Đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là một trong những khâu đột phá, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển, nâng cao năng suất lao động, bảo đảm sự phát triển nhanh, bền vững cho các quốc gia.
Thực tế phát triển của các nền kinh tế lớn trên thế giới cho thấy, việc thực hiện đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số sẽ trực tiếp làm thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội đất nước theo hướng nhanh, bền vững. Các quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore... đều là những nền kinh tế đứng đầu về các chỉ số đổi mới sáng tạo, cũng như chuyển đổi số.
Đối với nước ta, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là con đường quan trọng để bứt phá, là điều kiện tiên quyết để đất nước phát triển giàu mạnh, hùng cường. Nhận thức rõ điều này, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nêu rõ: “Thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế”. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 định hướng: “Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”. Gần đây nhất, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TƯ (ngày 22-12-2024) về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, trong đó nêu rõ: “Ưu tiên nguồn lực quốc gia đầu tư cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”.
Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đến nay, chúng ta có khoảng 4.000 doanh nghiệp, 20 trung tâm khởi nghiệp sáng tạo cùng hàng trăm quỹ thúc đẩy đầu tư, vườn ươm. Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của chúng ta hiện đứng thứ 56/100 quốc gia. Hai đầu tàu kinh tế là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh nằm trong tốp 200 thành phố khởi nghiệp sáng tạo trên toàn cầu. Đặc biệt, theo Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu 2024, Việt Nam xếp hạng 44/133 quốc gia. Trong 14 năm liền, chúng ta luôn có kết quả đổi mới sáng tạo cao hơn so với mức độ phát triển.
Đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là xu hướng không thể đảo ngược, là yếu tố đặc biệt quan trọng đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới!
Hiện chúng ta đang đứng trước cơ hội lớn, song cũng đối mặt thách thức về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Trong đó, thách thức lớn nhất là quy mô, tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia của chúng ta còn cách xa so với nhóm các nước phát triển. Việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa có bước đột phá. Thứ nữa, chúng ta chưa làm chủ được công nghệ chiến lược, công nghệ cốt lõi; nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu, hạ tầng chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng số còn nhiều hạn chế. Đáng chú ý, nhận thức của nhiều cấp, nhiều ngành, cán bộ, công chức và nhân dân về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số chưa đầy đủ và sâu sắc...
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để đạt được mục tiêu này, chúng ta cần phát triển, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, mở ra không gian phát triển mới cho đất nước. Quan trọng hơn nữa là chúng ta phải đồng lòng, chung sức vì mục tiêu phát triển chung, tạo nên một cuộc bứt phá về đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Trong đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta là: "Người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, nguồn lực, động lực chính, nhà khoa học là nhân tố then chốt; Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia". Trên quan điểm này, ngày 24-4 vừa qua, phát động phong trào “Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Từng người dân Việt Nam cần thi đua tự trau dồi, học hỏi, không ngừng đổi mới sáng tạo, nâng cao kỹ năng số; nếu không thì kinh tế số, xã hội số không thể phát triển, đất nước không thể phát triển nhanh và bền vững”.
Hiện hầu hết các nước trên thế giới đều đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa nền quản trị quốc gia. Với Việt Nam, để đất nước phát triển nhanh và bền vững, cần thực hiện tốt lời kêu gọi của Người đứng đầu Chính phủ. Các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên phải nhận thức đầy đủ tầm quan trọng và quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, xác định rõ trách nhiệm và chủ động triển khai thực hiện. Mỗi người dân cần nỗ lực học tập, tự cập nhật, trau dồi kiến thức khoa học công nghệ, tham gia tích cực vào phong trào “học tập số” để trở thành một “Công dân số”; chuyển đổi một cách tổng thể và toàn diện cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số; chung tay góp sức xây dựng chính quyền số, thúc đẩy phát triển kinh tế số, từng bước xây dựng xã hội số, góp phần tích cực vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia...
Chung sức, đồng lòng thi đua đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chúng ta sẽ đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.