Vụ cháy chung cư mini xảy ra tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân đêm 12-9 rạng sáng 13-9 tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh sâu sắc về công tác phòng cháy, chữa cháy. “Giặc lửa” khó lường, cần luôn cảnh giác và phải lấy khâu phòng cháy là ưu tiên số một.
Những năm gần đây, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, trong đó có thành phố Hà Nội, thường xuyên ban hành chỉ thị, công điện, công văn chỉ đạo tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn. Tuy nhiên, tình hình cháy, nổ trên toàn quốc vẫn diễn biến phức tạp. Từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước xảy ra 2.031 vụ cháy (tăng 38,16%), làm 83 người chết (tăng 48,21%), 74 người bị thương (tăng 5,71%), thiệt hại 637 tỷ đồng...
Tại thành phố Hà Nội, công tác phòng cháy, chữa cháy luôn được coi trọng trong nhiều năm qua. Ngay từ đầu năm nay, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã có công văn chỉ đạo tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy. Bên cạnh đó, thành phố tổ chức giao ban với các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã để siết chặt kỷ cương, kỷ luật về công tác phòng cháy, chữa cháy; yêu cầu thực hiện nghiêm Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 31-10-2018 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về việc nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố.
Ngày 24-8-2023, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Chỉ thị số 13/CT-UBND về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong quản lý, sử dụng điện trên địa bàn thành phố Hà Nội...
Tuy nhiên, tình hình cháy, nổ trên địa bàn thành phố vẫn diễn ra phức tạp, khó lường, mà nghiêm trọng nhất là vụ cháy xảy ra tại chung cư mini ở số 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân đêm 12 rạng sáng 13-9. Điều này cho thấy, công tác phòng cháy, chữa cháy vẫn còn những “lỗ hổng” đòi hỏi các cấp, các ngành quan tâm sâu sát hơn nữa; các hộ gia đình và mỗi người dân hợp tác, chủ động hơn nữa.
Đặc điểm đô thị khu vực các quận trung tâm Hà Nội có nhiều ngõ, ngách chật hẹp rất khó để các xe chữa cháy chuyên dụng tiếp cận. Do đó, công tác phòng cháy, chữa cháy phải vận dụng hiệu quả “4 tại chỗ”, bao gồm chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ. Kỹ năng, phương tiện, con người “4 tại chỗ” phải được tổ chức bài bản, có tập huấn, thực hành tình huống cụ thể để khi có “động” là triển khai được ngay.
Đồng thời, khâu phòng cháy phải được đặt lên hàng đầu. Phòng cháy tốt nhất phải tạo được chuyển biến về nhận thức và hành động của các đối tượng liên quan, nhất là các hộ gia đình. Các phường, xã, thị trấn cần tiếp tục “phổ cập” những mô hình như: "Khu dân cư an toàn phòng cháy, chữa cháy”, “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy”...
Đặc biệt, các cấp, ngành phải thực hiện nghiêm Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7-8-2023 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội”, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, xử lý nghiêm minh trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm cá nhân trong quản lý trật tự xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, nhất là những hành vi tiêu cực, buông lỏng quản lý, cố tình làm ngơ hoặc tiếp tay cho sai phạm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.