Theo dõi Báo Hànộimới trên

''Phát huy giá trị các kỷ vật, giữ mãi ngọn lửa cách mạng cho mai sau''

Vân Hạ| 16/08/2020 05:47

(HNMCT) - Khi chiến tranh đã lùi xa, thư và nhật ký chiến trường trở thành kỷ vật, thành tài sản quốc gia cần được lưu giữ, bảo quản. Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với Thượng tá Lê Vũ Huy, Phụ trách Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam về những kỷ vật đặc biệt này trong thời bình.

Thượng tá Lê Vũ Huy, Phụ trách Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.

- Cách đây hai năm, triển lãm chuyên đề Thư, Nhật ký thời chiến do Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam  (LSQSVN) tổ chức đã thu hút sự quan tâm của công chúng. Ông có thể chia sẻ “đường đi” của các lá thư, nhật ký thời chiến đến với cuộc triển lãm này?

- Bảo tàng LSQSVN thành lập ngày 17-7-1959. Đến nay, bảo tàng đã sưu tầm được hơn 150 nghìn hiện vật phản ánh lịch sử quân sự Việt Nam, nhất là về hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Trong số đó có hàng trăm bức thư, sổ ghi chép, sổ nhật ký của cán bộ, chiến sĩ được viết trong chiến tranh.

Năm 2018, Bảo tàng LSQSVN tổ chức triển lãm chuyên đề Thư, Nhật ký thời chiến trưng bày gần 250 hình ảnh, hiện vật, trong đó có 140 lá thư và nhật ký. Đây là những hiện vật có giá trị rất đặc biệt, đã được cán bộ Bảo tàng LSQSVN sưu tầm ở khắp mọi miền đất nước, bằng nhiều con đường khác nhau; phần lớn trong số đó được sưu tầm trực tiếp từ các cựu chiến binh hoặc thân nhân liệt sĩ. Cũng có hiện vật được sưu tầm qua các cuộc vận động hiến tặng hiện vật cho bảo tàng, nhưng cũng có nhiều hiện vật trở về từ bên kia chiến tuyến thông qua con đường ngoại giao, như cuốn nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Văn Nam (quê ở xã Minh Nghĩa, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa); cuốn nhật ký của nữ quân y Hồng Thắm quê ở xã Long Phước, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa (nay là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

- Tác giả của các cuốn nhật ký đến từ nhiều vùng miền, thuộc nhiều ngành nghề nên lối viết cũng khác nhau. Ông có thể giới thiệu một số cuốn nhật ký để lại nhiều ấn tượng nhất?

- Nhật ký chiến trường là tài sản tinh thần vô giá trong hành trang của người lính trên đường đi chiến đấu. Người viết nhật ký là cán bộ, chiến sĩ thuộc nhiều ngành nghề khác nhau trước khi nhập ngũ nên mỗi cuốn nhật ký là một câu chuyện với nhiều cách viết khác nhau, như nhật ký theo ngày, nhật ký viết theo sự kiện, nhật ký chiến đấu... Nhật ký chiến trường rất đa dạng về hình thức thể hiện. Phổ biến nhất là nhật ký viết bằng văn xuôi, thể hiện tâm tư, tình cảm của người chiến sĩ về tình yêu quê hương đất nước, tình yêu lứa đôi, quyết tâm chiến đấu giải phóng quê hương. Nhưng cũng có nhật ký bằng tranh ký họa, có cuốn nhật ký được thể hiện hoàn toàn qua những bài thơ, đặc biệt có cuốn nhật ký được thêu bằng vải của các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, giam cầm.

Một trong những nhật ký để lại nhiều ấn tượng là cuốn nhật ký bằng tranh của họa sĩ, chiến sĩ Lê Đức Tuấn. Cuốn nhật ký gồm 112 bức tranh ký họa được đồng chí Lê Đức Tuấn, vốn là sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, vẽ dọc đường hành quân vào chiến trường miền Nam từ năm 1967 - 1968. Mỗi làng quê anh đi qua, hình ảnh người lính trong huấn luyện, hành quân, chiến đấu được thể hiện qua nét bút sống động, tài hoa.

Năm 1968, trong trận chiến đấu tại Kon Tum, ba lô của Lê Đức Tuấn, trong đó có cuốn ký họa, rơi vào tay quân nhân Mỹ Robert B.Simpson. Thiếu tá Robert B.Simpson đã lấy 3 bức tranh đẹp nhất gửi về cho vợ ở Mỹ, còn lại 109 bức ông đem tặng tướng Wiliam R Peers như một chiến lợi phẩm chiến tranh. Năm 2009, cuốn ký họa được bà Hicks - con gái của tướng Wiliam R Peers trao trả cho Bộ Quốc phòng Việt Nam. Biết tin, ông Robert B.Simpson đã tìm lại và gửi 3 bức tranh mà ông đã gửi cho vợ, nhờ ngài Đại sứ Mỹ tại Việt Nam trao trả họa sĩ Lê Đức Tuấn. Qua bao nhiêu năm lưu lạc trên đất khách, cuốn nhật ký đã có hành trình trở về thật kỳ diệu, vẹn nguyên, rực cháy như chính tâm hồn của người chiến sĩ.

- Rất nhiều cuốn nhật ký của liệt sĩ, các cựu chiến binh khi được xuất bản đã tạo nên tiếng vang lớn, song cho đến nay cũng còn nhiều nhật ký chưa được công bố. Với nguồn tư liệu của mình, Bảo tàng LSQSVN có hướng phối hợp xuất bản để giới thiệu với bạn đọc?

- Với Bảo tàng LSQSVN, thư, nhật ký thời chiến là nguồn tư liệu quý. Hiện bảo tàng đang từng bước tư liệu hóa khối di sản này để giới thiệu đến công chúng. Năm 2010, bảo tàng đã phối hợp với Báo Tiền phong, Nhà xuất bản Thanh niên xuất bản cuốn Nhật ký bằng tranh của họa sĩ Lê Đức Tuấn - Trở về từ phía bên kia, một trong những ấn phẩm thuộc Tủ sách Tiếp lửa truyền thống - Mãi mãi tuổi 20. Trong thời gian tới bảo tàng sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan xuất bản để giới thiệu, tuyên truyền sâu rộng về những kỷ vật vô giá này.

Ngoài thư, nhật ký thời chiến, Bảo tàng LSQSVN đang lưu giữ hơn 15 vạn hiện vật và đã có nhiều hoạt động để phát huy giá trị của những di sản văn hóa quân sự này, như trưng bày, tuyên truyền giới thiệu kỷ vật kháng chiến trên các phương tiện truyền thông, in ấn xuất bản phẩm. Một trong các ấn phẩm thu hút nhiều độc giả, nhất là thế hệ trẻ trong quân đội là bộ sách Những kỷ vật kháng chiến, đến nay đã xuất bản đến tập 11.

Bộ sách Những kỷ vật kháng chiến là tập hợp những bài viết về hình ảnh, hiện vật, trong đó có thư, nhật ký gắn liền với cuộc đời hoạt động, chiến đấu của các tướng lĩnh, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và các cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng... đang được lưu giữ và trưng bày trong hệ thông bảo tàng Quân đội. Thông qua những câu chuyện xúc động gắn liền với mỗi kỷ vật, cuốn sách góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cách mạng, ý chí tự lực tự cường, khát vọng hòa bình của dân tộc, lòng biết ơn sâu sắc đối với các thế hệ đã hy sinh xương máu vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ hôm nay.  

- Qua thời gian, lưu giữ và bảo quản kỷ vật kháng chiến không phải là việc dễ dàng, nhất là với các trang thư, nhật ký. Ông có lời khuyên gì đối với các gia đình hiện đang lưu giữ kỷ vật chiến trường của người thân?

- Hiện nay, nguồn hiện vật được thân nhân các Anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong... lưu giữ vẫn còn nhiều. Đó là kỷ vật của một thời khói lửa, là một phần máu thịt của những người thân yêu nhất đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc mà mỗi gia đình đều cố gắng giữ gìn.

Tuy nhiên, thư, nhật ký cũng như nhiều kỷ vật kháng chiến khác nếu không được bảo quản khoa học, đúng quy trình thì rất dễ bị hư hỏng do tác động của ánh sáng, nhiệt độ, ẩm mốc, côn trùng... Thiết nghĩ, những kỷ vật kháng chiến không đơn thuần là kỷ vật riêng tư, mà đã trở thành tài sản quý báu của quốc gia. Đó là ký ức thiêng liêng về những thế hệ đã chiến đấu anh dũng, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, là một phần của lịch sử dân tộc Việt Nam. Bảo tàng LSQSVN mong muốn những kỷ vật vô giá ấy sẽ được trao cho bảo tàng để gìn giữ, bảo quản lâu dài nhằm phát huy tốt nhất giá trị các kỷ vật, qua đó giữ mãi ngọn lửa cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
''Phát huy giá trị các kỷ vật, giữ mãi ngọn lửa cách mạng cho mai sau''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.