Phát triển nông nghiệp công nghệ cao đã và đang trở thành một xu hướng tất yếu. Là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tuy nhiên, ngành nông nghiệp Thủ đô đang đối mặt với rất nhiều điểm nghẽn. Một trong số đó là có ít doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là quá ít doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao.
Thiếu vắng doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao
Ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, giúp sản xuất nông nghiệp phát triển vượt bậc, qua đó làm thay đổi bức tranh nông nghiệp Thủ đô đang là yêu cầu bức thiết.
Tuy nhiên, theo báo cáo của các cơ quan chức năng, hiện nay, Hà Nội chưa có khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao, mới chỉ bước đầu hình thành một số mô hình, HTX phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như mô hình sản xuất rau an toàn, trồng hoa, cây cảnh... Cụ thể, Hà Nội có 406 mô hình sản xuất nông nghiệp, 68 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và khoảng 20 doanh nghiệp bước đầu đã tham gia đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cả thành phố chỉ có duy nhất một doanh nghiệp được chứng nhận là doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao. Đó là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu KINOKO Thanh Cao, được Bộ NN&PTNT chứng nhận năm 2017. Điều này cho thấy việc sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Thủ đô còn manh mún, hạn chế.
Ông Đỗ Hoàng Tú, Phó Trưởng phòng phụ trách phòng Quản lý Công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội) cho biết, trong số 168 doanh nghiệp khoa học và công nghệ của Hà Nội có khoảng 25 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, từ doanh nghiệp khoa học và công nghệ trở thành doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao là cả một chặng đường. Qua trao đổi được biết các doanh nghiệp khoa học và công nghệ như: Công ty Cổ phần Dược thảo Thiên Phúc, Công ty cổ phần Giống gia súc Hà Nội... đều có định hướng phát triển thành doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao.
Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi đầu tư cơ sở hạ tầng lớn, việc triển khai muốn thành công cần có các doanh nghiệp tham gia. Vậy, làm thế nào để các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chuyển thành các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao hoặc ít nhất trở thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ?
Tiêu chí công nhận còn nhiều bất cập
Bà Nguyễn Thị Thoa, Trưởng ban Khoa học và công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội cho biết, căn cứ quy định tại Quyết định số 19/2018/QĐ-TTg về tiêu chí công nhận Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, năm 2021, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành thủ tục hành chính về vấn đề này và từ năm 2023, việc chứng nhận Doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao được thí điểm ủy quyền giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì thực hiện. Từ khi thủ tục hành chính được ban hành, đến nay, trên địa bàn thành phố mới có một doanh nghiệp đề xuất công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, sau khi thẩm định hồ sơ cho thấy doanh nghiệp chưa đáp ứng đủ điều kiện theo quy định để được công nhận.
Bà Thoa cho biết, trong quá trình thực hiện thẩm định, có 3 vấn đề vướng mắc. Đó là bất cập về tiêu chí xác định doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; bất cập các quy định về hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm ứng dụng công nghệ cao; và chưa có quy định cụ thể về vai trò trách nhiệm của từng thành viên trong tổ thẩm định nên nội dung thẩm định bị mở rộng hơn rất nhiều so với các điều kiện của Quyết định số 19/2018/QĐ-TTg.
Ví dụ, đối với tiêu chí quy định doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện tạo ra sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, năng suất, giá trị và hiệu quả cao, doanh thu từ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của doanh nghiệp đạt ít nhất 60% trong tổng số doanh thu thuần hằng năm. Hiện nay có nhiều doanh nghiệp hoạt động đa ngành nghề, trong đó lĩnh vực sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng không lớn trong tổng doanh thu của doanh nghiệp mặc dù là loại nông sản thuộc danh mục nông sản chủ lực của địa phương. Các quy định về doanh thu từ sản phẩm nông nghiệp chưa được làm rõ là sản phẩm là nông sản thô hay nông sản sau chế biến để thống nhất phương pháp tính toán phù hợp.
Về quy định doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện: Có hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm ứng dụng công nghệ cao, chuyển giao công nghệ để sản xuất sản phẩm nông nghiệp, tổng chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển được thực hiện tại Việt Nam trên tổng doanh thu thuần hằng năm đạt ít nhất 0,5%. Đối với tiêu chí này, tính tổng chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển nên được bổ sung cách tính theo hướng quy định cụ thể về số lượng đề tài, dự án, sáng kiến được cấp có thẩm quyền công nhận hoặc theo tỷ lệ % trên tổng doanh thu thuần hằng năm như đã quy định để bảo đảm phù hợp với hoạt động của doanh nghiệp hiện nay.
Ngoài ra, đối với tiêu chí về áp dụng các biện pháp thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam hoặc tiêu chuẩn quốc tế thì đến nay vẫn chưa có hướng dẫn đánh giá cụ thể...
Với những khó khăn trong công tác chứng nhận đã phần nào làm cho các doanh nghiệp đang có mong muốn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nản lòng, chưa mạnh dạn đầu tư.
Thành phố Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm khoảng 70% tổng sản phẩm nông nghiệp toàn thành phố (hiện nay là 46%). Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nói chung và phát triển các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nói riêng cần tiếp tục có những rà soát cả về chính sách, cơ chế và phương thức thực hiện chứng nhận để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp mạnh dạn, yên tâm đầu tư và tiếp cận chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.