ta cùng có ý thức chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng và phương tiện phòng cháy, chữa cháy thì sẽ hạn chế được tối đa hỏa hoạn và quan trọng hơn là sẽ xử trí tốt tình huống, hạn chế thiệt hại khi “giặc lửa” tấn công.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chung sức, đồng lòng ngăn “giặc lửa”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.