(HNM) - Hằng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng có không ít tin, ảnh, bài phàn nàn, thậm chí bức xúc về sự sa sút, xuống cấp trong lối sống, văn hóa ứng xử của người Hà Nội. Bình tĩnh nhìn nhận, không thiếu bài báo nói quá, nói vống, suy diễn và đưa ra những nhận xét mang tính chủ quan. Tuy nhiên, nhiều vấn đề văn hóa ở Thủ đô mà giới truyền thông đề cập là có thật.
Đi quanh Hồ Gươm, khu vực có khá nhiều di tích lịch sử, văn hóa, dễ dàng nhìn thấy những dòng chữ, hình vẽ bằng bút dạ, bút phủ lên tường ngoài và cả bên trong tháp Hòa Phong, tháp duy nhất còn lại của di tích chùa Báo Ân được xây dựng năm 1843. Cách đó không xa là di tích văn hóa đền Ngọc Sơn, nơi thờ Trần Hưng Đạo, một vị tướng tài trong lịch sử Việt Nam và Văn Xương (nôm na là thờ sự học của người Việt), đồng thời cũng là danh lam bậc nhất của Thủ đô được Phương đình Nguyễn Văn Siêu hưng công trùng tu vào năm 1865, dù có nhân viên giữ an ninh trật tự nhưng ngay dưới chân Tháp Bút thậm chí cả trên thành cầu Thê Húc (cây cầu đẹp về kiến trúc vì mô phỏng những cọc nhọn trên sông Bạch Đằng khi Ngô Quyền đánh quân Nam Hán) cũng có những dòng chữ bôi bẩn trên đó.
Theo thống kê, Hà Nội có hơn 100 di tích lịch sử, di tích văn hóa, nghệ thuật được xếp hạng các cấp và không thiếu trong số đó bị vẽ và viết bẩn gây mất mỹ quan, làm ảnh hưởng đến giá trị di tích. Hà Nội cũng là nơi tập trung nhiều đình, đền, chùa, miếu nhất nước, trong đó nhiều công trình có giá trị về kiến trúc. Theo thời gian, nhiều công trình xuống cấp gây nguy cơ sập đổ cần được trùng tu. Và khi trùng tu, có công trình đã làm sai kiến trúc ban đầu, đưa vào đó những kiến trúc lai tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Thăng Long - Hà Nội là đất nghìn năm văn hiến vì bản thân nó chứa đựng rất nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc được trao truyền cho đến ngày nay. Văn hóa ở Hà Nội không chỉ đại diện cho người Việt Nam để chứng minh những nét thuần Việt mà còn cho thấy tinh thần tự chủ, tự tôn dân tộc của người xưa đối với văn hóa Đại Việt như thế nào. Do vậy, đối với Hà Nội, giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên đây là vấn đề hết sức khó khăn. Còn nhớ cách đây mấy năm, một đơn vị đã đứng ra tổ chức đêm nhạc cho một ca sĩ hải ngoại tại Hà Nội, không những treo vượt quá số băng rôn ngành văn hóa Hà Nội quy định mà họ còn ngang nhiên treo tại những vị trí gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, những vị trí làm mất mỹ quan thành phố. Họ bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính nhưng mức phạt quá thấp, chỉ tương đương 2 vé vào cửa nên khi chuyển sang địa điểm biểu diễn khác, họ lại tiếp tục vi phạm. Dù Nghị định 158/2013/NĐ-CP đã nâng mức phạt cao hơn, song vẫn còn thấp, ví dụ điều 23 quy định mức xử phạt "hành vi viết, vẽ làm bẩn di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, công trình văn hóa, nghệ thuật" chỉ bị phạt từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng. Tại điều 15, mức xử phạt với các hành vi "bói toán, lên đồng, xóc thẻ…" cũng chỉ từ 3 đến 5 triệu đồng, một số tiền quá nhỏ đối với những người hành nghề này.
Tất nhiên, mức xử phạt thấp không đủ sức răn đe chỉ là một trong nhiều nguyên nhân gây ra các hành vi vi phạm văn hóa nhưng nó lại là nguyên nhân quan trọng. Tại kỳ họp thứ 10 HĐND TP Hà Nội khóa XIV vừa kết thúc, đã ra nghị quyết "Quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa" với mức phạt cao gấp đôi so với Nghị định 158/2013/NĐ-CP. Nếu cơ quan chức năng thực hiện nghiêm túc nghị định của HĐND thì văn hóa Hà Nội sẽ có bước chuyển biến tích cực vì phạt nặng cũng là một cách giáo dục tốt nhất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.