Sáng 9-5, Câu lạc bộ Thăng Long tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - Những thành tựu, nguyên nhân và giải pháp”.
Hội thảo có sự tham dự của hơn 200 hội viên, nguyên là cán bộ, chuyên gia cao cấp trong nhiều lĩnh vực của Đảng, Nhà nước và địa phương.
Các bài tham luận và phát biểu trực tiếp tại hội thảo đã thống nhất khẳng định sự cần thiết, các thành công, hạn chế và đề xuất nhiều giải pháp, gợi ý thiết thực trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng...
Các hội viên đánh giá cao việc thành lập, triển khai hoạt động có hiệu quả Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, tạo sự đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bước đầu khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực được phát hiện, xử lý tăng cao; kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời những trường hợp tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan chống tham nhũng, tiêu cực.
Các hội viên cũng chỉ rõ một số khó khăn, vướng mắc, như: Tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực còn diễn biến phức tạp, nổi lên là các sai phạm lớn trong lĩnh vực đất đai, đấu thầu, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, hoạt động ngân hàng, đăng kiểm, y tế... gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Trong khi đó, quy định của pháp luật trên một số lĩnh vực còn sơ hở, bất cập, chậm được sửa đổi, bổ sung, nhất là lĩnh vực đất đai, đấu giá, đấu thầu, định giá, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.
Để đẩy mạnh chống tham nhũng, các hội viên đề nghị tiến hành đồng bộ hệ thống các giải pháp, dựa vào nhân dân, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị; bịt những lỗ hổng, kẽ hở trong hoạch định và thực thi chính sách; tăng cường kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, của báo chí - truyền thông; tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gắn với đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn “nhóm lợi ích” với quan điểm “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, kể cả không có “vùng nương nhẹ” trong xử lý, bất kể người đó là ai.
Cùng với đó, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kiên trì xây dựng văn hóa tiết kiệm, liêm, chính, không tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân; đề cao sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…
Các ý kiến cũng đề xuất siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, tiêu cực và tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống tham nhũng theo hướng mở rộng và triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế song phương và đa phương theo đúng các nguyên tắc, định hướng về công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước.
Đáng chú ý, một số ý kiến tại hội thảo cũng nhấn mạnh, báo chí ở nước ta có vai trò quan trọng trong phòng, chống tham nhũng, song cũng cần đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng ngay trong hoạt động báo chí để tiếp tục nâng cao vai trò và hiệu quả báo chí trong cuộc chiến với tệ nạn tham nhũng... Trong đó, cần tập trung xử lý hai vấn đề nhức nhối hiện nay đó là hiện tượng báo chí “bảo kê”, thông tin thiên vị và hiện tượng báo chí nhũng nhiễu doanh nghiệp, đơn vị và cá nhân...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.