(HNM) - Nhiều sinh viên ra trường không đáp ứng được yêu cầu về tiếng Anh trong công việc. Đây không chỉ là thực trạng khiến các nhà tuyển dụng đau đầu, mà còn là mối trăn trở lớn của các trường đại học (ĐH). Thực tế cho thấy, với các trường giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, việc nới lỏng đầu vào nhưng phải siết chặt đầu ra để nâng cao chất lượng đào tạo là vấn đề cấp thiết.
Một giờ học với giáo viên nước ngoài của sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: Bùi Tuấn |
Đầu vào khó khăn
Theo kết quả khảo sát do một trang web về việc làm tiến hành gần đây với các sinh viên mới ra trường cho thấy, chỉ có 5% số được hỏi tỏ ra tự tin về trình độ tiếng Anh của mình trong khi 27% tự nhận là mình kém toàn diện về kỹ năng này. Đây là nguyên nhân quan trọng khiến lao động Việt Nam mất đi lợi thế cạnh tranh trên thị trường lao động quốc tế. Việc dạy tiếng Anh cũng như phát triển các chương trình đào tạo chính quy bằng tiếng Anh là xu thế tất yếu trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay. Tuy nhiên, việc trang bị tiếng Anh cho sinh viên đang gặp thách thức ngay từ đầu vào, nhất là với những trường giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Trường ĐH Khoa học Công nghệ Hà Nội (Trường ĐH Việt - Pháp) có một bài phỏng vấn thí sinh bằng tiếng Anh trong kỳ thi đầu vào. Theo Hiệu trưởng - GS Patrick Boiron, mặc dù yêu cầu về tiếng Anh ở khâu tuyển sinh không quá cao, bởi nhà trường xác định sinh viên sẽ được bổ sung kỹ năng này trong quá trình học tập, song, các chuyên gia tuyển sinh của trường đã nhiều lần phải từ chối những thí sinh có năng lực khoa học khá tốt nhưng vốn tiếng Anh lại quá kém. Sau 7 năm hoạt động, trình độ tiếng Anh hạn chế của thí sinh vẫn là một trong số lý do quan trọng khiến trường không tuyển được đủ thí sinh so với tiềm lực và quy mô của trường.
Theo PGS Đỗ Thị Hải Hà (ĐH Kinh tế quốc dân), do trình độ tiếng Anh của sinh viên còn hạn chế, việc xây dựng và phát triển một số chương trình đào tạo bằng tiếng Anh có thể không thực hiện được. Nhiều cơ sở đào tạo đã phải bổ sung kinh phí cho việc tổ chức các lớp nâng cao trình độ tiếng Anh cho sinh viên năm thứ nhất. Tuy nhiên, đối với các cơ sở đào tạo, khó khăn không chỉ nằm ở khâu tuyển sinh - do vốn tiếng Anh hạn chế của thí sinh, mà còn nằm ở chỗ đội ngũ tham gia giảng dạy các chương trình bằng tiếng Anh còn thiếu, đặc biệt ở các môn chuyên ngành có tính đặc thù cao.
Ngoài ra, việc thực hiện các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh còn gặp phải vấn đề nan giải khác, đó là học liệu: Sử dụng giáo trình gốc với giá cao sẽ làm tăng chi phí học tập, còn dùng sách in sao thì vi phạm bản quyền. Với các trường không chuyên ngoại ngữ, việc đào tạo tiếng Anh có xu hướng tập trung quá nhiều vào tiếng Anh chuyên ngành, không chăm lo rèn luyện kỹ năng tiếng Anh một cách toàn diện. Do đó, sinh viên có thể nắm chắc kiến thức bằng tiếng Anh nhưng lại rất kém về kỹ năng nghe, nói, đọc, viết bằng ngôn ngữ này.
Nâng chuẩn đầu ra
Hiện ở Việt Nam, ngoài các trường công lập quốc tế như ĐH Việt - Pháp, ĐH Việt - Đức, hay các trường 100% vốn nước ngoài như RMIT, British University, không nhiều trường ĐH có chương trình giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Hiện có gần 40 trường có chương trình đào tạo bằng tiếng Anh, đó là các trường có năng lực đào tạo cao như ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Ngoại thương, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Giao thông Vận tải… Ở khu vực phía Nam, Trường ĐH Quốc tế thuộc ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh thực hiện việc giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, trường này đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ mở rộng việc dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh ở hầu hết các ngành. Trường ĐH Hoa Sen cũng triển khai dạy bằng tiếng Anh trong một số ngành. Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh hiện cũng đã bắt đầu giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh với chương trình cử nhân tài năng.
Chia sẻ về cách khắc phục rào cản tiếng Anh trong kỳ tuyển sinh trước mắt, Hiệu trưởng ĐH Khoa học Công nghệ cho biết, từ năm nay nhà trường bắt đầu dự án bồi dưỡng tiếng Anh cho học sinh cuối cấp THPT. Các giảng viên trẻ của trường sẽ hợp tác với các trường THPT để gặp gỡ, trau dồi một số kỹ năng cho học sinh, nhằm giúp các em vượt qua được nỗi sợ giao tiếp bằng tiếng Anh trong cuộc thi phỏng vấn đầu vào. Phương châm của nhà trường là tuyển thí sinh có tiềm năng để phát triển trong tương lai. Theo Hiệu trưởng Patrick Boiron, với đặc thù là trường ĐH nghiên cứu, niềm đam mê theo đuổi khoa học của thí sinh phải được đặt lên hàng đầu.
Trường ĐH Giao thông Vận tải cũng có quan điểm trên khi cho rằng, việc đào tạo ngoại ngữ cho thí sinh sau khi trúng tuyển có ý nghĩa quyết định tới chất lượng, chứ không phải là điểm thi đầu vào về ngoại ngữ. TS Trịnh Quang Khải, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo quốc tế của trường này chia sẻ kinh nghiệm: Nhận thấy việc tuyển học sinh THPT khối A1 ít có tác dụng với việc nâng cao trình độ tiếng Anh, nhà trường đã tập trung vào việc đào tạo ngoại ngữ trong những năm đầu đại học. Về chuẩn đầu ra, nhà trường yêu cầu sinh viên tốt nghiệp Chương trình tiên tiến phải có chứng chỉ của các trung tâm khảo thí có uy tín như Hội đồng Anh, IDP, hoặc tối thiểu là của Trường ĐH Hà Nội, ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội).
Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc giảng dạy bằng tiếng Anh trong các trường ĐH, song, do điều kiện thực tế còn nhiều khó khăn nên cho tới thời điểm hiện nay, Bộ GD-ĐT chỉ khuyến khích các trường thực hiện việc này. Trong tương lai, khi khung trình độ quốc gia được ban hành, trong đó có quy định chuẩn tiếng Anh cần đạt cho từng trình độ và ngành nghề, các trường sẽ xây dựng chương trình đào tạo và hoạt động đánh giá theo Khung tham chiếu Châu Âu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.