(HNMO) - Ngày 23-7, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chính phủ điện tử đã chủ trì hội nghị Ủy ban Quốc gia về chính phủ điện tử với Ban Chỉ đạo Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương.
Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chính phủ điện tử Vũ Đức Đam; lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương và 63 tỉnh, thành phố. Về phía TP Hà Nội có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung tham dự hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, xây dựng chính phủ điện tử là công việc mới, khó, nên việc thường xuyên sơ kết, rút kinh nghiệm là hết sức cần thiết. Chính phủ đã ban hành văn bản chỉ đạo về định hướng, giao nhiệm vụ phát triển chính phủ điện tử, đến nay các địa phương, bộ, ngành đã ban hành kế hoạch thực hiện.
Vì vậy, hội nghị cần tập trung thảo luận tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7-3-2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025. Đặc biệt là làm rõ những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong triển khai, phân công nhiệm vụ, đồng thời rút kinh nghiệm từ cách làm hay của các địa phương, bộ, ngành để phục vụ phát triển, phục vụ nhân dân tốt hơn; giải pháp mở rộng, kết nối thống nhất giữa trung ương và địa phương; bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối quá trình vận hành chính phủ điện tử.
Báo cáo về tình hình, kết quả triển khai xây dựng chính phủ điện tử và hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chính phủ điện tử, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, việc triển khai xây dựng chính phủ điện tử đã đạt được một số kết quả tích cực. Đặc biệt là đã có chuyển biến trong nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức các cấp về chính phủ điện tử và quá trình triển khai hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, bảo đảm gắn kết giữa ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Việc thành lập Ủy ban Quốc gia về chính phủ điện tử, thành lập các Ban Chỉ đạo Xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền điện tử tại bộ, ngành, địa phương và xác định những nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết số 17/NQ-CP được các tổ chức, chuyên gia quốc tế đánh giá là đúng hướng, phù hợp với xu thế phát triển chính phủ điện tử trên thế giới hiện nay.
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về chính phủ điện tử và sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai Nghị quyết số 17/NQ-CP, cùng với việc huy động được sự vào cuộc của khu vực tư nhân, sự hỗ trợ của quốc tế, những chuyên gia giỏi trong và ngoài nước, sau 3 tháng triển khai đã cơ bản hoàn thành 10/16 nhiệm vụ cụ thể được giao trong 6 tháng đầu năm 2019...
Hà Nội sẽ triển khai Trung tâm Điều hành thông minh
Thay mặt lãnh đạo thành phố Hà Nội tham luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý khẳng định, thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; thành phố Hà Nội đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin với mục tiêu xây dựng đô thị thông minh, bền vững theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó xác định nền tảng là xây dựng chính quyền điện tử.
Về xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi và chuyên ngành, thành phố đang duy trì khai thác Trung tâm Dữ liệu thành phố với công nghệ hiện đại, đạt chuẩn quốc tế; cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin được triển khai đồng bộ, kết nối liên thông 3 cấp, đáp ứng yêu cầu giải quyết công việc trên môi trường mạng, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, họp trực tuyến.
Trong quý III-2019, 584 xã, phường, thị trấn được triển khai trang thiết bị sẵn sàng ứng dụng họp trực tuyến đến cấp xã. Hiện, Hà Nội đang chuẩn bị xây dựng, hình thành Trung tâm Giám sát, điều hành giao thông và phòng, chống tội phạm trên cơ sở tổ chức, lắp đặt hệ thống camera giám sát an ninh trật tự, giao thông, vệ sinh môi trường, trật tự đô thị cấp huyện; đã hoàn thành 3/6 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý, Hà Nội đã triển khai hiệu quả nhiều ứng dụng trong chỉ đạo, điều hành và phục vụ người dân, doanh nghiệp. Trong đó nổi bật là đã đưa vào vận hành hệ thống quản lý văn bản kết nối, liên thông 3 cấp trong thành phố; 100% dữ liệu hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư đã được số hóa; hoàn thành số hóa dữ liệu hộ tịch tại quận Long Biên.
Thành phố Hà Nội đã triển khai Cổng dịch vụ công trực tuyến, hệ thống phần mềm một cửa điện tử dùng chung 3 cấp của thành phố tại 22 sở, ban, ngành, 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn kết nối các cơ sở dữ liệu chuyên ngành; triển khai ứng dụng dịch vụ liên thông khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; triển khai hệ thống tuyển sinh đầu cấp trực tuyến; tỷ lệ đăng ký kinh doanh qua mạng đạt 100%; cấp phép đầu tư qua mạng đạt 73%; kê khai thuế qua mạng đạt 98,4%, nộp thuế điện tử đạt 94,6% (chiếm 20,2% cả nước)...
Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý cho biết, Hà Nội sẽ hoàn thành xây dựng, cập nhật kiến trúc chính phủ điện tử thành phố Hà Nội phù hợp với khung kiến trúc chính phủ điện tử Việt Nam (phiên bản 2.0); tập trung hoàn thành 3/6 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi còn lại gồm: Đất đai; tài chính; thống kê tổng hợp về dân số. Thành phố sẽ nâng cấp, triển khai diện rộng hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp thống nhất liên thông 3 cấp tích hợp chữ ký số chuyên dùng Chính phủ, kết nối trục liên thông văn bản quốc gia...
Hà Nội sẽ hoàn thiện, triển khai mở rộng, khai thác hiệu quả Cổng dịch vụ công, hệ thống phần mềm một cửa điện tử dùng chung 3 cấp của thành phố, các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tích hợp chữ ký số chuyên dùng Chính phủ; tổ chức thực hiện kết nối, tích hợp các cơ sở dữ liệu chuyên ngành và chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia...
Xa hơn, thành phố sẽ xây dựng và ban hành Đề án “Xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, đi đôi với việc triển khai Trung tâm Điều hành thông minh thành phố Hà Nội và một số thành phần cơ bản của hệ thống giao thông thông minh, hệ thống du lịch thông minh và các lĩnh vực khác theo lộ trình.
Để góp phần xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý kiến nghị, các bộ, ngành sớm tham mưu để Chính phủ ban hành các văn bản bảo đảm thống nhất trong thực hiện, tạo hành lang pháp lý cho nhiệm vụ này. Các bộ, ngành cũng cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia, tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử; công bố các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quy định về tích hợp, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các địa phương.
Tăng tốc trong công tác xây dựng chính phủ điện tử
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam điểm lại quá trình hình thành, triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng chính phủ điện tử tại Việt Nam, đồng thời cho rằng, về lâu dài, xây dựng chính phủ điện tử phải phù hợp với trình độ phát triển của đất nước. Việc xây dựng chính phủ điện tử phải gắn với cải cách thủ tục hành chính; công tác ứng dụng công nghệ thông tin, công khai, minh bạch, cần có sự gương mẫu của người đứng đầu... Thực hiện chính phủ điện tử phải thiết thực, không hình thức, không phong trào, lãng phí; đặc biệt chú trọng an toàn, an ninh thông tin. Các bộ, ngành cần xác định cơ sở dữ liệu cốt lõi để triển khai xây dựng.
Lưu ý thêm một số vấn đề, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương chỉ thiết lập cổng thông tin một cửa, gắn với yêu cầu an toàn thông tin. Cổng này cần kết nối với cổng thông tin quốc gia để tạo điều kiện cho nhân dân cũng như công tác quản lý. Các đơn vị, địa phương chú trọng thu hút người dân, doanh nghiệp tham gia vào thực hiện dịch vụ công; sớm ban hành quy chế quản lý, điều hành hệ thống dịch vụ công, triển khai đánh giá sự hài lòng của người dân... Trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, các đơn vị, địa phương cần lựa chọn các hình thức dịch vụ hành chính mà người dân có nhu cầu lớn; số hóa các dữ liệu quản lý, bảo đảm an toàn; chuẩn hóa cơ sở dữ liệu theo cơ sở dữ liệu quốc gia, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ...
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ghi nhận những ý kiến thể hiện sự sáng tạo, quyết tâm của các đơn vị, địa phương trong việc triển khai xây dựng chính phủ điện tử. Thủ tướng Chính phủ khẳng định, xây dựng chính phủ điện tử là vấn đề mới, khó nhưng chúng ta không được bàn lùi, mà phải làm mạnh mẽ hơn, tốt hơn.
Thủ tướng Chính phủ đánh giá, từ chỗ nhận thức về nhiệm vụ này còn chưa tốt, đến nay, đã có sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức. Kết quả đầu tiên rất tích cực là đã ban hành được Nghị quyết số 17/NQ-CP và được các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai. Các bộ, ngành đã hoàn thành 7/63 nhiệm vụ được giao, trong đó có nhiều đơn vị thực hiện tốt. Một số tỉnh, thành phố triển khai tích cực. Đến nay, chúng ta đã từng bước hoàn thành khung pháp lý về xây dựng chính phủ điện tử, tháo gỡ một số khó khăn; triển khai trục liên thông văn bản quốc gia; việc xây dựng dữ liệu quốc gia được chú trọng; việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến được tăng lên; kinh phí xây dựng chính phủ điện tử từ trung ương đến địa phương được quan tâm bố trí một phần; công tác bảo đảm an toàn, an ninh được cải thiện... Thủ tướng ghi nhận sự nỗ lực vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương; sự tham gia hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp, chuyên gia...
Tuy vậy, Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ một số hạn chế: Số lượng dịch vụ công tăng, nhưng tỷ lệ thực hiện còn thấp, hiệu quả chưa cao, cho thấy chất lượng dịch vụ công còn thấp; một số văn bản tạo hành lang pháp lý chưa được ban hành; tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia còn chậm; còn tình trạng sử dụng nhiều phần mềm khác nhau, không tương thích, thiếu liên thông, không đồng bộ trong xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền điện tử; một số nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết số 17/NQ-CP chưa đáp ứng được tiến độ; việc bố trí ngân sách còn gặp nhiều khó khăn; còn có sự chồng lấn trong hoạt động giữa các bộ, ngành, giữa trung ương và địa phương; an ninh, an toàn tuy đã được quan tâm nhưng vẫn còn nhiều vấn đề phải lo lắng...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh một số nội dung, nguyên tắc xây dựng chính phủ điện tử thời gian tới.
Về tầm nhìn, phải có sự liên kết giữa các cấp độ; giải quyết tốt mối quan hệ giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương. Mục tiêu là cung cấp thông tin, dịch vụ công trên nền tảng kỹ thuật số mọi lúc, mọi nơi, tăng cường sự tham gia của nhân dân. Các bộ, ngành, địa phương phải bám sát Nghị quyết số 17/NQ-CP để thực hiện; bảo đảm liên thông, không trùng lắp. Các đề án được triển khai phải bảo đảm an ninh, an toàn, có đơn vị làm đầu mối chịu trách nhiệm.
Về phương châm xây dựng chính phủ điện tử, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, phải lấy người dân làm trung tâm, sự hài lòng của người dân làm mục tiêu, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: "Nếu người dân không dùng, doanh nghiệp không dùng thì chính phủ điện tử thất bại, lãng phí".
Về cách làm, cần làm tốt, làm trước các yếu tố nền tảng; Chính phủ, doanh nghiệp lớn đầu tư và cho thuê, cho phép xây dựng hình thức đầu tư công - tư một cách chặt chẽ; chú trọng đào tạo căn bản cho từng ngành, địa phương; giao Bộ Thông tin và Truyền thông đầu tư xây dựng đề án dữ liệu dùng chung.
Nhấn mạnh vai trò của quản trị dữ liệu, Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm về quản trị dữ liệu, kết nối, luân chuyển dữ liệu và phải là dữ liệu an toàn. Trên tinh thần đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng tốc trong công tác xây dựng chính phủ điện tử; phát hiện khâu yếu để khắc phục.
Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo rà soát việc phân công nhiệm vụ trong Nghị quyết số 17/NQ-CP, bảo đảm hợp lý; đôn đốc, thúc đẩy, kiểm tra việc thực hiện; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những nội dung quan trọng; chuẩn bị chiến lược xây dựng chính phủ điện tử dài hơi hơn, đánh giá rủi ro, đề ra giải pháp thường kỳ.
Các bộ, ngành khẩn trương xây dựng, trình đúng tiến độ các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng tạo hành lang pháp lý cho công tác xây dựng chính phủ điện tử. Tập trung xây dựng và đưa vào vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia, trục liên thông văn bản quốc gia. Các tỉnh hoàn thành cung cấp dịch vụ công mức độ 3, 4, kết nối với cổng quốc gia...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.