Đô thị

Duy trì bản sắc làng trong đô thị Hà Nội: Cần cách thức ứng xử phù hợp

Bảo Hân 05/11/2024 06:26

Không gian đô thị Hà Nội đang đan xen tồn tại kiến trúc làng truyền thống, là dấu ấn của làng xã giữa phố phường.

Tuy nhiên, tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ đã chuyển đổi nhanh chóng các làng thành khu dân cư đô thị, tạo ra nhiều thách thức đối với việc quản lý và duy trì bản sắc văn hóa, đồng thời bảo đảm sự phát triển bền vững của các làng.

cong-lang-dai-tu-quan-hoang-mai-.-anh-nguyen-quang.jpg
Cổng làng Đại Từ (quận Hoàng Mai). Ảnh: Nguyễn Quang

Sự biến đổi của “miếng ghép” làng

Tiến sĩ, kiến trúc sư Vũ Hoài Đức (Trường Khoa học liên ngành và nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, làng xã nông thôn ở Hà Nội đã tồn tại hàng nghìn năm, với mạng lưới chợ phong phú, cho thấy sự hòa trộn giữa đô thị và nông thôn. Tuy nhiên, làng xã truyền thống trong khu vực nội đô đang dần bị biến dạng dưới tác động của đô thị hóa, với kiến trúc làng cổ dần bị che khuất bởi kiến trúc hiện đại. Quá trình đô thị hóa cũng đã tạo ra sự pha trộn giữa nông thôn và đô thị, ảnh hưởng đến lối sống của người dân.

Một số công trình kiến trúc truyền thống còn lại như đình, chùa, đền, miếu... ẩn trong các ô phố bàn cờ, xen kẽ với kiến trúc thời thuộc địa. Các thôn làng, như: Hàm Khánh, Tây Long, Nhân Chiểu... đã biến mất, nhưng một số xóm nhỏ như Hạ Hồi, Hội Vũ, Nam Ngư... với cấu trúc đất nhỏ vẫn tồn tại bên cạnh các biệt thự và công trình lớn, là vết tích của làng quê Hà Nội cũ. Nhiều công trình nhà phố, như ở Hàng Khay, có mặt tiền song song với phố nhưng không theo dạng lô đất vuông vắn, phản ánh hình thái nhà ở làng xóm xưa.

Tiếp đó, quá trình đô thị hóa mạnh mẽ đã biến đổi hoàn toàn làng xã trong nội đô Hà Nội. Hàng trăm người làng đã trở thành khu dân cư nửa nông thôn, nửa đô thị với sự lộn xộn về cảnh quan, sự biến dạng trong kiến trúc nhà ở, sự xuống cấp của hạ tầng. Nhiều làng xóm ven đô ở các quận, như: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Hoàng Mai... đã và đang trải qua sự thay đổi nhanh chóng, dẫn đến nguy cơ mất đi giá trị truyền thống và hình thành môi trường cư trú thiếu bền vững. Thậm chí, làng ven đô lại trở thành không gian có sức nén lớn hơn cả khu đô thị cũ cũng như khu đô thị mới. Nếu không được kiểm soát, tình trạng này sẽ gây ra nhiều vấn đề xã hội phức tạp, như tắc nghẽn giao thông, thiếu nước sạch…

“Mặc dù các di sản như đình, chùa đã được bảo tồn, nhưng nhiều giá trị khác như cổng làng, ao, giếng, cây xanh vẫn chưa được đánh giá đúng mức. Có nhiều giá trị mới hình thành hoặc kế thừa. Tuy nhiên, giá trị di sản về cấu trúc tổng thể, sinh thái, sinh thái nhân văn của làng đã bị suy giảm, chưa có sự nhận diện đúng, khiến tính bền vững của làng truyền thống bị giảm sút”, Tiến sĩ, kiến trúc sư Vũ Hoài Đức nêu quan điểm.

Xây dựng giải pháp tổng thể

Để quản lý phát triển làng đô thị cần phân loại làng nội đô để có cách thức ứng xử phù hợp với bối cảnh. Từ quan điểm nêu trên, các kiến trúc sư Hoàng Thị Thanh Thúy, Đỗ Thị Hương Lan (Đại học Quốc gia Hà Nội) nêu cách phân chia tạm thời gồm 2 loại: Làng nội đô đã đô thị hóa đậm đặc cả trong nội tại và xung quanh, là những làng chủ yếu nằm trong Vành đai 3 và làng nội đô đang trong tiến trình đô thị hóa, chủ yếu nằm ở khu vực dự kiến phát triển đô thị ngoài Vành đai 3.

Với cả hai loại làng nội đô nêu trên, việc lập đồ án quy hoạch chi tiết đều cần được triển khai để phục vụ công tác quản lý phát triển. Tuy nhiên, cách tiếp cận có sự khác nhau trong những điểm chung.

Theo gợi ý của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hùng Cường, nguyên Phó Hiệu trưởng Đại học Xây dựng Hà Nội, với làng nội đô đã đô thị hóa đậm đặc, mục tiêu của quy hoạch hướng đến việc giảm mật độ, tăng cường hạ tầng kỹ thuật nội tại, đồng thời chú trọng kết nối với hạ tầng chung của thành phố. Với làng nội đô đang đô thị hóa, mục tiêu của quy hoạch hướng đến bảo tồn và phát triển hạ tầng xanh chuẩn bị cho sự liên kết nhuần nhuyễn với hệ thống không gian đô thị mới kề cận. Cùng với đó là giải quyết việc chuyển đổi nghề nghiệp cho dân cư làng xóm.

“Để tạo sự phát triển bền vững cho làng xóm trong quá trình đô thị hóa, khắc phục các nhược điểm như đã thấy trong giai đoạn vừa qua, có thể thực hiện một số giải pháp như tạo khoảng không gian mở xung quanh làng là vùng đệm để phát triển các công trình dịch vụ công cộng. Ngoài ra, cần xây dựng hệ thống đường bao kết nối với các đường cụt ngõ xóm và hạ tầng đô thị; bố trí đất phát triển các dịch vụ công cộng thương mại theo xu thế của khu vực dân cư đô thị và bảo vệ các không gian công cộng truyền thống như không gian đình, chùa, ao làng, giếng làng”, Tiến sĩ, kiến trúc sư Vũ Hoài Đức nêu một số giải pháp.

Các chuyên gia cùng chia sẻ quan điểm, việc bảo tồn các di sản văn hóa của làng truyền thống diễn ra trong bối cảnh xã hội có sự chuyển biến nhanh, dòng chuyển cư mạnh mẽ làm phá vỡ cấu trúc tổ chức dân cư vốn có, đòi hỏi các cấp, ban, ngành phải có giải pháp tổng thể. Do đó, Hà Nội cần xây dựng một mô thức ứng xử chung để bảo tồn và phát triển bền vững các giá trị làng xóm trong khu vực nội đô, vừa khoa học vừa thích ứng với hiện đại, lại vừa giữ gìn được bản sắc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Duy trì bản sắc làng trong đô thị Hà Nội: Cần cách thức ứng xử phù hợp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.