Thị trường

Điểm sáng thị trường nội địa

Lam Giang 31/12/2023 - 15:51

Năm 2023 qua đi với nhiều khó khăn chung của thương mại nội địa, người dân thắt chặt chi tiêu, sức mua sụt giảm. Song với nhiều nỗ lực phát triển hạ tầng thương mại, kết nối cung - cầu, ưu đãi, kích cầu mua sắm…, thị trường nội địa vẫn đạt tăng trưởng khá, là điểm sáng của nền kinh tế.

thi-truong.jpg
Người tiêu dùng mua hàng tại Trung tâm thương mại AEON Mall (quận Long Biên). Ảnh: Nguyễn Quang

Duy trì tăng trưởng 9,6%

Những ngày đầu tháng 12-2023, siêu thị WinMart theo mô hình cao cấp đầu tiên ở thành phố Hà Nội đã khai trương tại phố Lê Văn Thiêm, quận Thanh Xuân. Đây là một trong 120 siêu thị được Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại tổng hợp WinCommerce (doanh nghiệp quản lý vận hành hệ thống siêu thị, cửa hàng WinMart, WinMart+, Win) cải tạo và mở mới.

Theo Phó Tổng Giám đốc vận hành chuỗi WinMart Nguyễn Tiến Dũng, kể từ đầu năm 2023, WinCommerce đã mở mới, cải tạo hơn 1.700 siêu thị, cửa hàng trên toàn quốc, nâng tổng số cửa hàng, siêu thị toàn hệ thống lên hơn 3.600 điểm bán, tại 62 tỉnh, thành phố. Nhờ tăng diện "phủ sóng", doanh thu thuần của WinCommerce tăng 2,1% trong 9 tháng của năm 2023 và 3,3% trong quý III-2023 so với cùng kỳ năm 2022. Đà tăng trưởng này được WinCommerce kỳ vọng sẽ duy trì trong các tháng cuối năm, cũng là mùa mua sắm lớn nhất năm.

Bên cạnh không gian thương mại truyền thống, thương mại số tiếp tục được các doanh nghiệp khai thác, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa. Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH Shopee Việt Nam Phan Mạnh Hà cho biết, từ tháng 5-2023, Shopee đã triển khai chương trình “Tôn vinh nông sản Việt” thúc đẩy người Việt dùng hàng Việt. Còn trong tháng 12-2023, chương trình “10 năm hàng Việt”… đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ người tiêu dùng.

Đánh giá về thị trường trong nước năm 2023, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng nhận định, hoạt động thương mại phục hồi tích cực. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2023 ước tăng 9,6% so với năm 2022, vượt mục tiêu của ngành (kế hoạch tăng 8-9%). Điểm nổi bật là hoạt động thương mại điện tử tiếp tục được đẩy mạnh, trở thành kênh phân phối quan trọng, góp phần phát triển chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa trong và ngoài nước. Năm 2023, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam ước đạt 20,5 tỷ USD, chiếm 8% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước, thuộc nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới (25%/năm), tạo động lực cho phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Đặc biệt, nguồn cung hàng hóa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, bảo đảm ổn định thị trường, giá cả, an sinh xã hội, kiềm chế lạm phát.

Khai thác hiệu quả thị trường trong nước

Các chuyên gia cho rằng, thị trường nội địa Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển và là mảnh đất “màu mỡ” cho các nhà bán lẻ. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người Việt Nam giai đoạn 2017-2022 đạt 8,5%, cao nhất trong khu vực Đông Nam Á với tầng lớp trung lưu tăng nhanh. Trong khi đó, thị trường bán lẻ Việt Nam xếp thứ 9 trong 35 quốc gia về Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu năm 2021. Quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam đã vượt con số 180 tỷ USD trong năm 2023 và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, số liệu của Tổ chức nghiên cứu thị trường Euromonitor (Anh) ghi nhận, thương hiệu và chất lượng sản phẩm vẫn là một trong những yếu tố then chốt trong quyết định mua hàng của người Việt. Thị trường bán lẻ Việt Nam vì thế sẽ có tính cạnh tranh cao, đòi hỏi các doanh nghiệp phân phối và sản xuất trong nước phải làm tốt việc xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, tiếp cận khách hàng từ nhiều kênh, trong đó cần chú trọng tới kênh thương mại số.

Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, thị trường trong nước vẫn còn nhiều hạn chế như hạ tầng thương mại phát triển không đồng đều, đặc biệt tại các vùng khó khăn; loại hình thương mại truyền thống chưa được quan tâm đúng mức, gặp sự cạnh tranh gay gắt từ mua bán trực tuyến, siêu thị... Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng hàng hóa trong nước liên kết chưa chặt chẽ, nhất là với hàng thực phẩm tươi sống, thiết yếu, gây tác động tới thị trường; tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả… còn diễn biến phức tạp.

Để phát triển mạnh thương mại nội địa, trong năm 2024, Bộ Công Thương sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó đẩy mạnh phát triển hạ tầng thương mại tại các vùng khó khăn; phát triển thương mại điện tử để khai thác hiệu quả xu hướng số hóa nền kinh tế. Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp phân phối theo dõi sát tình hình thị trường, kịp thời đề ra giải pháp ứng phó khi có biến động bất thường, triển khai những biện pháp bình ổn thị trường… Đặc biệt, Bộ sẽ đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ, cạnh tranh không bình đẳng...

”Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương cân nhắc thời điểm, mức điều chỉnh các mặt hàng Nhà nước quản lý giá cho phù hợp, đặc biệt là việc điều chỉnh giá xăng, dầu, tránh gây tác động xấu tới thị trường hàng hóa”, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điểm sáng thị trường nội địa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.