Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiểm soát rủi ro về tín dụng bất động sản

Mai Hữu| 08/06/2022 17:32

(HNMO) - Chiều 8-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ ba, trả lời chất vấn với nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, Ngân hàng Nhà nước có những quy định pháp luật để kiểm soát rủi ro về tín dụng bất động sản.

Đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) chất vấn.

Đánh giá tài sản bảo đảm để nhận diện rủi ro

Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) về tín dụng bất động sản, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là mở rộng tín dụng phải đi đôi với an toàn, hiệu quả; tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh và kiểm soát vốn vào những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Đối với tín dụng bất động sản, đây là sự quan tâm nhất của hoạt động ngân hàng, bởi rủi ro lớn. Bản chất của tín dụng bất động sản thường giá trị lớn, kỳ hạn dài. Trong khi đó, tiền gửi của hệ thống ngân hàng lại là tiền gửi ngắn hạn. Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước có những quy định pháp luật để kiểm soát rủi ro. 

“Ngân hàng Nhà nước cũng đã có những quy định và chỉ đạo các tổ chức tín dụng là khi cho vay các khoản vay có tài sản bảo đảm thì phải thường xuyên đánh giá lại những tài sản bảo đảm để nhận diện những rủi ro của khoản vay đó”, Thống đốc nói.

Về vấn đề này, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị phải thanh tra, kiểm tra, giám sát từ sớm, từ xa, tránh trường hợp “mất bò mới lo làm chuồng”, tất cả thị trường phải thông suốt, một mặt phải giám sát, quản lý chặt thị trường đó, mặt khác phải tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường đó phát triển.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị chấn chỉnh, xử lý những cái méo mó của thị trường chứ không phải đóng cửa, hạn chế thị trường phát triển. Do đó, chính sách đối với tài chính, đối với kinh tế không thể giật cục, phải nhất quán, thông suốt, phải có dự phòng nhiều nội dung khác nhau.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu.

Để bảo đảm thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, đóng góp tích cực hơn cho sự phát triển của nền kinh tế, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đề xuất khẩn trương nghiên cứu hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản bảo đảm đồng bộ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo khung pháp lý để thị trường phát triển; tăng nguồn cung, tạo điều kiện phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, nhà ở phân khúc thu nhập thấp. Đồng thời theo dõi sát thị trường bất động sản để kịp thời có biện pháp ổn định, lành mạnh thị trường khi cần thiết; bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng đề nghị kiểm soát, cơ cấu lại tín dụng bất động sản, bảo đảm sử dụng đúng mục đích, tránh rủi ro; tiếp tục tạo điều kiện cho vay trong lĩnh vực bất động sản theo đúng quy định pháp luật. 

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng cho rằng cần kiểm soát chặt chẽ việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trái phiếu riêng lẻ huy động vốn của các doanh nghiệp bất động sản.

“Cần nghiên cứu các quy định về thuế đối với việc sử dụng bất động sản, kinh doanh bất động sản để hạn chế tình trạng đầu cơ, găm giữ bất động sản”, Bộ trưởng kiến nghị.

Đại biểu Vương Thị Hương (Đoàn Hà Giang) chất vấn.

Trích lập dự phòng chủ động trong trường hợp nợ xấu

Đối với vấn đề tín dụng, lãi suất của doanh nghiệp nhỏ và vừa do đại biểu Nguyễn Văn Thân (Đoàn Thái Bình) chất vấn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc điều hành lãi suất, giảm lãi suất để giảm khó khăn cho doanh nghiệp, người dân là nhiệm vụ được Ngân hàng Nhà nước quan tâm. Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo hệ thống, có các giải pháp giảm mặt bằng lãi suất. Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm 2022, điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước chịu áp lực lớn từ bên ngoài, khi lạm phát tăng trên toàn cầu.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhiều hạn chế trong điều kiện tài chính, khả năng quản trị… nên độ xếp hạng tín nhiệm không cao, gặp khó khăn trong vay vốn tại các ngân hàng, dễ phải chịu mức lãi suất cao hơn so với các doanh nghiệp có độ tín nhiệm cao. Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho các doanh nghiệp, người dân.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng.

Trả lời chất vấn về nâng cao hiệu quả tín dụng, xử lý nợ xấu của đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu), Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong chỉ đạo điều hành, Ngân hàng Nhà nước cũng luôn chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải thực hiện nghiêm các quy định, đồng thời trích lập dự phòng rủi ro để chủ động trong trường hợp nợ xấu. Thời gian qua, khi doanh nghiệp gặp khó khăn, hệ thống ngân hàng cũng đã thực hiện tái cơ cấu các khoản nợ và cho phép giữ nguyên khoản nhóm nợ cho các doanh nghiệp để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp tục được vay. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng đã yêu cầu các tổ chức tín dụng phải chủ động có trích lập dự phòng trong 3 năm.

Về chất vấn của đại biểu Vương Thị Hương (Đoàn Hà Giang) về tình trạng các tổ chức tín dụng báo cáo nợ xấu không đúng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quy định pháp lý về phân loại các nhóm nợ và khi nào thì chuyển thành nợ xấu. Đối với các tổ chức tín dụng phân loại nợ sai hoặc báo cáo không đúng với tình trạng của phần nợ, qua thanh tra phát hiện sẽ xử lý. Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng có hệ thống thông tin tín dụng - là một công cụ rất tốt để các tổ chức tín dụng có thể kiểm tra xem khách hàng có khoản nợ tổ chức tín dụng khác hay không, trên cơ sở đó phân loại nợ chính xác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiểm soát rủi ro về tín dụng bất động sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.