Tỉnh Tây Ninh chuẩn bị công bố 7 dự án đầu tư trọng điểm trong lĩnh vực nông nghiệp với tổng vốn đầu tư 2.500 tỷ đồng.
Ngày 14-5, UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức họp báo công bố Vùng An toàn dịch bệnh; chuỗi sự kiện phát triển các dự án nông nghiệp công nghệ cao và kế hoạch xuất khẩu sản phẩm gia cầm sang thị trường Halal.
Chuỗi sự kiện do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cùng UBND tỉnh Tây Ninh, Tập đoàn De Heus (Hà Lan) và Tập đoàn Hùng Nhơn tổ chức tại thành tỉnh Tây Ninh.
Được biết, Tây Ninh là một trong các địa phương có quy mô chăn nuôi gia cầm lớn ở phía Nam, cung ứng các sản phẩm chất lượng cao cho thị trường trong và ngoài nước.
Thông tin tại họp báo, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Long cho biết, Vùng an toàn dịch bệnh là một trong những tiêu chí quan trọng trong ngành Nông nghiệp. Cụ thể, theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), khi xuất khẩu các sản phẩm từ động vật, bắt buộc phải tuân thủ các quy định, tiêu chí về vùng an toàn dịch bệnh.
“Tại Việt Nam, hơn 1.300 vùng an toàn dịch bệnh đã hình thành, đóng góp tích cực nhằm giúp các sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu. Đến nay, thịt lợn đã xuất sang các thị trường như Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc); thịt gà đã xuất đi Nhật Bản...”, ông Nguyễn Văn Long cho biết.
Còn theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Trần Văn Chiến, với vị trí địa lý nằm sát thị trường tiêu thụ nông sản lớn là thành phố Hồ Chí Minh, sát nước bạn Campuchia… tỉnh xác định cần chuẩn hóa ngành Chăn nuôi, đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng cao, phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
“Tính đến năm 2024, đàn gia cầm của tỉnh Tây Ninh có khoảng 10 triệu con, sản lượng thịt đạt 62.460 tấn. Tỉnh đang chuyển đổi mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô trang trại tập trung, an toàn sinh học và đã xây dựng được 116 trang trại. Tỉnh quyết tâm đẩy mạnh xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghệ tiên tiến, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ…”, ông Trần Văn Chiến thông tin.
Còn theo ông Vũ Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Nhơn, với những kinh nghiệm phối hợp với các đối tác quốc tế và trong nước triển khai nhiều dự án phát triển nông nghiệp công nghệ cao thời gian qua, doanh nghiệp liên danh phát triển nhiều dự án nông nghiệp công nghệ cao quy mô lớn tại tỉnh Tây Ninh.
Cụ thể, ngày 19-5 tới đây, với sự chứng kiến của lãnh đạo Chính phủ, các bên sẽ phối hợp tổ chức khánh thành Khu Chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Tây Ninh; công bố 7 dự án đầu tư trọng điểm trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2025-2030 có tổng vốn đầu tư lên đến 2.500 tỷ đồng; triển khai kế hoạch hợp tác, xây dựng và phát triển liên kết chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm gia cầm theo tiêu chuẩn Halal để xuất khẩu đi thị trường quốc tế và các nước Hồi giáo.
“Tập đoàn Hùng Nhơn và Tập đoàn De Heus (Hà Lan) đang xây dựng chuỗi liên kết, gồm: DHN, Bel Gà, Green Chicken, Visakan, Big Duchtman, Bio Agritech HN... Đây là mô hình “từ trang trại đến bàn ăn” đang được các tập đoàn toàn cầu theo đuổi", ông Vũ Mạnh Hùng tiết lộ.
Tại buổi họp báo, đại diện De Heus và Hùng Nhơn đã công bố thông tin về Quỹ Từ thiện DHN có quy mô 30 tỷ đồng. Mục tiêu hoạt động của quỹ nhằm hỗ trợ hộ nghèo tỉnh tây Ninh tiếp cận thực phẩm sạch, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.