Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều điểm đặc biệt trong cuốn “Nhật ký trong tù” do Quách Tấn phỏng dịch

An Nhi| 18/05/2023 12:18

(HNMO) - Nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2023) và tròn 80 năm kể từ khi Bác Hồ viết tác phẩm “Ngục trung nhật ký” (1943-2023), sáng 18-5, tại Hà Nội, Trung tâm Sách quốc gia (Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật) tổ chức tọa đàm ra mắt cuốn sách “Nhật ký trong tù” bản phỏng dịch của nhà thơ Quách Tấn.

Các diễn giả chia sẻ về cuốn sách "Nhật ký trong tù" bản phỏng dịch của nhà thơ Quách Tấn.

Các diễn giả là nhà sử học, nhà nghiên cứu Hán học đã chia sẻ với bạn đọc về sự ra đời của tác phẩm “Nhật ký trong tù”, những bản dịch tập thơ này và nhiều câu chuyện xúc động về nguyên do thi sĩ Quách Tấn dịch “Nhật ký trong tù”, về “hành trình” để bản dịch đến với độc giả hôm nay.

Theo các diễn giả, tác phẩm “Nhật ký trong tù” là tập thơ gồm 133 bài, viết bằng chữ Hán, ra đời trong một hoàn cảnh đặc biệt. Tháng 8-1942, Nguyễn Ái Quốc lấy tên Hồ Chí Minh với danh nghĩa là đại biểu của Việt Nam độc lập đồng minh và Phân bộ quốc tế phản xâm lược của Việt Nam sang Trung Quốc công tác. Khi đến Túc Vinh, Quảng Tây, Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam vô cớ. Trong những tháng ngày đó (tháng 8-1942 đến tháng 9-1943), Người đã sáng tác tập thơ “Ngục trung nhật ký” (Nhật ký trong tù).

Cuốn "Nhật ký trong tù" bản phỏng dịch của nhà thơ Quách Tấn.

Mỗi bài thơ trong tập nhật ký là tiếng lòng của tác giả, khắc họa sâu sắc tâm hồn, những suy nghĩ, tình cảm của Bác trong thời gian bị giam cầm nơi đất khách. Đó là lòng yêu nước thiết tha, luôn đau đáu hướng về Tổ quốc, mong được trở về hòa mình vào cuộc chiến đấu của đồng chí, đồng bào.

Toàn bộ tập thơ toát lên tinh thần lạc quan cách mạng, niềm tin vào ngày mai tươi sáng, ý chí kiên cường, bền bỉ, lòng quyết tâm sắt đá của Người. Tác phẩm đã trở thành bảo vật quốc gia được bạn bè quốc tế ngợi ca và đã dịch ra nhiều ngôn ngữ trên thế giới. 

PGS.TS Lê Văn Toan, nhà nghiên cứu Hán học cho biết, Bác viết “Nhật ký trong tù” bằng chữ Hán bởi Người đã học chữ Hán từ nhỏ. Sau này, Người có nhiều năm hoạt động tại Trung Quốc và thường sử dụng chữ Hán. 

Độc giả trao đổi về các ấn phẩm độc đáo này.

Theo PGS.TS Lê Văn Toan, bản phỏng dịch của nhà thơ Quách Tấn do Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành là một trong những bản dịch đặc biệt bên cạnh bản dịch quen thuộc của Nam Trân và các bậc túc nho khác. Những trang thơ được dịch và thể hiện theo lối mới lạ, độc đáo trong ấn bản lần này cho độc giả hiểu và trân trọng tài năng dịch thuật, đặc biệt là về tình cảm của thi sĩ Quách Tấn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Một trong những điểm đặc biệt của bản dịch này là việc nhà thơ Quách Tấn đã phá cách, chuyển một số bài của “Nhật ký trong tù” sang những thể thơ truyền thống khác của Việt Nam như thể thơ lục bát. Chính vì thế, ông đã khiêm tốn đề là “phỏng dịch”.

Trong ấn bản này, bạn đọc còn được thưởng thức những bài thơ của Bác với phần chép tay chữ Hán của nhà thư pháp Trần Thúc Lâm và phần chép tay chữ Quốc ngữ của chính nhà thơ Quách Tấn.

Nhà thơ Quách Tấn (1910-1992) sinh ra tại tỉnh Bình Định, nhưng cuộc đời và sự nghiệp của ông gắn bó với mảnh đất Nha Trang (Khánh Hòa). Ông bắt đầu làm thơ, viết văn, viết câu đối từ rất sớm. Sau năm 1930, ông thực sự bước vào văn đàn, đồng hành cùng phong trào Thơ mới. Ông chuyên chú làm thơ Đường luật, dịch thơ chữ Hán, viết thi thoại và thi pháp, viết truyện danh nhân, viết địa phương chí, hồi ký... Các tác phẩm của ông thể hiện tình yêu, lòng tự hào về quê hương, đất nước sâu đậm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều điểm đặc biệt trong cuốn “Nhật ký trong tù” do Quách Tấn phỏng dịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.