Xã hội

Ứng xử trên mạng xã hội: Làm gì khi thế giới đã phẳng và chật như “ao làng”?

Ngọc Thủy - Việt Nga 25/09/2024 - 12:23

Theo thống kê mới nhất của WorldMetrics và Lotus Behavioral, đến tháng 4 năm 2024, số lượng người dùng mạng xã hội trên thế giới đã tăng lên 5,07 tỷ người.

Tại Việt Nam, thời điểm đầu năm 2024, có đến 78,44 triệu người dùng internet (chiếm 79,1% dân số); 73,3% dân số sử dụng mạng xã hội; 92,7% tổng số người dùng internet tại Việt Nam đã sử dụng ít nhất một nền tảng truyền thông xã hội... Có kết nối internet và mạng xã hội thì thế giới rộng lớn như thế nào cũng chỉ như chiếc “ao làng”. Chúng ta cần ứng xử ra sao để tận dụng được những tác động tích cực cũng như phòng ngừa, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực trên không gian “ảo” nhưng lại rất “thực” này?

Bài 1: Những cạm bẫy ẩn giấu

Nếu như trước đây, các vấn đề xã hội được phát hiện, dẫn dắt qua báo chí là chủ yếu, thì nay, mạng xã hội đang dần chiếm lĩnh, khẳng định vị trí này. Thực tế cũng cho thấy, trong nhiều trường hợp, mạng xã hội có tác động rất lớn trong việc tạo dựng, định hướng và dẫn dắt dư luận xã hội, đặc biệt tại một số thời điểm nhạy cảm, trong một số vụ việc mất an ninh trật tự. Cùng với những tác động tích cực, mạng xã hội ngày càng ẩn giấu nhiều cạm bẫy mà không phải ai cũng nhận thức được…

anh-2-2-.jpg
Sử dụng mạng xã hội là nhu cầu không thể thiếu của nhiều người. Ảnh: Đ.N

“Việc đầu tiên khi thức dậy là lướt Facebook”

Đây là hành vi quen thuộc của rất nhiều người, đặc biệt là những người trẻ. Theo thống kê từ Google, tính đến tháng 6-2023, có đến gần 45% người dùng internet từ 18-34 tuổi kiểm tra tài khoản mạng xã hội của họ ngay sau khi thức dậy, con số này vẫn đang tăng rất nhanh. Hiện không chỉ có Facebook phổ biến, mạng xã hội còn là các nền tảng và các ứng dụng trực tuyến mà người dùng có thể sử dụng để kết nối với nhau qua internet, có thể kể đến như Instagram, Twitter, Telegram, TikTok, LinkedIn, WhatsApp, WeChat, Zalo…

Mỗi sáng thức dậy, thay vì bật tivi, mở đài, cầm tờ báo, hay vào các trang báo mạng điện tử để xem tin tức, rất nhiều người lại bắt đầu ngày mới bằng những dòng thông tin trên các trang mạng xã hội. Nhiều người làm điều này bất cứ thời điểm nào trong ngày, bất cứ hoàn cảnh nào khi trên tay họ có thiết bị kết nối internet. Đây cũng là tên gọi của một hội chứng có tên là FOMO (Fear of missing out) - nỗi sợ bỏ lỡ, là một hiệu ứng tâm lý khiến bạn có cảm giác sợ hãi nếu bạn bỏ lỡ những điều thú vị và hay ho trong cuộc sống, khi mà người khác được trải nghiệm, còn bạn thì không.

Tâm lý này thôi thúc bạn phải liên tục cập nhật và bám sát mọi xu hướng, mọi trào lưu của xã hội và xem bạn bè đang làm gì. Đó chính là lý do vì sao bạn kiểm tra điện thoại và truy cập mạng xã hội liên tục. Trong cuốn Tâm lý học nói gì về truyền thông xã hội, tác giả Ciaran Mc Mahon cho rằng, chủ yếu những người trẻ mới có trải nghiệm FOMO. Nếu người dùng thấy thiếu độc lập, thiếu gần gũi với người khác và thiếu khả năng tổng quát, họ sẽ có nguy cơ vướng vào FOMO. Hội chứng này là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nghiện mạng xã hội của không ít người trẻ hiện nay.

Chưa có một định nghĩa đầy đủ nào về khái niệm “nghiện mạng xã hội”. Tuy nhiên, theo Thạc sỹ, bác sỹ Trương Anh Khoa – Khoa Nội tổng quát – Phòng khám Careplus Clinic Việt Nam, các dấu hiệu rõ rệt của một người mắc chứng nghiện này là dành quá nhiều thời gian trên mạng xã hội, sử dụng mạng xã hội trong cả các tình huống rủi ro hoặc nguy hiểm như khi đang lái xe, cảm xúc không ổn định, cảm thấy kích động, lo lắng, căng thẳng hoặc rối loạn hành vi khi không được sử dụng mạng xã hội, thói quen tính cách thay đổi, cảm thấy tự ti, kém cỏi hoặc ái kỷ; giảm tương tác với thế giới thực bên ngoài, cảm thấy thoải mái khi ở trong thế giới ảo, bị ám ảnh với hình ảnh của mình trên mạng xã hội…

Song song với tình trạng “nghiện” này là sự hình thành một số hội chứng, trào lưu tiêu cực như bắt nạt trên mạng, “anh hùng bàn phím”, nguy hiểm hơn là trào lưu tự làm tổn thương cơ thể mình hoặc dẫn đến tự sát từ việc tham gia các trò chơi trực tuyến như Thử thách Momo, Thử thách Cá voi xanh…

Cụ thể hóa những mặt trái của mạng xã hội tại Việt Nam, theo khảo sát của chương trình Nghiên cứu internet và xã hội (VPIS), các trường hợp phát ngôn gây thù ghét dẫn đến có những lối ứng xử vô văn hóa của người sử dụng mạng xã hội thể hiện tập trung ở những hành vi: Nói xấu, phỉ báng (61,7%); vu khống, bịa đặt thông tin (46,6%); kỳ thị dân tộc (37,01%); kỳ thị giới tính (29,03%); kỳ thị khuyết tật (21,76%); kỳ thị tôn giáo (15,09%). Đặc biệt, mạng xã hội đã và đang trở thành công cụ hàng đầu để các thế lực thù địch lợi dụng phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, chuyển hóa chính trị, khủng bố. Môi trường này cũng đang tồn tại rất nhiều những hội cuồng tín, phản động, tội phạm… sử dụng mạng xã hội để phục vụ cho mục đích xấu, như bôi xấu hình ảnh của cá nhân, tổ chức hoặc can thiệp công việc nội bộ của quốc gia….

Ngoài ra, một hệ lụy khác của mạng xã hội cũng gây đau đầu cho nhà trường và nhiều bậc cha mẹ. Theo kết quả nghiên cứu mới đây của Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ học sinh THCS và THPT bị bắt nạt trực tuyến là 36,5%. Kết quả phân tích dữ liệu cho thấy, học sinh bị bắt nạt nhiều nhất là trên mạng xã hội Facebook, tiếp đến là các ứng dụng nhắn tin như Zalo, Viber; các trang chia sẻ hình ảnh, video clip qua YouTube, Instagram. Các hành vi bắt nạt trực tuyến là gửi bình luận đe dọa, gây tổn thương thông qua email hoặc tin nhắn…

Bên trong một địa điểm internet công cộng tại Hà Nội. Ảnh: Đ.N
Bên trong một địa điểm internet công cộng tại Hà Nội. Ảnh: Đ.N

“Mạng xã hội như chiếc bể bơi vô cực…”

Sức hấp dẫn không giới hạn của mạng xã hội được nhiều người ví như bể bơi vô cực, tưởng đơn giản, dễ kiểm soát nhưng hoàn toàn có thể nhấn chìm những người chủ quan, không có kỹ năng đối phó.

Như đối với chứng nghiện internet, nghiện mạng xã hội, hậu quả là nhãn tiền. Theo PGS.TS Đinh Hồng Hải, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, cái mà chúng ta gọi là nghiện internet ở đây chính là đời sống ảo, nó giúp nhiều người thăng hoa trong thế giới ảo nhưng lại hủy hoại về thể chất, tinh thần của họ trong đời sống thực. Điều này vô cùng nguy hiểm.

Cũng theo các chuyên gia, việc sử dụng mạng xã hội quá mức có thể dẫn đến một loạt các vấn đề sức khỏe và rối loạn tâm lý. Cảm giác căng thẳng và lo lắng thường xuất hiện do áp lực so sánh bản thân với người khác trên mạng xã hội. Ngồi quá lâu trước màn hình điện thoại hoặc máy tính có thể gây đau cơ và các vấn đề về thị lực, giấc ngủ. Việc thiếu vận động này có thể dẫn đến béo phì và các vấn đề liên quan đến cơ bắp, xương khớp, như hội chứng ống cổ tay. Nghiện mạng xã hội cũng có thể gây ra rối loạn sinh hoạt và dinh dưỡng do thay đổi thói quen ăn uống, dẫn đến suy nhược cơ thể.

Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe cá nhân, nghiện mạng xã hội còn có thể gây ra những vấn đề trong quan hệ xã hội. Mất đi sự tập trung và thời gian dành cho mối quan hệ cá nhân, gia đình có thể dẫn đến mất gắn kết và tương tác xã hội trực tiếp, từ đó làm tăng nguy cơ phát triển các vấn đề tâm thần như trầm cảm và rối loạn lo âu.

Là đối tượng nhạy cảm vì chưa biết kiểm soát cảm xúc và hình ảnh của mình trên mạng xã hội, lứa tuổi học sinh thường phải đối diện với những hậu quả nghiêm trọng hơn về thể chất cũng như tinh thần. Ngoài việc nghiện game, nghiện mạng xã hội đến quên ăn, quên ngủ, sao nhãng học hành, ảnh hưởng sức khoẻ thể chất, việc bị bắt nạt trên mạng cũng gây tổn thương tâm lý nặng nề. Với mối quan hệ xã hội, các em sẽ sợ hãi, ngại gặp các bạn, thầy cô. Có trường hợp bị ghép ảnh nhạy cảm sẽ không dám gặp ai, học tập bị ảnh hưởng, luôn có cảm xúc lo lắng, sợ hãi, ảnh hưởng đến cuộc sống thật. Thậm chí, có những trường hợp không chịu được áp lực đã tìm đến những giải pháp tiêu cực như rạch tay, tự tử…

Cho dù đã có một vài giải pháp nhằm định danh trên mạng xã hội, nhưng môi trường “ảo” này vẫn mang đến sự tự do ngôn luận thái quá, dẫn đến sự xuất hiện của những “anh hùng bàn phím”. Người ta thoải mái chê bai, thậm chí là sỉ nhục danh dự cá nhân, tổ chức mà không chịu sự kiểm soát, can thiệp kịp thời. Trong khi đó, các thông tin cá nhân cũng dễ dàng bị công bố mà không cần quan tâm tới bản quyền hay ý kiến của chủ nhân. Việc bị ăn cắp thông tin cá nhân là mối nguy hiểm thực sự qua hình thức phát tán thông tin không hạn chế trên mạng xã hội.

Khá nhiều vụ tự tử xảy ra do bị lừa đảo hoặc lôi kéo trên mạng. Những trào lưu sống không lành mạnh cũng từ đó mà lây lan rất nhanh. Chắc hẳn khi nhắc đến trò chơi Thử thách Cá voi xanh cách đây mấy năm gieo rắc kinh hoàng cho nhiều gia đình học sinh ở Nga, châu Âu, châu Mỹ…, nhiều người vẫn chưa quên. Cấp độ cao nhất của trò chơi này dành cho người chiến thắng là "tự sát". Hơn 100 thanh niên ở Nga đã tự kết liễu cuộc đời mình khi tham gia trò chơi quái ác này.

Thực trạng trên khiến nhiều người, tổ chức đã nhận thức được những nguy hiểm ẩn giấu từ các trang mạng xã hội. Tại Việt Nam, chúng ta đã từng bước khắc phục tình trạng này một cách hiệu quả...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ứng xử trên mạng xã hội: Làm gì khi thế giới đã phẳng và chật như “ao làng”?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.