(HNM) - Tại hội nghị xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp Việt Nam diễn ra cuối năm 2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết sẽ dành một gói tín dụng trị giá 50.000-60.000 tỷ đồng cho lĩnh vực này.
Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi, ban cho nhiều loại nông sản đặc sản. Thế nhưng, trong nhiều năm qua, sản xuất nông nghiệp vẫn chủ yếu mang tính tự phát, quy mô manh mún, nhỏ lẻ. Nông dân và thậm chí là một số ít doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực này vẫn nặng tâm lý “bán cái mình có”, thay vì tận dụng thế mạnh để đáp ứng “cái thị trường cần”. Khâu bảo quản, chế biến cũng chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức, dẫn tới khi vào chính vụ ê hề nông sản, phải bán đổ, bán tháo, thậm chí… đổ đi. Điệp khúc buồn “được mùa, mất giá” liên tục ngân lên, xé vào tâm can cả người sản xuất, tiêu dùng.
Đó là điều đáng suy nghĩ!
Ngày 5-8-2008, Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã ban hành Nghị quyết 26-NQ/TƯ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn với những mục tiêu cụ thể. Tầm nhìn rất xa của Trung ương về vấn đề này đã phát huy hiệu quả vô cùng tích cực. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, vẫn còn những tồn tại, khó khăn, dẫn đến kết quả chưa như kỳ vọng, dù nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu nước ta đã và đang đứng đầu thế giới.
Quay lại chuyện “có” và “cần”! Chẳng phải vô cớ, ngành Nông nghiệp đã và đang nỗ lực tái cơ cấu sản xuất. Nhìn lại năm 2016, thiên tai diễn biến phức tạp, khó lường; hạn hán, xâm nhập mặn; lũ lụt diễn biến trên diện rộng khiến không chỉ nông dân gặp nhiều khó khăn. Việt Nam là một trong những quốc gia bị tác động lớn nhất từ biến đổi khí hậu. Do vậy, sự chủ động, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất càng cần thiết. Để ứng phó, không thể không đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, như Hà Lan, một trong những quốc gia “nằm dưới mực nước biển”, đã trị thủy thành công.
“Nút thắt” đầu tiên và quan trọng nhất với sản xuất nông nghiệp là hạn chế về tích tụ ruộng đất đã, đang được tháo gỡ. Đây chính là tiền đề để đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hình ảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau” ngày càng vắng bóng trên các cánh đồng cả nước. Nông dân nhiều nơi đã thuê cày máy, cấy máy để giảm sức lao động…
Trong bối cảnh hội nhập, không thể hài lòng với những gì đã có mà phải luôn quan sát, học hỏi để tiếp tục hoàn thiện. Cùng là sản xuất nông nghiệp, nhưng nông dân các quốc gia phát triển đã dùng ô tô thăm đồng, công nghiệp hóa cơ bản nông nghiệp để rồi có điều kiện du lịch 5 châu. Từ đó, họ quay lại đầu tư sản xuất nông nghiệp tại nước sở tại, thuê người dân bản địa sản xuất những sản phẩm nông sản thế mạnh tại địa phương hướng tới xuất khẩu…
Còn nông dân ta…? Không phải nông dân Việt Nam không trăn trở, đổi mới, sáng tạo, nhưng đôi khi “cái khó bó cái khôn”! Gói tín dụng 100.000 tỷ đồng dành cho nông nghiệp là cơ hội tốt cho không chỉ doanh nghiệp mà với mỗi nông dân. Nhưng để có cơ hội, phải có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm và sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan chức năng để chính sách thực sự đi vào cuộc sống. Đi tiên phong thực hiện đòi hỏi này chính là các cơ quan quản lý, doanh nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.