Trong bối cảnh chuyển đổi số đang trở thành xu thế tất yếu, việc phổ cập tri thức số cho toàn dân đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Vì vậy, phong trào "Bình dân học vụ số" ra đời với mục tiêu giúp người dân, đặc biệt là những đối tượng ít có điều kiện tiếp cận công nghệ, có thể nắm bắt và làm chủ công nghệ số, từ đó tham gia sâu hơn vào nền kinh tế số, xã hội số.
Hà Nội với quy mô dân số lớn và địa bàn rộng, việc triển khai phong trào “Bình dân học vụ số” gặp nhiều khó khăn hơn các địa phương khác. Tuy nhiên, bằng sự quyết liệt chỉ đạo và vào cuộc thực hiện, công tác chuyển đổi số đã tạo những chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động của cả hệ thống chính quyền, người dân.
Với vai trò, vị thế đặc biệt quan trọng là Thủ đô, trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, đầu tàu kinh tế - văn hóa - khoa học - giáo dục của cả nước, Hà Nội cần tiếp tục có những đột phá mạnh mẽ hơn nữa trong phong trào “Bình dân học vụ số”, để xứng đáng là địa phương đi đầu trong công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số, xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại.
Để phong trào “Bình dân học vụ số” phát triển sâu rộng, đi vào thực chất, ngày 22-4-2025, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong ký ban hành Kế hoạch số 05-KH/BCĐ57 của Ban Chỉ đạo Thành ủy về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số về triển khai phong trào “Bình dân học vụ số" trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo đó, Thành ủy chỉ đạo các địa phương, đơn vị, thời gian tới, cần nâng cao nhận thức và thống nhất hành động của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp, các tầng lớp nhân dân về vai trò, ý nghĩa của chuyển đổi số. Đồng thời, các địa phương, đơn vị cần phổ cập kỹ năng số, khơi dậy động lực tự thân của mỗi người trong học tập, rèn luyện kỹ năng số và tham gia đầy đủ vào tiến trình chuyển đổi số của Thủ đô.
Muốn triển khai sâu rộng phong trào "Bình dân học vụ số" đến tận thôn, tổ dân phố, khu dân cư, tạo nên cuộc vận động toàn dân thi đua học tập, rèn luyện kỹ năng số, thời gian tới, cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cần gương mẫu để lan tỏa tinh thần tự học, tự rèn luyện, nâng cao và ứng dụng tri thức số, trở thành nhu cầu tự thân của mỗi người dân Hà Nội. Các cấp, ngành cần hướng dẫn cho người dân những kỹ năng cần thiết, hữu ích, có thể dùng được hằng ngày, như: Sử dụng dịch vụ công, bảo mật thông tin, kỹ năng để tránh lừa đảo công nghệ…
Các cơ quan chức năng của thành phố cũng cần sớm xây dựng cơ chế, chính sách tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, nhằm hỗ trợ và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, tạo điều kiện phổ cập kỹ năng số cho người dân, với phương châm "không ai bị bỏ lại phía sau" và "người dân, doanh nghiệp là trung tâm, mục tiêu, động lực của chuyển đổi số". Cần xác định, việc phổ cập tri thức số cho toàn dân chính là nền móng để xây dựng một xã hội tri thức, hình thành thế hệ công dân số chủ động, sáng tạo, thích ứng linh hoạt.
Muốn phát triển Thủ đô và đất nước nhanh, bền vững và mang tính tự chủ, thì không chỉ cần nguồn lực kinh tế, mà còn cần chú trọng hơn đến nguồn lực con người. Chuyển đổi số sẽ thất bại nếu chỉ dành cho người giỏi công nghệ. Cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, mọi người dân của Hà Nội đều phải được trao cơ hội học tập, tiếp cận công nghệ số, từ đó tham gia vào nền kinh tế số và xã hội số một cách chủ động, tự tin.
Thực hiện tốt phong trào "Bình dân học vụ số" là yếu tố quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 57-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; từ đó giúp người dân nhanh chóng tiếp cận và tham gia xây dựng chính phủ số, xã hội số, kinh tế số, công dân số... để Thủ đô và đất nước vươn mình mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.