Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiếp tục thực hiện tốt chính sách tài khóa

Theo Chinhphu.vn| 28/01/2023 07:50

(HNM) - Nhân dịp Xuân Quý Mão 2023, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trao đổi với báo chí về kết quả năm 2022, trọng tâm điều hành trong thời gian tới của Bộ Tài chính.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2022, thu ngân sách nhà nước đến ngày 15-12 đạt 1.691,8 nghìn tỷ đồng, bằng 119,8% dự toán, cao hơn 77,8 nghìn tỷ đồng so với số đánh giá thực hiện cả năm đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV. Để có được kết quả này là nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp kiểm soát dịch bệnh, các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, kiểm soát lạm phát, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Nền kinh tế phục hồi tích cực, các hoạt động sản xuất, kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng và trở lại trạng thái bình thường mới… Bộ Tài chính đã đẩy mạnh thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN; quản lý, giám sát và bảo đảm vận hành Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS giúp tiết kiệm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Cơ quan thuế, hải quan đã nỗ lực rất lớn, tăng cường các biện pháp quản lý thu, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp trốn thuế, gian lận thương mại, chống thất thu.

Đáng chú ý, năm 2022, Bộ Tài chính đã vận hành Cổng thông tin điện tử xuyên biên giới, đến nay đã có 42 nhà cung cấp nước ngoài kê khai nộp thuế, với tổng số thuế đã nộp là 3,44 nghìn tỷ đồng.

Năm 2023, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt một số nhóm giải pháp như: Bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về chính sách tài khóa nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; nghiên cứu, rà soát và sửa đổi, bổ sung các luật về thuế theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030; đồng thời, tiếp tục thực hiện một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân có thêm nguồn lực ứng phó với những khó khăn, thách thức trong thời gian tới; chủ động rà soát lại nhu cầu chi và cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý giá; điều hành linh hoạt giá cả trên cơ sở dự báo cung - cầu thị trường. Đặc biệt, Bộ Tài chính sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để ổn định và phát triển thị trường vốn công khai, minh bạch, an toàn, bền vững, tập trung hoàn thiện khung pháp lý và thể chế, bịt các lỗ hổng; đẩy mạnh công tác giám sát, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật; tăng cường truyền thông, tạo dựng niềm tin của nhà đầu tư…

Bộ Tài chính sẽ tập trung tham mưu với Chính phủ để tham mưu với Đảng, Nhà nước, Quốc hội tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Bộ Tài chính đã đề ra kế hoạch triển khai 108 nhiệm vụ và giải pháp, trong đó có 53 nhiệm vụ trực tiếp chủ trì, 55 nhiệm vụ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để thực hiện; chủ trì xây dựng 33 đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và ban hành 57 thông tư. Trọng tâm là tiếp tục thực hiện tốt chính sách tài khóa; phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ một cách hợp lý và hiệu quả nhất…

Cụ thể, năm 2023, Bộ Tài chính vừa đề xuất thực hiện chính sách gia hạn kéo dài, giãn hoãn thời gian nộp thuế như năm 2022, đồng thời đề xuất và được Chính phủ đồng ý giảm 3% tiền thuê đất, thực hiện giảm thuế môi trường cho xăng, dầu và một số khoản phí, lệ phí… từ đó tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ gia đình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp tục thực hiện tốt chính sách tài khóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.