Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển vững chắc thị trường nội địa

Thư Hà| 23/08/2020 06:27

(HNM) - Sau 6 năm triển khai Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020, hạ tầng thương mại ngày càng được củng cố; nguồn hàng hóa sản xuất trong nước được kết nối, cung ứng dồi dào; người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng hàng Việt Nam…

Nhằm phát huy kết quả này, Bộ Công Thương đã kiến nghị tiếp tục triển khai đề án, đưa thị trường nội địa phát triển vững chắc, thực sự là trụ đỡ của nền kinh tế.

Các hội nghị kết nối cung cầu góp phần giúp hàng Việt Nam chiếm lĩnh thị trường nội địa. Ảnh: Lam Giang

Siêu thị, cửa hàng phát triển

Thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020, Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan, đơn vị, hiệp hội ngành hàng, địa phương tổ chức nhiều chương trình, dự án phát triển thị trường nội địa. Cùng với việc thiết lập hơn 100 điểm bán hàng với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại 61 địa phương và các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của người tiêu dùng thì hoạt động kết nối cung cầu được xem là điểm nhấn mang lại hiệu quả tích cực.

"Thông qua 70 hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa, nhiều thỏa thuận hợp tác sản xuất và phân phối đã được ký kết. Riêng tại Hà Nội trong 6 năm qua, đã tổ chức gần 3.000 chuyến hàng về vùng sâu, vùng xa; 200 sự kiện, hội chợ, triển lãm cũng như tuần hàng nông sản. Qua đó đã đưa hàng hóa của 53 tỉnh, thành phố vào hệ thống phân phối trên địa bàn đồng thời đưa hàng hóa của doanh nghiệp Hà Nội tới các tỉnh, thành phố", Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông cho biết.

Mới nhất, “Tháng khuyến mại tập trung quốc gia năm 2020” lần đầu tiên được tổ chức trong tháng 7 vừa qua và chương trình nhận diện hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”… đã góp phần kích cầu tiêu dùng, tạo đầu ra ngay trên “sân nhà” giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch Covid-19.

Theo Bộ Công Thương, đến nay hệ thống phân phối hàng hóa trong nước khá đa dạng, hiện đại, phát triển rộng khắp. Đến hết năm 2019 cả nước có 8.500 chợ, 1.085 siêu thị, 240 trung tâm thương mại cùng hàng nghìn cửa hàng tiện lợi. Đối với Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, thành phố hiện có 148 siêu thị, 28 trung tâm thương mại, 454 chợ, hơn 1.700 cửa hàng tiện lợi, gần 200 chuỗi cung ứng hàng hóa. Các hệ thống này phát triển đến tận ngõ ngách, phục vụ nhu cầu đa dạng của người dân, với 90% là hàng Việt Nam.

Chị Lê Ngọc Châu (trú tại tổ 15, phường Gia Thụy, quận Long Biên) cho biết: “Hệ thống siêu thị phát triển mang lại sự thuận tiện trong việc mua sắm. Đặc biệt, hàng hóa phần lớn xuất xứ trong nước có chất lượng bảo đảm, giá cả phù hợp, người tiêu dùng chúng tôi yên tâm lựa chọn”.

Tiếp tục triển khai đề án phát triển thị trường nội địa

Dịch Covid-19 tác động tiêu cực nhưng ngành bán lẻ vẫn vững vàng và tăng trưởng. Theo Bộ Công Thương, tổng mức doanh thu bán lẻ hàng hóa 7 tháng năm 2020 chiếm 79,2% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước. "Sự tăng trưởng, ổn định của bán lẻ hàng hóa là điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam, đồng thời chứng minh sức sống mãnh liệt của hàng Việt Nam và vai trò quan trọng của thị trường trong nước đối với nền kinh tế", Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định.

Để tiếp tục phát huy vai trò đó, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông cho biết, Bộ đã kiến nghị tiếp tục triển khai Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong giai đoạn tới. Theo đó, bổ sung thêm các cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển công nghiệp hỗ trợ, mở rộng kênh phân phối hàng Việt Nam thuận tiện, linh hoạt.

Còn Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan đề xuất xây dựng thêm cơ chế, chính sách phát triển hạ tầng thương mại bền vững, đặc biệt cải tạo hệ thống chợ dân sinh bảo đảm an toàn thực phẩm; phát triển thương mại điện tử song hành với kênh bán hàng truyền thống. 

Nhiều chuyên gia cho rằng, kênh bán hàng hiện đại hiện mới chiếm 25% thị phần bán lẻ, hầu hết tập trung ở đô thị, trong khi kênh truyền thống (chợ, cửa hàng lẻ) chiếm tới 75% thị phần song cơ sở vật chất xuống cấp. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp phân phối đầu tư mở rộng hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi phủ sóng tới vùng sâu, vùng xa nhằm chiếm lĩnh thị trường. Đồng thời, phát huy hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” hơn 10 năm qua để hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam chủ động hơn.

Từ góc độ doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm kiến nghị: "Sản phẩm Việt Nam sẽ chiếm lĩnh thị trường nội địa nhiều hơn khi ngành chức năng đẩy mạnh quản lý thị trường, mạnh tay với vấn nạn hàng lậu, hàng nhái. Ngoài ra, cần có thêm cơ chế chính sách như miễn hay giảm thuế để doanh nghiệp giảm giá thành, kích cầu thị trường nội địa trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển vững chắc thị trường nội địa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.