(HNM) - Chiều 20-2, Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2020 đã họp bàn đánh giá công tác và triển khai các giải pháp trong giai đoạn tới. Hiện nay, trên cơ sở của Nghị quyết 80/NQ-CP, các chính sách giảm nghèo vẫn tiếp tục được bố trí kinh phí để thực hiện như:
Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền, Quỹ xóa đói giảm nghèo của Việt Nam giai đoạn 2011-2013 đã đạt mức 120 nghìn tỷ đồng/năm (khoảng 5,5 tỷ USD/năm). Đây là một số tiền không nhỏ, tương đương với 2/3 số thu ngân sách nhà nước trong năm 2013 của toàn thành phố Hà Nội - một trong hai đầu tàu kinh tế của cả nước. Làm một phép so sánh khác: Vào thời điểm năm 2003, tổng chi phí xây dựng Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình là khoảng 52 triệu USD. Tính cả trượt giá, giai đoạn 2011-2013, số tiền dành cho việc xóa đói, giảm nghèo của nước ta hằng năm tương đương kinh phí chi cho việc xây dựng khoảng 100 sân vận động với quy mô như vậy hoặc đủ để xây dựng hệ thống đường sắt metro ở TP Hồ Chí Minh (dự kiến tổng chi phí khoảng hơn 5 tỷ USD). Và cũng nhờ đó, công tác xóa đói, giảm nghèo của chúng ta đạt được nhiều thành tựu, được Liên hợp quốc đánh giá là một trong những quốc gia có tiến bộ vượt bậc trong thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ là "xóa đói, giảm nghèo". Cụ thể, người nghèo tiếp cận được đầy đủ các cơ chế, chính sách ưu đãi, góp phần giảm được tỷ lệ hộ nghèo hằng năm theo kế hoạch, đời sống người nghèo được từng bước nâng lên, cơ sở hạ tầng được cải thiện...
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là những kết quả nêu trên đã tương xứng với nguồn lực đầu tư cho công tác này? Và cũng xin lưu ý, đây là sự nỗ lực tối đa của Đảng và Nhà nước trong điều kiện nền kinh tế đất nước còn gặp nhiều khó khăn, việc đầu tư vào một số ngành, lĩnh vực buộc phải cắt giảm, chi tiêu được thắt chặt. Tóm lại, việc "thắt lưng buộc bụng" khiến chúng ta phải tính toán chi li việc đầu tư vào đâu, như thế nào nhằm có thể thu lại được hiệu quả tối đa. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền nhận định, do có nhiều chính sách nên nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo bị phân tán hoặc chồng chéo, thiếu tập trung. Kết quả giảm nghèo chưa đồng đều, chưa vững chắc. Địa bàn các xã nghèo miền núi, vùng dân tộc thiểu số tỷ lệ hộ nghèo còn cao, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn chiếm khoảng 50% trong tổng số hộ nghèo cả nước. Tỷ lệ hộ tái nghèo, hoặc phát sinh nghèo hằng năm còn cao, bình quân 3 hộ thoát nghèo có 1 hộ tái nghèo…
Bên cạnh đó, theo phân tích của một cán bộ lãnh đạo thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện bộ máy quản lý các chương trình, dự án giảm nghèo của chúng ta còn quá đồ sộ. Do vậy, số tiền đầu tư cho lĩnh vực này thực sự chỉ chiếm khoảng 1/3 kinh phí đã huy động. Thêm vào đó, mức kinh phí "khiêm tốn" ấy khi đến tận tay người dân còn tiếp tục hao hụt khi còn phải dành cho những khoản chi phí như việc đào tạo, cấp vốn, hỗ trợ việc làm, giáo dục, đời sống... cho người nghèo.
Với một số phân tích trên, để công tác xóa đói, giảm nghèo thực hiện có hiệu quả và bền vững, bên cạnh việc rà soát lại các cơ chế, chính sách để nhanh chóng có sự điều chỉnh phù hợp thì cần phải tái cơ cấu bộ máy vận hành, quyết liệt "tinh giản biên chế", loại bỏ những trường hợp "ăn theo" các đối tượng trong diện xóa đói giảm nghèo. Có như vậy guồng máy mới tinh, gọn, vận hành trơn tru, đưa những cơ chế, chính sách mang tính nhân văn của Đảng và Nhà nước trở thành hiện thực trong cuộc sống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.