Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tín dụng bất động sản tăng cao hơn tăng trưởng tín dụng chung

Hà Linh| 30/07/2022 13:41

(HNMO) - Tín dụng đối với riêng bất động sản đã tăng 14,07% so với cuối năm 2021, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng của toàn ngành ngân hàng (9,35%).

Theo thông tin mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, đến tháng 6-2022, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đạt hơn 2,36 triệu tỷ đồng, tăng 14,07% so với cuối năm 2021, chiếm 20,74% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng (cùng kỳ năm 2021 tăng 8,2%, chiếm 19,9%).

Trong đó, tín dụng đối với bất động sản kinh doanh tăng 8,19%, chiếm 33% dư nợ bất động sản; tín dụng bất động sản phục vụ mục đích sử dụng tăng 17,2%, chiếm 67%. 

Nợ xấu lĩnh vực bất động sản khoảng 36,4 nghìn tỷ đồng, tăng 5% so với thời điểm ngày 31-12-2021. Song tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm 1,54% (năm 2021 là 1,67%). 

Theo Ngân hàng Nhà nước, mức tăng tín dụng bất động sản trên nằm trong dự báo. Việc một số ngân hàng thương mại phản ánh hết “room” tín dụng là do tăng trưởng tín dụng quá nhanh; hoặc ngân hàng có xếp hạng thấp nên không được phép tăng trưởng tín dụng cao.

Mặt khác, việc ngân hàng từ chối cho vay bất động sản không hẳn là do ngân hàng hết "room" mà còn có thể do ngân hàng phải bảo đảm các tỷ lệ an toàn...

Bản chất hoạt động ngân hàng chủ yếu tập trung cho vay ngắn hạn, cho vay bổ sung vốn lưu động (80% vốn huy động của hệ thống ngân hàng là ngắn hạn).

Tuy nhiên, một số tổ chức tín dụng chủ yếu cho vay trung, dài hạn, tập trung vào lĩnh vực bất động sản nên thời gian quay vòng vốn chậm, không thu hồi được nợ nhanh, nên dẫn đến hết dư địa tăng trưởng tín dụng. 

Mặt khác, do khoản vay bất động sản thường dài hạn (hiện nay khoảng 94% dư nợ tín dụng bất động sản có thời gian vay vốn từ 10-25 năm), trong khi nguồn huy động của hệ thống tổ chức tín dụng chủ yếu là ngắn hạn với lãi suất thay đổi theo thị trường (80% nguồn vốn huy động của hệ thống tổ chức tín dụng là tiền gửi ngắn hạn), nên tổ chức tín dụng sẽ đối mặt với rủi ro thanh khoản, không đáp ứng được nhu cầu chi trả tiền gửi cho người dân. 

Để bảo đảm an toàn hệ thống tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai chính sách kiểm soát tín dụng chảy vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, thông qua việc thường xuyên rà soát, hoàn thiện văn bản pháp luật về tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng (trong đó, có lộ trình điều chỉnh giảm dần tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn), tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng, đặc biệt là tín dụng bất động sản. 

Về lâu dài, việc xử lý ách tắc dòng vốn của thị trường bất động sản cần được cân nhắc và tiếp cận theo nhiều nguồn khác nhau, và không đẩy rủi ro tới hệ thống ngân hàng.

Dòng vốn đầu tư vào thị trường bất động sản rất đa dạng, bao gồm vốn FDI, vốn huy động từ thị trường quốc tế thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp hoặc vay các tổ chức nước ngoài; huy động từ thị trường chứng khoán, nguồn vốn tự có...

Nguồn vốn từ hệ thống tổ chức tín dụng chỉ là một trong số các nguồn vốn đầu tư vào thị trường bất động sản, chỉ giải quyết các vấn đề trước mắt, tạm thời đối với thị trường bất động sản. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tín dụng bất động sản tăng cao hơn tăng trưởng tín dụng chung

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.