(HNM) - Những ngày gần đây, vụ việc liên quan đến đoạn video clip lan truyền trên mạng xã hội ghi lại cảnh một nhóm du khách khi tham gia trò chơi đã có những hành động được cho là phản cảm giữa “thanh thiên bạch nhật” ngay trên bãi biển Cửa Lò (thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An) - nơi thường có rất đông khách du lịch, khiến dư luận quan tâm. Khoan hãy nói đến tính đúng - sai của hành động này, nhưng việc làm “không vừa mắt” của họ rõ ràng là chưa phù hợp, trái thuần phong, mỹ tục của dân tộc ta. Vụ việc thêm một lần phải đặt ra vấn đề đã được nói nhiều là văn hóa ứng xử nơi công cộng.
Thực tế, thời gian qua đã xuất hiện không ít lời nói, hành vi chưa đẹp nơi công cộng. Có thể kể đến là hình ảnh chen lấn, xô đẩy kèm theo lời nói tục, chửi thề ở chốn đông người; hành vi phóng nhanh, vượt ẩu khi tham gia giao thông; xả rác bừa bãi ra đường, kênh mương, vẽ bậy lên tường; ăn mặc phản cảm đi vào chốn tôn nghiêm đình, chùa… Thậm chí, có những hành vi rất phản cảm đã bị xã hội lên án mạnh mẽ là sàm sỡ, quấy rối nơi công cộng…
Nhìn nhận vấn đề một cách khách quan có thể thấy, hiện nay, trong bối cảnh chuyển đổi của nền kinh tế, đời sống văn hóa, xã hội có những biến chuyển mạnh mẽ với sự giao thoa giữa cái cũ và cái mới, giữa truyền thống và hiện đại nên bên cạnh điều tốt đẹp, tích cực, tiến bộ là chủ yếu, còn nảy sinh thói quen xấu, chưa phù hợp. Mặc dù đây chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng thực tế này cần được nhận diện để loại trừ, gột rửa nhằm hướng đến một cộng đồng văn minh, tích cực và nhân văn.
Nhắc đến văn hóa ứng xử là nói đến những giá trị, chuẩn mực đạo đức được hình thành trong quá trình tương tác giữa các cá nhân, giữa cá nhân với cộng đồng thông qua hành vi giao tiếp nhằm hướng tới những điều tốt đẹp. Do vậy, để xây dựng môi trường văn hóa ứng xử lành mạnh nơi công cộng với những chuẩn mực đạo đức, pháp luật được thực thi từ các cá nhân cụ thể, việc phải làm thường xuyên, liên tục là đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, từ đó, mỗi công dân hình thành nếp sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
Cùng với đó là tiếp tục nghiên cứu xây dựng, bổ sung và hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật về cách ứng xử của cá nhân, tập thể ở nơi công cộng; có chế tài xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức và quy tắc xã hội, qua đó giúp mỗi người biết điều chỉnh hành vi, suy nghĩ để sống và làm việc tốt hơn.
Các cấp, ngành, địa phương và mỗi người dân tiếp tục thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; đồng thời quan tâm đầu tư nguồn nhân lực, tài lực trong việc tạo dựng, kiến thiết hệ thống thiết chế văn hóa đồng bộ, hiện đại, đáp ứng tốt nhu cầu của nhân dân.
Đặc biệt, để hình thành lối ứng xử văn minh, lịch sự, biết “kính trên, nhường dưới”, chúng ta cần coi trọng công tác giáo dục trẻ em ngay từ tấm bé. Theo đó, trong môi trường gia đình, nhà trường và xã hội, bên cạnh việc chung tay cung cấp cho các em kiến thức, cần chú trọng giáo dục đạo đức, hình thành nhân cách, trang bị những kỹ năng và lối sống đẹp. Làm sao để tạo môi trường tốt nhất cho mỗi cá nhân học tập và nỗ lực vươn tới những giá trị cao đẹp trong cuộc sống.
Nói lời hay, làm việc tốt, ứng xử đẹp nơi công cộng là biểu thị sự hiểu biết và ý thức trách nhiệm của mỗi người đối với cộng đồng. Qua đó, góp phần nhân lên những giá trị mới tốt đẹp hơn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.