Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phòng, chống bệnh quan liêu

Võ Lâm| 05/03/2019 07:15

(HNM) - Ý thức rõ tác hại của bệnh quan liêu, các cấp ủy của Đảng bộ Hà Nội đã có nhiều giải pháp phòng, chống, đem lại hiệu quả thiết thực trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị.

Tăng cường tiếp xúc, đối thoại với nhân dân là “liều thuốc” hiệu quả trị bệnh quan liêu. Trong ảnh: Lãnh đạo huyện Đông Anh đối thoại với chính quyền và người dân xã Dục Tú.


Giải pháp thiết thực

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, với quyết tâm đổi mới phong cách lãnh đạo theo hướng gần dân, sát dân, nói không với bệnh quan liêu, Huyện ủy Chương Mỹ đã yêu cầu, hằng tháng các đồng chí huyện ủy viên phụ trách xã, ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy phụ trách cụm xã về dự sinh hoạt cùng chi bộ nông thôn. Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Chương Mỹ Trịnh Tiến Tường cho biết: “Nếu ở xã xảy ra việc đột xuất, bất ngờ mà ủy viên Ban Thường vụ, huyện ủy viên được giao phụ trách địa bàn không nắm được sẽ bị xử lý trách nhiệm”. Nhờ đổi mới phương thức lãnh đạo, huyện Chương Mỹ đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị, nhiều chỉ tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện được hoàn thành sớm.

Tại quận Long Biên, Quận ủy yêu cầu, các ủy viên Ban Thường vụ được phân công phụ trách địa bàn phải trở thành trung tâm kết nối giữa Đảng ủy, chính quyền phường với các phòng, ban của quận trong giải quyết các nhiệm vụ. Khi có sự kết nối mà các cơ quan, đơn vị không thực hiện, thực hiện kém hiệu quả, ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy sẽ phản ánh và ý kiến này được xem xét, có thể trừ điểm đối với tập thể, cá nhân liên quan... Nhờ vậy, thời gian qua, Long Biên là một trong những đơn vị của thành phố giải quyết hiệu quả những vấn đề mới phát sinh, ngăn ngừa “điểm nóng”.

Tại Đảng ủy Khối các cơ quan thành phố, không chỉ ủy viên Ban Thường vụ, ngay cả các chuyên viên cũng được phân công phụ trách địa bàn, định kỳ về dự sinh hoạt chi bộ ở cơ sở, vừa nắm bắt tình hình, vừa hỗ trợ cơ sở giải quyết khó khăn, vướng mắc. Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan thành phố Lê Thị Thu Hằng cho biết, nét mới này giúp cấp ủy nắm chắc tình hình, có biện pháp kịp thời củng cố tổ chức cơ sở Đảng, nâng cao sức chiến đấu của toàn Đảng bộ.

Đổi mới phương thức, phong cách lãnh đạo, thiết thực phòng, chống bệnh quan liêu diễn ra rộng khắp tại các cấp ủy của Đảng bộ Hà Nội. Tính đến nay, thực hiện “Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn TP Hà Nội”, 30/30 quận, huyện, thị xã đã tổ chức 217 hội nghị tiếp xúc, đối thoại; 584/584 xã, phường, thị trấn tổ chức 1.056 hội nghị tiếp xúc, đối thoại. Đơn cử, để giải phóng mặt bằng thành công đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng phục vụ xây dựng đường Vành đai 2, Quận ủy Hai Bà Trưng đã chỉ đạo tổ chức 79 buổi đối thoại với 63 tổ chức và gần 2.500 lượt người dân.

Theo Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy Đào Ngọc Triệu, trước đây, lãnh đạo nhiều địa phương thường ngại đối thoại trực tiếp với người dân thì đến nay, điều này đã được khắc phục. Nhờ bám sát cơ sở, các cấp ủy Đảng thành phố đã chỉ đạo giải quyết đạt tỷ lệ cao các vụ khiếu nại, tố cáo: 4.168/4.899 vụ, tương đương 85,07%.

Lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, "Quan liêu là cán bộ phụ trách xa rời thực tế, không điều tra, nghiên cứu đến nơi đến chốn những công việc cần phải làm, việc gì cũng không vững, chỉ đạo một cách đại khái, chung chung. Quan liêu là xa rời quần chúng, không đi sâu đi sát, không hiểu rõ lai lịch, tư tưởng và công tác của cán bộ mình. Không lắng nghe ý kiến của quần chúng. Sợ phê bình và tự phê bình. Tác phong của những "ông quan liêu" là thiếu dân chủ, không giữ đúng nguyên tắc lãnh đạo tập thể, phân công phụ trách".

Mặc dù nhiều cấp ủy của Đảng bộ Hà Nội đã đạt kết quả tích cực trong phòng, chống bệnh quan liêu, song vẫn còn cấp ủy có những biểu hiện của căn bệnh này. Tình trạng khiếu kiện vượt cấp còn diễn biến phức tạp tại Hà Nội có nguyên nhân chủ yếu do cấp ủy, chính quyền cơ sở chậm nắm bắt tình hình, giải quyết không hiệu quả; khâu tuyên truyền, vận động trong nhiều vụ việc được thực hiện hời hợt, thiếu thuyết phục. Đồng chí Đào Ngọc Triệu khẳng định: “Việc chăm lo, giải quyết các nhu cầu dân sinh, những vấn đề bức xúc, khiếu nại, tố cáo của nhân dân có lúc, có nơi chưa chú trọng thực hiện ngay từ cơ sở, thậm chí còn có hiện tượng đùn đẩy, né tránh…”. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tiến độ giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp ở xã, phường, thị trấn theo Nghị quyết 15-NQ/TU ngày 4-7-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy bị chậm; còn gần một nửa số vụ việc được thành phố và các quận, huyện, thị xã thống kê chưa giải quyết dứt điểm.

2019 là năm tăng tốc bứt phá trong thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, đồng thời là năm các cấp ủy Đảng bắt tay vào công tác chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ tới. Đứng trước yêu cầu đó, cán bộ cấp ủy các cấp thành phố cần thống nhất nhận thức và hành động theo tinh thần đã được Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải chỉ đạo rõ: “Làm cán bộ rất dễ quan liêu, đôi khi do công việc kéo đi cũng thành quan liêu. Do đó, cấp ủy cấp trên phải tập trung sự lãnh đạo hướng về cơ sở, tạo điều kiện cho cơ sở tổ chức thực hiện. Quá trình lãnh đạo nhiệm vụ, cấp ủy, chính quyền các cấp phải lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp của tổ chức, nhân dân để điều chỉnh các giải pháp phù hợp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng, chống bệnh quan liêu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.