(HNM) - Trong các chính sách tài khóa, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng được đánh giá là gói hỗ trợ nhanh, trực tiếp, hiệu quả nhất đối với người dân, doanh nghiệp.
Trước hết, trong năm 2022, khoảng 51,4 nghìn tỷ đồng từ giảm 2% thuế giá trị gia tăng là số vốn để thúc đẩy cả sản xuất và tiêu dùng. Việc giảm thuế giá trị gia tăng thể hiện trong giá cả, góp phần làm giảm lạm phát, kích thích tiêu dùng, giúp doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa. Khi sức tiêu thụ tăng lên, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp được đẩy mạnh. Khi doanh nghiệp phục hồi và duy trì sản xuất, kinh doanh, việc làm cho người lao động cũng được mở ra, tỷ lệ thất nghiệp giảm, từ đó đóng góp cho sự phục hồi kinh tế - xã hội.
Thủ tục không phức tạp như các chính sách hỗ trợ khác, mức giảm thuế được áp dụng chung cho phần lớn hàng hóa giúp đa số doanh nghiệp, người dân được hưởng lợi ngay lập tức.
Thứ hai, đã từng có ý kiến lo lắng, việc giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% có thể làm cho nguồn thu ngân sách giảm trong ngắn hạn. Tuy nhiên, kết thúc năm 2022, ngành Thuế thu ngân sách vượt dự toán gần 20%. Đặc biệt, tỷ trọng thu nội địa lên tới 85%, cho thấy nội lực của nền kinh tế ngày càng vững chắc. Kết quả thu ngân sách là minh chứng cho thấy vòng quay kích cầu tiêu dùng, kích thích mua sắm làm tăng sức tiêu thụ hàng hóa, từ đó hoạt động sản xuất, kinh doanh được đẩy mạnh và cuối cùng sẽ giúp ngân sách nhà nước tăng thu. Toàn xã hội đã được hưởng lợi từ chính sách giảm thuế giá trị gia tăng.
Với ý nghĩa thiết thực đó, nhiều doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng đã kiến nghị kéo dài thời gian áp dụng chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2023 thay vì kết thúc khi hết năm 2022. Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cũng đề xuất Chính phủ một số chính sách tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có việc xem xét kéo dài đến hết năm 2023 chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng; giãn, hoãn áp dụng biểu giá đất mới; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ… Đây là những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả trong giai đoạn dịch Covid-19 phức tạp. Bởi lẽ, nền kinh tế trong nước vẫn đang đối mặt với không ít khó khăn do tình hình thế giới biến động, khó lường; chi phí nguyên vật liệu vẫn cao, đơn hàng sụt giảm do hầu hết thị trường lớn trên thế giới gặp khó khăn.
Trong nước, tuy số doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động tăng nhanh, nhưng mỗi tháng vẫn có gần 12 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ đạt hơn 82% quy mô so với thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid-19. Nói cách khác, doanh nghiệp đã phục hồi trong năm 2022 nhưng vẫn dễ bị tổn thương trước những tác động bất lợi. Vì vậy, những giải pháp đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, như chính sách giảm thuế giá trị gia tăng, chính là “liều thuốc” để doanh nghiệp ứng phó, chống chịu với tác động bất lợi.
Và như đã nói, việc giảm thuế giá trị gia tăng sẽ tiếp tục kiềm chế giá cả hàng hóa, kiềm chế lạm phát, từ đó góp phần duy trì tăng trưởng kinh tế. Với người tiêu dùng nói chung, người giảm thu nhập do mất việc làm nói riêng, giảm thuế giá trị gia tăng giúp giảm gánh nặng chi tiêu. Đồng thời, giá cả hàng hóa giảm là yếu tố kích thích tiêu dùng. Cuối cùng, đích đến là doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách. Đó là cách nuôi dưỡng nguồn thu hiệu quả và lâu dài.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.