(HNM) - Thời gian qua, tín dụng bất động sản đã có một số thời điểm rơi vào cảnh "thăng trầm". Lý do là thị trường nhà đất bị “đóng băng”, nhiều dự án nhà ở “đứt gánh giữa đường”. Nguyên nhân này cộng với tỷ lệ cho vay luôn ở mức khá cao trong tổng dư nợ (chiếm 20%) nên khi xảy ra sự cố, tín dụng bất động sản gây ra rủi ro và nợ xấu cho ngân hàng…
Với thực tế trên, cho vay bất động sản luôn được ngành Ngân hàng và các tổ chức tín dụng cân nhắc kỹ lưỡng, thận trọng và siết chặt khi cần thiết. Trong đó phải kể đến việc chuyển đổi mạnh cơ cấu tín dụng bất động sản từ cho vay các chủ đầu tư, sang cho vay tiêu dùng để mua nhà ở. Đây là tín hiệu tích cực, giúp hạn chế rủi ro cho ngân hàng, đồng thời giảm nguy cơ bong bóng của thị trường bất động sản.
Ngoài ra, các ngân hàng cũng tăng hệ số rủi ro, chỉ xem xét dự án vay vốn khả thi, thận trọng cho vay nhà đầu tư thứ cấp. Việc này giúp tín dụng bất động sản phát triển lành mạnh; đặc biệt, loại bỏ khỏi thị trường nhà đất những doanh nghiệp “tay không bắt giặc”, thường góp phần làm tăng tỷ lệ nợ xấu cho ngân hàng.
Dù vậy, với nguồn lợi nhuận hấp dẫn, tín dụng bất động sản vẫn là hướng đi nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, phải rất lưu ý là "rót" dòng tiền vào phân khúc khách hàng nào để vừa bảo đảm an toàn tín dụng, đáp ứng nhu cầu người vay, vừa mang về hiệu quả kinh doanh.
Muốn vậy, yếu tố tiên quyết là ngành Ngân hàng tiếp tục phải siết chặt cho vay lĩnh vực bất động sản theo các quy định hiện hành, trong đó có Thông tư 22/2019/TT-NHNN, ngày 15-11-2019, của Ngân hàng Nhà nước quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Điều quan trọng là tín dụng phải phục vụ nhu cầu có thực, ưu tiên những phân khúc bất động sản hướng đến số đông người tiêu dùng như nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội…
Bên cạnh sự thận trọng, để tín dụng bất động sản phát triển lành mạnh, các ngân hàng cần tiếp tục đổi mới mô hình quản trị, phương pháp quản lý, kiểm soát khoản vay một cách hiệu quả, minh bạch. Một trong những việc cốt yếu là các tổ chức tín dụng phải nâng cao các biện pháp nghiệp vụ, xác định cho được “sức khỏe” của khách hàng, từ đó mới đi đến quyết định cho vay vốn. Cùng với đó là phát triển, mở rộng nhiều hình thức, khoản vay phù hợp với nhu cầu từng đối tượng khách hàng; tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người vay tiếp cận vốn nhanh, đúng quy định pháp luật.
Ở góc độ khách hàng, nhất là các đơn vị kinh doanh bất động sản, trước khi nghĩ đến việc vay vốn, thì vốn chủ sở hữu phải vững, có chiến lược phát triển rõ ràng, làm ăn uy tín, sáng tạo. Đồng thời, phải đáp ứng đầy đủ hồ sơ và các thủ tục cần thiết khác do tổ chức tín dụng yêu cầu, phải lưu ý đến tính pháp lý, chứng minh khả năng sinh lời của dự án… Đây chính là những yếu tố quyết định để ngân hàng có đặt niềm tin và cho vay hay không.
Với khách hàng là cá nhân vay mua nhà, cần sử dụng đúng mục đích nguồn vốn vay. Đặc biệt, phải xác định được dòng tiền thu nhập để trả nợ lãi, gốc đúng thời hạn, tạo uy tín lâu dài với ngân hàng.
Phát triển tín dụng bất động sản trong bối cảnh người dân có nhu cầu lớn về nhà ở như hiện nay là rất cần thiết. Nhưng điều quan trọng là cả người cho vay và người vay đều phải chung chí hướng, cùng phát triển thị trường tín dụng bất động sản lành mạnh, bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.