(HNM) - Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 16-11, một số đại biểu Quốc hội khẳng định ủng hộ chủ trương đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, song kiến nghị cần có giải pháp cân đối các nguồn lực để bảo đảm nợ công nằm trong ngưỡng cho phép.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp): Tôi nhận thấy sự quyết tâm cao trong chỉ đạo của Chính phủ nhằm tập trung vốn đầu tư cho những công trình trọng điểm quốc gia mang lợi ích thiết thực, trong đó có dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Mặc dù có ý kiến lo ngại triển khai dự án này sẽ khiến nợ công tăng cao, song tôi thấy cần thiết phải làm. Quan điểm của tôi là nếu đầu tư cho đường sắt cao tốc Bắc - Nam thì chúng ta sẽ cắt hoặc hoãn, ngừng một số dự án chưa hiệu quả và chưa thật sự cần thiết để lấy nguồn vốn đó. Quan trọng là dự án cần được thực hiện công khai, minh bạch trong đấu thầu và giám sát thực hiện; phải cân đối các nguồn lực để bảo đảm nợ công nằm trong ngưỡng cho phép.
Đại biểu Lê Công Nhường (Đoàn Bình Định): Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), trong đó nguồn vốn nhà nước là 80% để đầu tư hạ tầng, nguồn vốn của nhà đầu tư là 20% để mua sắm đoàn tàu. Theo đó, Nhà nước cần huy động hằng năm 0,35 - 0,55% GDP, bằng khoảng 10% vốn đầu tư cơ sở hạ tầng. Nếu đầu tư đường sắt cao tốc từ Hà Nội đi Cà Mau như vậy sẽ cần khoảng 19 - 20 tỷ USD. Trong thời gian 10 năm, vừa đầu tư, vừa khai thác thì Nhà nước bố trí cân đối nguồn vốn được. Ngoài ra, chúng ta phải xã hội hóa để triển khai. Luật Đường sắt (sửa đổi) cho phép đổi đất lấy cơ sở hạ tầng đường sắt, tôi cho rằng đây là cách làm phù hợp để huy động nguồn vốn đầu tư cho dự án.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.