Kinh tế

Cú hích cho tăng trưởng thị trường nội địa

Lam Giang 19/02/2024 - 06:55

Nhờ đẩy mạnh kết nối nguồn hàng, kích cầu mua sắm, hàng hóa tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vừa qua tăng cao, không có hiện tượng khan hàng, sốt giá. Đây được xem là cú hích thúc đẩy thị trường nội địa, góp phần cho tăng trưởng chung của nền kinh tế.

2-1-.jpg
Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm bánh, kẹo tại siêu thị Big C Thăng Long (quận Cầu Giấy). Ảnh: Nhật Nam

Hàng hóa dồi dào

Ngay từ cuối tháng 10-2023, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp xây dựng kế hoạch phục vụ Tết, rà soát cung cầu, chuẩn bị tốt nguồn hàng và các phương án cung ứng hàng hóa. Bộ cũng chỉ đạo triển khai chương trình bình ổn thị trường, chú trọng bảo đảm nguồn cung thực phẩm thiết yếu với giá cả ổn định; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, bảo đảm an toàn thực phẩm...

Tại Hà Nội, Sở Công Thương đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp, triển khai chương trình bình ổn thị trường. Tổng trị giá hàng hóa tiêu dùng thiết yếu cung ứng trong dịp Tết trên địa bàn khoảng 40.000 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2023.

Nhiều tuần trước Tết, các nhà phân phối lớn trên địa bàn thành phố đã đủ nguồn hàng, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Chẳng hạn như Tổng công ty Thương mại Hà Nội dự trữ lượng hàng hóa xấp xỉ 1.000 tỷ đồng. Chuỗi siêu thị WinMart đã làm việc với các nhà cung cấp để thu mua hàng hóa từ 2 đến 3 tháng trước Tết. Hệ thống siêu thị Co.opmart, BigC đều tăng dự trữ nguồn hàng thiết yếu từ 20% đến 50% tùy loại. Thực tế cho thấy, những ngày cao điểm sát Tết Giáp Thìn, các siêu thị đông nghịt khách hàng do người dân có xu hướng dịch chuyển sang mua sắm tại các trung tâm thương mại, siêu thị với hàng hóa đa dạng, chất lượng tốt, giá cả ổn định, nhiều sự lựa chọn. Các nhà phân phối cũng tăng cường các giải pháp phục vụ nhân dân như tăng thời gian phục vụ từ 7h đến 23h đêm, kéo dài đến ngày 30 Tết, tăng điểm thu ngân nhằm phục vụ tốt nhất người mua.

Trong khi đó, tại các chợ dân sinh, hoạt động mua bán cũng khá tấp nập, nguồn cung hàng hóa dồi dào, đặc biệt là nhóm hàng tươi sống, trái cây và rau, củ, quả. Giá hàng hóa tại chợ có xu hướng tăng nhẹ so với ngày thường nhưng không xảy ra tình trạng thiếu hàng hoặc tăng giá bất hợp lý.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, trong Tết Giáp Thìn đã có trên 1.300 điểm bán hàng mở cửa từ mùng 1 và mùng 6 Tết trở đi, các hệ thống bán lẻ hoạt động bình thường. Điều này đã góp phần hạn chế tâm lý tích trữ hàng hóa của người dân.

Góp phần tạo động lực tăng trưởng kinh tế

Đánh giá về thị trường dịp Tết Nguyên đán vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho hay, các mặt hàng đa dạng, phong phú, sức mua tăng và không có tình trạng tăng giá đột biến. Người dân có xu hướng chi tiêu cẩn trọng hơn, tiết giảm những chi phí không cần thiết. Sức mua tăng trong những ngày cận Tết và tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu hằng ngày và trong dịp Tết Nguyên đán.

Theo các chuyên gia, mùa mua sắm cao điểm Tết Nguyên đán luôn là cú hích thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời tạo thặng dư cho tăng trưởng thị trường nội địa. Nhất là trong bối cảnh Chính phủ xác định khai thác hiệu quả thị trường nội địa là nhiệm vụ trọng tâm nhằm thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5%, lạm phát ở mức 4-4,5% trong năm 2024. Với dân số hơn 100 triệu dân, trong đó, tầng lớp trung lưu được đánh giá đang ở mức cao (khoảng 20%), thị trường thực sự có tiềm năng và thế mạnh lớn cho tiêu thụ hàng hóa. Do đó, việc kết nối cung cầu, khuyến khích mua sắm và tiêu dùng hàng hóa trong nước sản xuất, chính là “chìa khóa” bảo đảm cho nền kinh tế nước ta phát triển ổn định và bền vững trong nhiều năm tới.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, cùng với việc đẩy mạnh đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cần chú trọng thúc đẩy thị trường trong nước. Cụ thể là giảm thuế giá trị gia tăng với lộ trình đủ dài nhằm tạo động lực cho thị trường, bên cạnh việc xem xét lại thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp phù hợp với tình hình mới. “Về phía doanh nghiệp, cần đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, đưa sản phẩm có chất lượng đến với người tiêu dùng nhanh nhất, với giá cả hợp lý. Bên cạnh đó, cần có các chính sách khuyến mại, hậu mãi để giữ chân người mua và tạo uy tín thương hiệu”, ông Ngô Trí Long nhấn mạnh.

Ngoài ra, các doanh nghiệp kiến nghị cần có chính sách kích cầu tiêu dùng ổn định và lâu dài, hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, như giảm giá trực tiếp cho thuê mặt bằng để tạo sự sôi động cho thị trường…

Để tiếp tục bảo đảm cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường, Bộ Công Thương cho biết sẽ theo dõi sát tình hình giá cả, thị trường hàng hóa để kịp thời ứng phó trong trường hợp thị trường có biến động. Đồng thời, Bộ cũng phối hợp với các bộ, ngành tham mưu điều hành giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, trong đó có xăng, dầu nhằm bảo đảm cung ứng trên thị trường, tránh tác động đến sản xuất, kinh doanh và giá cả hàng hóa khác, góp phần đẩy mạnh thị trường nội địa, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2024.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Tổng cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương) Nguyễn Đức Lê:
Xử lý nhiều vi phạm an toàn thực phẩm

nguyen-duc-le.jpg

Tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa ở khu vực biên giới, nhất là tuyến đường biển, đường hàng không vẫn diễn biến phức tạp, chủ yếu là các mặt hàng như thuốc lá, đường cát, vải, hàng may mặc, rượu, hàng điện tử... Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Bộ Công Thương, lực lượng quản lý thị trường đã chủ động phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch tăng cường quản lý, kiểm soát thị trường, xử lý kịp thời vi phạm, nên đã ngăn chặn có hiệu quả tình trạng hàng cấm, hàng nhập lậu vận chuyển vào nội địa.

Về tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, dịp trước Tết Nguyên đán vẫn diễn biến phức tạp, quản lý thị trường và các lực lượng chức năng đã xử lý nhiều đối tượng vi phạm. Nhiều lô hàng vi phạm về an toàn thực phẩm có giá trị lớn đã bị bắt giữ, tiêu hủy. Tình hình an toàn thực phẩm trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán do đó không có diễn biến phức tạp, nổi cộm.

Giám đốc khu vực miền Bắc hệ thống siêu thị Co.opMart Lê Văn Liêm:
Phục vụ tốt nhất nhu cầu của người tiêu dùng

le-van-liem.jpg

Theo thông lệ hằng năm, mùa mua sắm Tết Nguyên đán luôn có sức mua cao nhất. Co.opMart đã hoạch định số lượng hàng hóa dự trữ tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Chúng tôi cũng tăng giờ bán, phục vụ đến ngày 30 Tết, luôn bảo đảm không thiếu hàng trên các quầy, kệ, nhất là hàng thiết yếu, bánh kẹo, trái cây, thực phẩm tươi sống. Cùng với đó, chúng tôi cũng phối hợp với các nhà cung cấp đưa ra nhiều chương trình giảm giá, khuyến mại hấp dẫn, nhằm kích thích nhu cầu mua sắm của người dân. Thực tế cho thấy hình thức mua sắm online tăng trưởng mạnh so với trước đó, do đó chúng tôi cũng tập trung cho kênh bán hàng này.

Trong bối cảnh kinh tế nhìn chung còn có nhiều khó khăn, người dân có tâm lý thắt chặt chi tiêu, song trong cao điểm mua sắm Tết, sức mua vẫn tăng khoảng 8% so với năm 2023, cơ bản đạt mục tiêu chúng tôi đề ra. Đây là tiền đề để Co.opMart tiếp tục triển khai hiệu quả các hoạt động kinh doanh trong năm 2024, phấn đấu hoàn thành kế hoạch của doanh nghiệp trong thời gian tới.

Bà Vũ Thị Hằng, ngõ 49 phố Đức Giang, quận Long Biên:
Nâng cao hơn nữa chất lượng hàng Việt

vu-thi-hang.jpg

Những năm gần đây, hàng hóa được cung ứng tới các chợ, siêu thị rất dồi dào, nhất là trong dịp Tết giúp người dân có nhiều lựa chọn và thuận tiện mua sắm. Gia đình tôi đã chuyển sang mua sắm nhiều loại hàng hóa tại các siêu thị do chất lượng, nguồn gốc hàng hóa được bảo đảm, có nhiều chương trình giảm giá, tặng quà, mà siêu thị cũng được mở ngay gần nhà. Hội hoa xuân, hội chợ xuân cũng tổ chức rất rầm rộ gần nơi sinh sống nên gia đình có thể tìm mua được đặc sản của nhiều vùng miền để biếu, tặng và phục vụ nhu cầu ngày Tết. Gia đình tôi cũng bỏ thói quen dự trữ nhiều thực phẩm dịp Tết do các siêu thị, chợ phục vụ tới chiều 30 Tết, rồi lại mở rất sớm ngay từ mùng 1, mùng 2. Giá rau, củ, thực phẩm sau Tết có tăng đôi chút, nhưng có thể chấp nhận được.

Mặc dù hàng hóa trong nước đã có nhiều cải tiến nhưng tôi mong muốn các nhà sản xuất nâng cao hơn nữa chất lượng, mẫu mã sản phẩm và giảm giá thành để người dân tin tưởng, lựa chọn thay vì mua hàng hóa nước ngoài.

Hà Thư ghi

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cú hích cho tăng trưởng thị trường nội địa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.