Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thúc đẩy phát triển thị trường nội địa

Thanh Hiền| 07/05/2023 07:47

(HNM) - Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu đang gặp nhiều thách thức, thị trường nội địa đã cho thấy sức hấp dẫn và vai trò quan trọng của mình. Đặc biệt, thông qua việc thúc đẩy các chương trình kích cầu nội địa, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã tăng khá, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế Thủ đô.

Sản xuất hàng may mặc tại Tổng công ty May 10 - CTCP. Ảnh: Nhật Nam

Những tháng cuối năm 2022, các doanh nghiệp gỗ nội thất không thể xuất khẩu do thiếu đơn hàng trầm trọng. Trong bối cảnh ấy, nhiều đơn vị đã và đang tính toán lại sản xuất, dành một phần nguồn lực để cung ứng hàng hóa cho thị trường nội địa, coi đây là cứu cánh trong khó khăn.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chế biến gỗ Đức Thành Lê Hải Liễu cho biết, để duy trì đơn hàng, công ty đang đầu tư cho khâu thiết kế, marketing, quảng bá thương hiệu, làm thêm hàng nội địa.

Trước những khó khăn của thị trường xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp, ngành hàng đang đặt kỳ vọng lớn vào thị trường tiêu thụ nội địa trong năm 2023. Theo Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 - CTCP Thân Đức Việt, với quy mô dân số 100 triệu dân, Việt Nam sẽ là thị trường tiêu dùng hàng dệt may tiềm năng cho các doanh nghiệp.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 4 của thành phố Hà Nội ước tính đạt 1.518 triệu USD, tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 5,3 tỷ USD, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 2,9 tỷ USD, tăng 0,8%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 2,4 tỷ USD, giảm 3,8%. Một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ như hàng dệt, may; phương tiện vận tải và phụ tùng; gỗ và sản phẩm từ gỗ; giày dép các loại và sản phẩm từ da.

Đề cập đến vấn đề này, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, nguyên nhân kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm trên địa bàn Thủ đô giảm nhẹ là do suy giảm xuất khẩu diễn ra từ những tháng cuối năm 2022 và được dự báo tiếp tục trong những tháng đầu năm nay. Tuy 2 tháng đầu năm 2023, cán cân thương mại đạt xuất siêu, song kim ngạch xuất khẩu của hầu hết nhóm hàng đều giảm, trong đó nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực giảm tới 2 con số so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, trong khi kim ngạch xuất khẩu suy giảm thì khu vực dịch vụ trong đó có bán buôn, bán lẻ vẫn có mức tăng trưởng khá. Số liệu thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn Thủ đô trong quý I-2023 đạt khoảng 184,4 nghìn tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước. Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 118,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 64,4% tổng mức và tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước. “Thông qua các chương trình kích cầu nội địa, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khá đã góp phần hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế Thủ đô”, bà Trần Thị Phương Lan đánh giá.

“Chắc chắn trong giai đoạn từ nay đến cuối năm, phải tiếp tục coi tiêu dùng trong nước là động lực quan trọng để góp phần hoàn thành kế hoạch cả năm”, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú khẳng định. Còn theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, yếu tố hấp dẫn về lâu dài của thị trường tiêu dùng nội địa gần 100 triệu dân vẫn luôn hiển hiện. Trong lúc các trụ cột tăng trưởng như xuất khẩu gặp khó; đầu tư cần thời gian để lan tỏa, thì thúc đẩy trụ cột tiêu dùng chính là cách hay nhất, ít tốn kém nhất mà lại đạt hiệu quả cao nhất.

Nhằm thúc đẩy tiêu dùng và phát triển bền vững thị trường trong nước, giới chuyên gia cũng khuyến nghị, các cơ quan chức năng cần tiếp tục đẩy nhanh việc rà soát, sửa đổi, xây dựng và hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật về phát triển thị trường trong nước bảo đảm phù hợp tình hình thực tiễn, phục vụ hiệu quả cho công tác điều hành kinh tế vĩ mô và hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, tổ chức đẩy mạnh triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các chương trình, đề án về phát triển thương mại trong nước; hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, các cơ sở sản xuất của các làng nghề, các hộ nông dân, hợp tác xã… trong hoạt động xúc tiến thương mại; xây dựng, bảo vệ thương hiệu cho các chuỗi phân phối bán buôn, bán lẻ trong nước; quảng bá các đặc sản vùng miền, sản phẩm tiêu biểu của Việt Nam…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy phát triển thị trường nội địa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.