Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nóng bỏng cuộc đua vào vị trí Thủ tướng Anh

Quỳnh Dương| 23/07/2022 07:10

(HNM) - Hai tuần sau khi Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố từ chức, đảng Bảo thủ cầm quyền đã lựa chọn cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak và Ngoại trưởng Liz Truss - 2 gương mặt sáng giá nhất trở thành ứng cử viên cho vị trí đứng đầu nội các kế nhiệm. Trong thời gian từ khoảng giữa tháng 8 đến đầu tháng 9, các thành viên đảng Bảo thủ trên cả nước Anh sẽ tiếp tục bỏ phiếu qua thư để đưa ra quyết định cuối cùng cho cuộc đua nóng bỏng này.

Hai ứng cử viên Thủ tướng Anh Rishi Sunak (trái) và Liz Truss.

Theo đánh giá của giới quan sát, vị thế trên “đường đua” tới “chiếc ghế” Thủ tướng Anh của cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak và Ngoại trưởng Liz Truss hiện nay là “ngang sức, ngang tài”. Ông R.Sunak, 42 tuổi, giữ chức Bộ trưởng Tài chính từ tháng 2-2020 đến ngày 5-7-2022, có đóng góp không nhỏ giúp chèo lái nền kinh tế Anh trong đại dịch Covid-19 và sau khi rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit. Còn bà L.Truss, 46 tuổi, giữ chức Ngoại trưởng từ tháng 9-2021 và được bổ nhiệm làm Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ với EU vào tháng 12-2021. Lập trường cứng rắn của nữ chính trị gia này trong các cuộc đàm phán hậu Brexit đã để lại ấn tượng tích cực đối với nhiều cử tri của xứ Sương mù.

Cả hai ứng cử viên đều ưu tiên các kế hoạch phục hồi nền kinh tế đang đứng trước nhiều nguy cơ. Lập trường khác biệt lớn nhất giữa 2 bên là một số vấn đề liên quan tới thuế. Cựu Bộ trưởng Tài chính R.Sunak cho biết, ưu tiên số một của ông là giải quyết vấn đề lạm phát và ông sẽ không để tình hình tệ hơn trước khi có thể cắt giảm thuế. Về phần mình, Ngoại trưởng L.Truss đề xuất giảm mức tăng thuế doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân, giúp giảm gánh nặng khoảng hơn 30 tỷ bảng (36 tỷ USD)/năm cho người đóng thuế. Bà không đồng tình với chính sách của ông R.Sunak - tăng thuế lên mức cao nhất trong 70 năm qua, vì sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp, đồng thời bóp nghẹt tăng trưởng kinh tế.

Phần lớn nhận định của các nhà bình luận cho thấy, dù ai làm tân Thủ tướng Anh cũng phải đối mặt với những thách thức lớn khi lạm phát ở nước này trong tháng 6-2022 đã tăng lên 9,4%, mức cao nhất trong vòng 40 năm qua do giá xăng và dầu diesel tăng mạnh. Việc đồng bảng Anh sụt giá gần đây càng làm gia tăng sức ép lạm phát với nền kinh tế.

Ngân hàng trung ương Anh (BoE) dự báo, lạm phát sẽ đạt đỉnh trên 11% khi nhu cầu năng lượng tăng mạnh trở lại vào mùa thu tới. Tình trạng này buộc BoE phải xem xét tiếp tục tăng lãi suất tại cuộc họp về chính sách tiền tệ vào tháng 8. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, Anh sẽ đối mặt lạm phát cao dai dẳng và tăng trưởng chậm hơn so với các nền kinh tế lớn khác trong năm 2023. Tỷ lệ nợ của nước này có thể tăng gấp hơn 3 lần lên mức gần 320% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong 50 năm tới nếu các chính phủ tương lai không thắt chặt chính sách tài khóa.

Cùng với lạm phát và nợ, Brexit cũng là vấn đề đau đầu ở Anh. London và Brussels vẫn có nhiều khúc mắc khi nhiều chính trị gia của Anh muốn viết lại các quy định về vấn đề thương mại liên quan tới Bắc Ireland. Khả năng cải thiện quan hệ với EU dưới chính phủ mới có thể làm gia tăng triển vọng xuất khẩu và đầu tư của Anh. Tuy vậy, ông R.Sunak và bà L.Truss là những người ủng hộ Brexit và có quan điểm khá cứng rắn trong các cuộc đối thoại với EU.

Theo kế hoạch, ông R.Sunak và bà L.Truss sẽ thực hiện các chiến dịch vận động tranh cử trong toàn đảng trên cả nước trước khi 160.000 đảng viên Bảo thủ bỏ phiếu lựa chọn. Các đảng viên Bảo thủ và cử tri cũng sẽ có cơ hội lắng nghe tranh luận của hai ứng viên trong chương trình kéo dài 60 phút, phát sóng trực tiếp vào tối 25-7. Đây sẽ là sự kiện quan trọng mang tính quyết định đối với hai ứng cử viên để giành được vị trí Thủ tướng Anh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nóng bỏng cuộc đua vào vị trí Thủ tướng Anh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.