Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nói không với tin giả

Vũ Hoàng| 24/10/2019 10:05

(HNMCT) - Sự phát triển của công nghệ đã làm thay đổi sâu sắc cách thức thông tin. Hiện nay, tham gia vào mạng lưới truyền thông không chỉ có các cơ quan thông tin đại chúng được cấp phép, mà còn có các trang mạng xã hội, những người thường xuyên sử dụng Facebook, YouTube, Twitter... Hệ lụy đến cùng lợi ích.

Việc ai cũng có khả năng “làm tin” và đưa tin dẫn đến vấn nạn mà xã hội phải đối mặt, trong đó, đáng chú ý là hành vi lợi dụng quyền được thông tin để lan truyền tin giả, tin sai sự thật, thậm chí là bịa đặt nhằm thu hút sự chú ý của cộng đồng hoặc, tệ hơn, gây tổn hại tới uy tín, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Những vụ việc xảy ra trong thời gian gần đây, liên quan tới vấn nạn tin giả, cho thấy cách thức thông tin thiếu trách nhiệm đã trở thành mối nguy đối với xã hội nói chung, cần phải có cách đối phó hiệu quả hơn.

Thực tế đời sống chỉ ra rằng, trước mối nguy hại đến từ tin giả và cách thức lan truyền thông tin độc hại dễ dàng nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại, mỗi người cần được trang bị kỹ năng nhận diện fake news (tin giả), luôn cảnh giác khi tiếp nhận thông tin qua các trang mạng xã hội nhằm tránh hệ lụy đáng tiếc xảy ra.

Như mới đây, ngày 17-10, sau khi mạng xã hội lan truyền một clip ngắn ghi lại cảnh một người cha trong cơn say rượu đã đánh, chửi con trai nhỏ tuổi của mình, một số lớn người tiếp nhận thông tin đã không nghĩ rằng clip đó được quay từ 2 năm trước, nay mới được tung lên Facebook vì tâm lý thù tức cá nhân giữa người quay video clip đó và người bị ghi hình.

“Dân mạng” như lên đồng, một số truy tìm “nhân vật” và tới nhà anh này ở tận Mỹ Tho (Tiền Giang), dùng nắm đấm hỏi tội. Dựa trên quy định hiện hành, hành vi nói trên của người cha xứng đáng được cơ quan chức năng “thăm hỏi”, nhưng chính cách tiếp nhận thông tin thiếu cân nhắc về tính chính xác của nó đã khiến một phần của cộng đồng mạng coi đó là vụ bạo hành có tính thời sự cao, như mới xảy ra, và điều đó đã thúc đẩy tối đa hành vi “nhân danh luật pháp” trừng trị “kẻ có tội” một cách trái luật.

Đáng tiếc là sự vụ đã dẫn ở trên không mang tính đơn lẻ. Kể từ đầu năm đến nay, qua mạng xã hội mà điển hình là Facebook và YouTube, loại tin không đúng sự thật, tin có nội dung bịa đặt, mang tính vu khống xuất hiện khá nhiều. Từ tin giả về dịch bệnh đối với vật nuôi ở tỉnh Lào Cai, Bạc Liêu, Cà Mau và một số nơi khác; tin về thịt lợn nhiễm sán được dùng cho bữa ăn của trẻ mầm non ở huyện Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh) đến những loại tin đồn gây ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội như tin cảnh báo nạn buôn bán nội tạng, bắt cóc trẻ em...

Trong rất nhiều trường hợp, mỗi khi xuất hiện “sự cố” nào đó về môi trường hoặc liên quan tới đời sống, công việc, sức khỏe... của cán bộ nhà nước là gần như ngay lập tức tin đồn, tin giả, tin bịa đặt xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội. Đa số “nói như đúng rồi”, như thể mình là người chứng kiến sự việc hoặc được tiếp cận với kết luận chính thức dù cơ quan có thẩm quyền chưa kết thúc quá trình điều tra.

Rất tiếc là đã có nhiều người tiếp nhận thông tin một cách dễ dãi, không đủ năng lực phân biệt được tin giả hoặc đơn giản là bị tâm lý đám đông chi phối, nên đã tiếp tay lan truyền tin giả.

Pháp luật đã có quy định về hình phạt đối với hành vi thông tin và phát tán tin giả, thông tin nhằm mục đích vu khống, bôi nhọ cá nhân, tổ chức. Đã có nhiều người bị phạt hành chính, thậm chí bị xử lý hình sự về hành vi này nhưng cho tới nay, việc thông tin và tiếp tay lan truyền thông tin độc hại, tin giả vẫn không thuyên giảm.

Tình hình cho thấy không chỉ các cơ quan bảo vệ pháp luật cần có giải pháp hiệu quả hơn đối với những người cố tình đưa thông tin giả, thông tin độc hại tới cộng đồng, mà chính người dùng mạng xã hội nói riêng và người dân nói chung cần có sự tỉnh táo khi tiếp nhận thông tin từ những nguồn tin không chính thống.

Sự thức tỉnh là điều cần, nhằm nâng cao ý thức và khả năng nhận diện, phản bác đối với tin giả cũng như thông tin được đưa ra nhằm mục đích gây bất ổn xã hội. Chỉ khi nhận thức chung được nâng lên, ý thức cảnh giác mang tính thường trực thì mới có thể hạn chế hành vi tiếp tay lan truyền tin giả, tin độc hại.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nói không với tin giả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.