Dù được dự đoán là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong Khối đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong năm nay, song Italia lại vừa chứng kiến số nợ công tăng lên mức kỷ lục - 2.843 tỷ euro. Đây là nguy cơ tiềm tàng đe dọa quá trình hồi phục của đất nước hình chiếc ủng và khu vực.
Báo cáo tháng của Ngân hàng Trung ương Italia cho thấy, tháng 8-2023, nợ công của nước này tăng 28 tỷ euro so với tháng 7-2023 và cao hơn 1,9% so với mức 2.714 tỷ euro được ghi nhận vào đầu năm.
Phân tích về nguyên nhân tốc độ nợ công gia tăng nhanh chóng, các chuyên gia kinh tế cho rằng, đồng euro yếu hơn là một trong những yếu tố đáng chú ý, nhất là trong bối cảnh hầu hết các khoản nợ được định giá bằng đồng euro. Giá cả các mặt hàng liên tục tăng cao là yếu tố thứ hai khiến nợ công ngày càng phình to. Dù giá cả cao hơn đã giúp doanh thu thuế gia tăng, bổ sung vào ngân sách chính phủ thêm 23,2 tỷ euro. Tuy nhiên, lạm phát kết hợp với nhiều yếu tố khác như bất ổn chính trị và những lo ngại của giới đầu tư về tác động kinh tế từ cuộc xung đột Nga - Ukraine đã đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ lên mức cao nhất kể từ năm 2014. Lợi suất trái phiếu tăng đồng nghĩa với chi phí đi vay, tức nợ công của chính phủ Italia cũng nặng gánh thêm.
Trên thực tế, ngân sách của chính phủ Italia bị thâm hụt nặng nề sau 2 năm phải gồng mình để thực hiện nhiều biện pháp giúp đất nước vượt qua những ảnh hưởng kinh tế tiêu cực từ đại dịch Covid-19. Diễn biến bất ổn của tình hình thế giới khiến ngân sách nước này chưa kịp hồi phục sau đại dịch đã phải tiếp tục tiếp ứng để ngăn chặn cuộc khủng hoảng năng lượng cũng như bình ổn kinh tế. Đây là lý do, dù khoản nợ công đã lên tới 143,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), chính phủ Italia vẫn có kế hoạch phát hành thêm trái phiếu trung và dài hạn từ tháng 7 đến tháng 12 trị giá 118 tỷ euro. Trước đó, hơn 202 tỷ euro trái phiếu được bán trong nửa đầu năm.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo, các chính sách của Italia làm chậm quá trình giảm nợ công hoặc trì hoãn nhận quỹ khắc phục đại dịch của châu Âu có thể khiến Rome khó quản lý tài chính hơn khi tăng trưởng kinh tế chững lại. Theo định chế tài chính lớn nhất thế giới này, tăng trưởng kinh tế Italia đang bước vào giai đoạn chậm lại và những rủi ro suy giảm đang lấn át triển vọng. Dự báo GDP của nền kinh tế lớn thứ ba Eurozone sẽ tăng 1,1% trong năm nay và 0,9% vào năm 2024, thấp hơn so với mức tăng 3,7% của năm ngoái.
Nhìn lại cuộc khủng hoảng nợ công của Italia (từ năm 2008-2012), mức nợ công trung bình vào khoảng từ 1.800-1.900 tỷ euro. Đến năm 2014, con số này đã lên tới 2.157,5 tỷ euro. Trong quãng thời gian 6 năm, Rome đã phải chi 307 tỷ euro trong tổng số 771 tỷ euro ngân sách cho việc trả nợ công, xấp xỉ 40%. Tức cứ 10 euro GDP tạo ra, thì Italia phải trả nợ hơn 2 euro. Nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại, tình trạng nợ công hiện tăng cao, số lãi phải trả ngày càng lớn, chi tiêu ngân sách dành cho các kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế, phúc lợi xã hội, y tế công sẽ bị ảnh hưởng.
Ủy ban châu Âu (EC) gần đây đã công bố một đề xuất cải cách các quy tắc tài khóa của Liên minh châu Âu (EU), vốn đã bị đình chỉ trong thời gian xảy ra đại dịch nhưng hiện đang chuẩn bị được kích hoạt lại và cập nhật. Nội dung cải cách bao gồm việc trao cho các quốc gia thành viên EU quyền kiểm soát nhiều hơn đối với mục tiêu tài chính chung. Tuy nhiên, mức giảm thâm hụt công vẫn được đề nghị giữ ở dưới 3% GDP và nợ công dưới 60% GDP. Xét ở mức này, tỷ lệ nợ công Italia đang cao hơn gấp đôi so với quy định của EU.
Nếu có đồng tiền riêng, Italia có thể sử dụng biện pháp giảm tỷ giá hối đoái để khuyến khích lĩnh vực xuất khẩu của mình như một biện pháp bù đắp cho việc thắt chặt ngân sách. Nhưng là một thành viên của đồng euro, điều này là không thể. Thay vào đó, “thắt lưng buộc bụng” vào thời điểm này nhiều khả năng sẽ đẩy nền kinh tế quốc gia bên bờ Địa Trung Hải rơi vào tình trạng suy thoái. Tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” trong việc tìm kiếm giải pháp cho túi nợ ngày càng phình to của Italia không khỏi khiến các nhà đầu tư lo ngại.
Năm 2010, cuộc khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp đã gây ra làn sóng chấn động khắp toàn cầu. Tính về quy mô, nền kinh tế Italia lớn gấp 10 lần xứ sở các vị thần. Bởi vậy, không ai có thể lường hết được thiệt hại nếu Italia cũng đi vào “vết xe đổ” tương tự.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.