Thị trường

Tăng trưởng đột phá cho thị trường nội địa: "Bứt tốc" mùa mua sắm cuối năm

Lam Giang 11/10/2023 - 06:40

Với mức tăng trưởng ấn tượng, thị trường nội địa tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế 9 tháng năm 2023. Để tiếp tục phát huy vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, các bộ, ngành liên quan và địa phương cần tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng đột phá hơn cho thị trường nội địa thông qua tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công, kích cầu tiêu dùng, đặc biệt là tận dụng hiệu quả giai đoạn "bứt tốc" mùa mua sắm và du lịch sôi động dịp cuối năm.

sieu-thi.jpg
Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị Big C Thăng Long (quận Cầu Giấy). Ảnh: Viết Thành

Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 9,7%

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9-2023 đạt 524.595 tỷ đồng, tăng 2,4% so với tháng trước. Tính chung 9 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 4.567.835 tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, mức tăng chủ yếu ở nhóm hàng thiết yếu là lương thực, thực phẩm (tăng 11,4%) và nhóm hàng du lịch, dịch vụ (tăng 11,5-47,7%).

Còn theo Cục Thống kê Hà Nội, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn Hà Nội tháng 9 ước tính đạt 64,7 nghìn tỷ đồng, tăng 1,9% so với tháng 8. Tính chung 9 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn thành phố đạt 559,5 nghìn tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tổ điều hành thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhận định, giá cả hàng hóa tương đối ổn định; sức mua trên thị trường đã có sự phục hồi tốt so với cùng kỳ năm 2022. Riêng mặt hàng thóc gạo, giá tăng do ảnh hưởng của thị trường xuất khẩu. Giá xăng, dầu, khí hóa lỏng có diễn biến tăng, giảm đan xen do tác động của giá thế giới.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thường Lạng (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) đánh giá, trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều khó khăn, tổng mức lưu chuyển hàng hóa, doanh thu từ bán lẻ nội địa vẫn tăng trưởng khá cho thấy thị trường nội địa tiếp tục là chỗ dựa quan trọng để duy trì mức tăng tổng cầu và tăng trưởng GDP. Còn đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhìn nhận, sự tăng trưởng này khẳng định kết quả của việc triển khai các giải pháp phát triển thị trường nội địa, mở rộng mạng lưới phân phối, đẩy mạnh kết nối giao thương, cung cầu hàng hóa phục vụ nhu cầu người dân và doanh nghiệp.

Đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng

Các chuyên gia dự báo, dù còn nhiều khó khăn nhưng trong quý cuối năm 2023, cả hoạt động đầu tư, xuất khẩu và thị trường trong nước đều có những tín hiệu khởi sắc. Tuy nhiên, trong “cỗ xe tam mã”, thị trường trong nước vẫn được đánh giá là điểm sáng hơn cả, đóng góp vai trò chủ công cho tăng trưởng kinh tế. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thường Lạng nhận định: “Để tạo tăng trưởng đột phá hơn cho thị trường nội địa trong 3 tháng cuối năm cần dựa vào tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công để tạo lực cầu mạnh, khả năng lan tỏa lớn đến các ngành sản xuất và chi tiêu của cả nền kinh tế. Cùng với đó, cần tận dụng làn sóng mua sắm dịp cuối năm để có các chương trình kích cầu tiêu dùng quy mô lớn, đồng thời thúc đẩy dịch vụ du lịch nội địa và thu hút mạnh du khách quốc tế đến trong dịp này”.

Trên thực tế, hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa đang được triển khai mạnh nhằm đón đầu mùa mua sắm cuối năm. Bộ Công Thương đang phối hợp với các địa phương tổ chức 17 hội chợ triển lãm cấp vùng trên toàn quốc, chương trình xúc tiến tiêu thụ sản phẩm đặc sản vùng miền, chương trình khuyến mại tập trung quốc gia dịp cuối năm với mức giảm lên đến 100% trên nhiều sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, áp dụng với cả thương mại điện tử và thương mại truyền thống.

Để tiếp tục kích cầu tiêu dùng, từ nay tới cuối năm, thành phố Hà Nội sẽ tổ chức loạt sự kiện hấp dẫn như: Lễ hội Mua sắm Hà Nội; 1.000 điểm khuyến mại - Rộn ràng ưu đãi; Ngày vàng giá shock, Hà Nội online festival… Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp cho biết, trong tháng 10-2023, Sở Công Thương Hà Nội sẽ triển khai kế hoạch liên kết, khai thác hàng hóa các địa phương vào Hà Nội để bảo đảm nguồn cung tiêu dùng cho người dân Thủ đô, đồng thời triển khai chương trình bình ổn thị trường phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Bên cạnh đó, Sở Công Thương theo dõi sát diễn biến thị trường các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là xăng, dầu, tăng cường kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm tại cơ sở sản xuất và thương mại.

Từ góc độ doanh nghiệp, Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Việt Nam (Vietfoods) Lê Thị Hậu Phương cho hay, hiện tại, Vietfoods chuẩn bị nguyên liệu, thực hiện nhiều chương trình khuyến mại với hệ thống phân phối, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng, đồng thời tham gia các hội chợ, hội nghị giao thương trong và ngoài nước... để đẩy mạnh tiêu thụ.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, từ nay tới cuối năm 2023, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành theo dõi sát diễn biến thị trường, đề xuất lên Chính phủ các biện pháp bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa thiết yếu. Các bộ, ngành, địa phương sẽ triển khai các hoạt động kết nối cung - cầu, xúc tiến thương mại để hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản; triển khai đồng bộ, hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, kết hợp với phòng, chống buôn lậu, hàng nhái, hàng giả để bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất và quyền lợi người tiêu dùng; tiếp tục đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, kích thích mua sắm trực tuyến.

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga:
Phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng

Hiện Bộ Công Thương đang triển khai 9 chương trình, đề án để kết nối hàng hóa vào kênh phân phối, như hàng hóa của bà con dân tộc, sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), hàng hóa biên giới hải đảo, hàng hóa trong chương trình đổi mới phương thức kinh doanh nông sản, hàng hóa an toàn thực phẩm… Từ nay tới cuối năm 2023, chúng tôi cũng triển khai những chương trình kích cầu tiêu dùng quan trọng. Hiện hầu hết các tỉnh, thành phố đã lên kế hoạch cho chương trình bình ổn thị trường và sẽ tăng thu mua từ tháng 10 này để phục vụ nhu cầu mua sắm Tết Nguyên đán. Đặc biệt, đây là giai đoạn du lịch bùng nổ nên các địa phương cần nắm bắt để xây dựng các điểm bán sản phẩm có thế mạnh, tiêu biểu… nhằm đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

Với các chương trình kích cầu, xúc tiến thương mại như vậy, hy vọng doanh thu thị trường nội địa sẽ tăng trưởng mạnh trong quý cuối năm, phấn đấu đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2023 đạt 9% như Chính phủ giao.

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Ngô Trí Long:
Còn dư địa để kích cầu tiêu dùng

Với quy mô 100 triệu dân, thị trường trong nước được đánh giá là tương đối rộng lớn, do đó cần tiếp tục triển khai các giải pháp hiệu quả để khơi thông thị trường. Đặc biệt, những tháng cuối năm sức mua thị trường trong nước sẽ tăng cao. Đây là cơ hội, động lực để thương mại nội địa tiếp tục đạt tăng trưởng cao hơn. Trong những giải pháp đã triển khai, theo tôi, chính sách tài chính vẫn còn dư địa để có thể kích cầu tiêu dùng.

Cụ thể, cần xem xét tiếp tục giảm thuế, các khoản phí và lệ phí khác; tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như cải thiện thủ tục đầu tư, giảm phiền hà, chống những hiện tượng tiêu cực, gây khó cho sản xuất, kinh doanh… Quan trọng nhất là doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng, củng cố và phát triển thương hiệu cho sản phẩm. Với thị trường hàng tiêu dùng, nông sản hay lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu…, doanh nghiệp cần xem xét giải pháp vừa nâng cao chất lượng, vừa giảm giá thành để kích thích mua sắm. Ngoài ra, doanh nghiệp nên chuyển đổi số, đẩy mạnh thương mại điện tử, đồng thời tăng ưu đãi, giảm giá để đáp ứng xu hướng tiêu dùng, mua sắm mới.

Giám đốc khu vực miền Bắc Saigon Co.op Lê Văn Liêm:
Bảo đảm đủ hàng hóa phục vụ mua sắm

Với công tác bình ổn thị trường, nhiều năm qua, hệ thống Co.opmart dành phần lớn nguồn vốn để dự trữ nhóm hàng bình ổn thị trường gồm: Gạo, đường, dầu ăn, thịt lợn, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản; còn lại dành cho các mặt hàng Tết. Dịp Tết Nguyên đán 2024, Co.opmart dự trữ nguồn hàng hóa thiết yếu từ rất sớm (dự kiến mức tăng 5-10% tùy mặt hàng), tổ chức phân phối hàng hóa đến hơn 800 điểm bán tại 42/63 tỉnh, thành phố.

Trong bối cảnh kinh tế và thu nhập của người dân còn khó khăn, Co.opmart nỗ lực phối hợp với các nhà cung cấp duy trì giá ổn định và thực hiện giảm giá kích cầu trong giai đoạn cuối năm. Chúng tôi đã chuẩn bị nguồn hàng giá tốt trong 3 đến 6 tháng tới, triển khai chương trình khuyến mại liên tục hằng tuần, trọng điểm là trong tháng 11, tháng 12 và dịp Tết. Các hoạt động hỗ trợ cho hàng Việt trong khuôn khổ cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cũng được Co.opmart quan tâm, tích cực triển khai.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tăng trưởng đột phá cho thị trường nội địa: "Bứt tốc" mùa mua sắm cuối năm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.