Góc nhìn

Cần cả ba nhà

Hoàng Lê 27/04/2025 14:12

Trong những ngày vừa qua, nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2025 (21-4) diễn ra sôi nổi trên phạm vi cả nước, góp phần lan tỏa thông điệp có ý nghĩa: “Đọc sách - làm giàu tri thức, nuôi dưỡng khát vọng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo”, “Văn hóa đọc - kết nối cộng đồng”, “Cùng sách bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”...

Loạt hoạt động phong phú về hình thức, diễn ra từ ngày 15-4 đến 2-5, bao gồm tuyên truyền, giới thiệu về tầm quan trọng của việc đọc sách, kỹ năng đọc sách; tổ chức thi vẽ tranh, kể chuyện theo sách; tổ chức tọa đàm về tác giả - tác phẩm, công tác thư viện, sưu tầm sách...

Nhìn chung, việc tổ chức hoạt động kỷ niệm Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam có ý nghĩa thiết thực, góp phần tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về tầm quan trọng của việc đọc sách cũng như hình thành văn hóa đọc, lan tỏa tình yêu sách. Tuy nhiên, sự hình thành phong trào đọc sách trong thực tế dựa nhiều hơn vào quá trình “giác ngộ” của từng cá nhân với sự trợ giúp mang tính đồng hành của gia đình, nhà trường và cơ quan quản lý văn hóa, giáo dục.

Quá trình ấy suôn sẻ hay không phụ thuộc vào trách nhiệm và nhận thức của người lớn về tầm quan trọng của sách đối với trẻ em, từ độ tuổi mẫu giáo đến trung học phổ thông, và phong trào đọc sách thường xuyên, đúng cách có liên quan đến nguồn lực quốc gia chứ không chỉ là bồi dưỡng nhân cách, nâng cao sự hiểu biết của mỗi người. Cha mẹ đọc cùng con để tự bồi đắp tri thức, rèn luyện kỹ năng đọc và truyền niềm cảm hứng cho con trẻ; nhà trường không chỉ dành thời gian cho sự đọc của học sinh, chăm lo cho thư viện trường một cách thực chất, mà còn giúp trẻ hình thành phương pháp đọc - hiểu thay vì đọc - nhớ và đọc - thuộc. Ngành Văn hóa, Giáo dục không chỉ tuyên truyền về lợi ích của mô hình thư viện các cấp, thư viện trường, tổ chức các hoạt động hưởng ứng mang tính “kỳ cuộc”, mà cần hơn cả là có giải pháp giám sát, kiểm tra, trợ giúp để đảm bảo những mô hình đó đem đến hiệu quả thực chất.

Trong loạt hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc 2025, đáng chú ý là một số buổi tọa đàm về xu hướng đọc trong thời đại số, khi trí tuệ nhân tạo (AI) đang có sự can thiệp mạnh mẽ vào đời sống lao động, học tập và giải trí của con người. Tuy nhiên, dường như chúng ta đang hướng nhiều về lợi ích của công nghệ số đối với sự đọc, những gì được đưa ra chưa đủ để cảnh báo đúng mức về “mặt trái” từ AI cũng như điểm hạn chế từ xu hướng đọc nhanh trong điều kiện kỹ năng đọc chưa được rèn luyện tốt của rất nhiều người.

Trong thực tế, bạn có thể “nhờ” Chat GPT đưa ra bản tóm tắt một tác phẩm văn học bất kỳ và đọc để biết, tỏ ra “không kém ai”, nhưng nếu đó là bản tóm tắt của một áng văn chương đồ sộ, như “Sông Đông êm đềm” chẳng hạn, thực tế là sau đó bạn sẽ không có gì để “khoe” chứ chưa nói đến việc rút ra điều ý nghĩa từ đó. Tương tự, bằng cách lướt qua những giá trị văn chương hoặc kỹ năng sống, kiến thức bổ ích cần có, bạn có thể nói rằng mình đã đọc nhưng không thể nói về văn hóa đọc và những gì lớn lao hơn thế.

Người lớn chúng ta đã và đang làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến đáng kể trong nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc đối với tương lai của mỗi cá nhân cũng như quốc gia. Vấn đề là làm sao thực hiện hiệu quả giải pháp cần có để chuyển nhận thức đúng đắn đó thành hành động đọc chất lượng trong thực tế, để ngày càng nhiều cá nhân có nhu cầu đọc thường xuyên, tựa như ta không thể thiếu dưỡng khí, không thể không ăn uống mỗi ngày. Hơn nữa, cần có những cuộc khảo sát nghiêm túc về cách thức hoạt động và hiệu quả thực tế của mô hình thư viện trường; xu hướng đọc và điều kiện đọc ở gia đình nông thôn cũng như thành thị nhằm có được giải pháp thỏa đáng, bao gồm việc chấn chỉnh hoạt động đối với mô hình bị cho là “có cũng như không” hoặc hiệu quả hoạt động thấp dù được Nhà nước đầu tư kinh phí.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần cả ba nhà

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.