Thị trường

Lấp lỗ hổng quản lý bán hàng trực tuyến

Hà Linh

Việc cơ quan chức năng phát hiện gần 600 mặt hàng sữa giả, cùng với hàng loạt sản phẩm bán hàng trực tuyến không đạt chất lượng cho thấy những kẽ hở trong công tác quản lý thị trường. Các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc những lỗ hổng quản lý thương mại điện tử cần sớm được lấp đầy để ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng...

Lợi dụng mạng xã hội để bán hàng trực tiếp

Những ngày gần đây, sữa trở thành đề tài “nóng” và thu hút sự quan tâm của dư luận, sau khi gần 600 nhãn hiệu sữa bột giả, được quảng cáo dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non và phụ nữ có thai, bị cơ quan Công an bắt giữ. Với số tiền thu lợi gần 500 tỷ đồng đồng nghĩa một lượng lớn sữa giả đã được tuồn ra thị trường.

sua-5.jpg
Người tiêu dùng nên chọn địa chỉ, nhãn hàng sữa uy tín được nhiều người tiêu dùng bình chọn.

Đáng chú ý, đối tượng dùng thủ đoạn gian lận, quảng cáo sản phẩm là “sữa”, “thuốc”, nhưng theo công bố và ghi nhãn sản phẩm là “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe”, “Thực phẩm bổ sung”, “Sản phẩm dinh dưỡng công thức”, “Thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt”...

Theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP (ngày 2-2-2018) của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, thực phẩm chức năng gồm 4 nhóm: Thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, trong đó, với nhóm thực phẩm bổ sung doanh nghiệp có thể tự công bố. Đây chính là “kẽ hở” để đối tượng làm hàng giả lợi dụng, dùng sữa kém chất lượng dán mác “sản phẩm dinh dưỡng”, "thực phẩm dùng cho chế độ đặc biệt"... để tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng và đánh lừa người tiêu dùng.

Cùng với đó, đối tượng không làm giả các sản phẩm đang lưu hành trên thị trường mà tự đặt ra tên sản phẩm và tên công ty mới, trong đó phần lớn có trụ sở "ảo" ở nước ngoài… sau đó quảng cáo là "hàng xách tay". Nơi sản xuất được đặt tại khu vực vắng người, ngõ cụt. Công nhân là người nhà hoặc người quen, chủ yếu ở các địa phương khác, ăn ở khép kín tại kho xưởng, không tiếp xúc với người dân xung quanh, gây khó khăn cho công tác giám sát, kiểm tra.

Ngoài ra, đối tượng làm sữa giả cũng thành lập doanh nghiệp đúng quy định pháp luật để che đậy hành vi vi phạm. Hàng hóa không được phân phối qua hệ thống siêu thị, đại lý chính thức hoặc chuỗi bán lẻ có kiểm soát, mà chủ yếu tiêu thụ trực tiếp tới tay người tiêu dùng, trà trộn, trá hình vào các hội thảo chuyên ngành, các bệnh viện, phòng khám; thuê người nổi tiếng để quảng cáo và bán trực tiếp sản phẩm trên mạng xã hội như YouTube, Facebook, Zalo...

Bịt kẽ hở trong quản lý

Theo lực lượng quản lý thị trường, hoạt động tiêu thụ hàng hóa gian lận qua thương mại điện tử, mạng xã hội vẫn rất khó kiểm soát và phức tạp. Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho hay, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội thời gian qua đã phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm bán hàng qua livestream. Năm 2024, trong số 5.124 vụ việc được kiểm tra có hơn 600 vụ liên quan đến thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến.

Các chuyên gia cho rằng, vụ sản xuất sữa giả vừa bị phát hiện một lần nữa đặt ra vấn đề về kiểm soát hoạt động kinh doanh trực tuyến. Trước hết, lực lượng chức năng cần tiếp tục mở các đợt kiểm tra chuyên đề trên thương mại điện tử, nền tảng mạng xã hội, trường hợp cần thiết có thể tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành, gồm các cơ quan có nhiệm vụ quản lý an toàn thực phẩm. Cùng với kiểm tra, cơ quan chức năng xử lý nghiêm vi phạm, thông tin rộng rãi để người dân biết. Với nhiều trường hợp, vi phạm được phát hiện khi người tiêu dùng chủ động kiểm tra, báo cáo, do đó nên có cơ chế, công cụ để người tiêu dùng chủ động kiểm tra sản phẩm và phản ánh ngay với cơ quan quản lý.

Trở lại vụ làm sữa giả, đại diện Bộ Công Thương cho hay, theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm quản lý nhóm sản phẩm sữa chế biến thông thường. Các sản phẩm sữa bổ sung vi chất, thực phẩm chức năng hay dược phẩm có thành phần dinh dưỡng đặc biệt lại thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế. Việc cấp đăng ký kinh doanh thuộc về Sở Kế hoạch và Đầu tư (nay là Sở Tài chính). Như vậy cùng một mặt hàng có nhiều cơ quan chức năng quản lý.

Về quy định xử lý gian lận thương mại, từ Nghị định số 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính, đến Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) cùng nhiều luật chuyên ngành như Luật An toàn thực phẩm, Luật Quảng cáo, Luật Thương mại... đều đã thiết lập khung pháp lý. Song, việc áp dụng các quy định này vẫn còn không ít bất cập. Chẳng hạn với nhiều nhóm thực phẩm chức năng, doanh nghiệp chỉ cần nộp hồ sơ là có thể đưa sản phẩm ra thị trường mà không trải qua thẩm định hay kiểm nghiệm độc lập…

Thực tế trên đòi hỏi cơ quan chức năng cần vào cuộc sát sao hơn. Và đã đến lúc cần tính đến việc quy về một mối, tinh gọn và sáp nhập các quy trình liên quan đến quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm nhằm tạo ra một hệ thống minh bạch, trách nhiệm và đủ sức răn đe.

Theo luật sư Nguyễn Thị Ngọc Hà, Giám đốc khối luật Công ty Luật SBLAW, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP nên được sửa theo hướng đăng ký công bố có kiểm soát với các nhóm thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe. Đặc biệt, hậu kiểm bắt buộc thay vì chỉ kiểm tra khi có phản ánh; bổ sung quy định về trách nhiệm liên đới của nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, do nhiều sản phẩm giả được quảng cáo và tiêu thụ công khai qua mạng xã hội, sàn thương mại điện tử.

Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Hữu Linh: Tăng cường giám sát hoạt động thương mại điện tử

cuc-truong-cuc-quan-ly-thi-truong-tran-huu-linh.jpg

Liên quan đến các vụ việc sữa giả, thuốc giả vừa được kiểm tra, phát hiện, Cục Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước đã yêu cầu các chi cục quản lý thị trường tỉnh, thành phố tổng kiểm tra hoạt động kinh doanh, sản xuất thuốc, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền; đồng thời, tăng cường giám sát điều kiện hoạt động thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh dựa trên ứng dụng công nghệ số; xử lý cá nhân, tổ chức sử dụng các trang mạng xã hội kinh doanh hàng giả, không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng...

Cùng với cơ quan chức năng, người tiêu dùng cần lựa chọn địa chỉ, nhãn hàng uy tín được nhiều người tiêu dùng bình chọn, nhất là khi mua hàng trực tuyến; không mua những sản phẩm, hàng hóa có màu sắc, hình dáng, mùi vị, giá bán rẻ bất thường; cần kiểm tra kỹ sản phẩm thông qua hotline của nhà sản xuất trên vỏ hộp hàng hóa, thông tin trên website của doanh nghiệp, số điện thoại đường dây nóng...

Chị Nguyễn Thị Châu Anh (phố Võ Chí Công, phường Xuân La, quận Tây Hồ): Nên thay đổi thói quen tiêu dùng

chau-anh.jpg

Mua hàng trực tuyến quá dễ dàng, thuận tiện nhưng cũng không tránh khỏi lo lắng về chất lượng sản phẩm nếu cơ quan quản lý không có giải pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Với người tiêu dùng, việc phân biệt sữa giả và thật là rất khó nếu chỉ nhìn vào bao bì bên ngoài, chưa kể nhiều người tiêu dùng có thói quen mua hàng xách tay, giảm giá, tin lời quảng cáo nhưng lại ít quan tâm tới hóa đơn, giấy kiểm định.

Sau sự việc liên quan đến hàng trăm loại sữa giả được bán tràn lan trên thị trường, kinh nghiệm của tôi là tải phần mềm nhận diện mã vạch về điện thoại, để mỗi lần chọn mua hàng có thể kiểm tra nguồn gốc sản phẩm.

Tôi nghĩ không riêng tôi, người tiêu dùng nên thay đổi thói quen, quan điểm và cách thức lựa chọn sản phẩm đạt tiêu chuẩn để tránh bị rơi vào “ma trận” hàng giả.

Chị Trần Hồng Phương (chung cư S02 Oceanpark, huyện Gia Lâm): Chọn mua sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng

chi-tran-hong-phuong.jpg

Gia đình tôi có cả người già và trẻ nhỏ nên dùng khá nhiều sản phẩm sữa. Từ trước đến giờ, khi lựa chọn sản phẩm, tôi quan tâm đầu tiên đến nguồn gốc nên hay chọn mua sữa tại các siêu thị lớn hoặc các cửa hàng phân phối chính hãng, không mua tại cửa hàng nhỏ lẻ hoặc các kênh bán hàng trực tuyến.

Sữa xách tay, dù được quảng cáo là “chính hãng”, thường không có tem nhãn phụ tiếng Việt và không qua kiểm định của cơ quan chức năng, dễ bị làm giả.

Đặc biệt, tôi chú ý nhiều tới bao bì sản phẩm, bởi các sản phẩm sữa thật thường có bao bì chắc chắn, in ấn sắc nét, không bị mờ, nhòe hay sai chính tả và tôi cũng sử dụng ứng dụng quét mã vạch như iCheck hoặc Barcode Scanner để xác minh nguồn gốc.

Trên nhãn sản phẩm, ngày sản xuất và hạn sử dụng phải rõ ràng, không bị tẩy xóa. Riêng với sữa bột cho các bé, tôi kiểm tra kỹ màu sữa khi mở, bởi sữa thật sẽ có màu trắng ngà hoặc vàng nhạt, mùi thơm nhẹ, vị ngọt dịu, tan đều khi pha, không để lại cặn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lấp lỗ hổng quản lý bán hàng trực tuyến

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.